Mấy ngày gần đây, người dân TP.HCM sống ven các kênh, rạch rất lo lắng vì tình trạng muỗi đột nhiên xuất hiện rất nhiều. Nhiều kênh rạch tại TP nước đen ngòm, ứ đọng cùng với nhiều rác thải, cỏ cây rậm rạp. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở.
Đến các phường 11, 12, 13 thuộc quận Bình Thạnh, ở đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện muỗi “tấn công” nhà dân. Chú Nguyễn Văn Sáu, có nhà ở ngay khu vực rạch Vàm Thuật (người dân thường gọi là sông Băng Ky), cho biết: “Mọi khi nước lưu thông được, tuy cũng có muỗi nhưng ít.
Bây giờ nước không chảy được, đọng lại lâu ngày, cùng với sự ô nhiễm khiến cho muỗi ngày càng nhiều hơn”. Dọc theo hai bên bờ rạch Vàm Thuật, nhà ai cũng trang bị bình xịt muỗi. Trời vừa sụp tối, bà con đã lo giăng mùng, chui vào trong ngồi.
Bà Tám Hải (phường 13, Bình Thạnh) vừa nói vừa chỉ những vết muỗi cắn đỏ tấy trên tay, chân mình: “Muỗi cỏ này nhỏ con thôi nhưng nó cắn ngứa lắm, bị nó cắn tui gãi hoài làm tay chân sưng đỏ hết lên rồi đây nè”. Chú Sáu còn cho biết thêm, khi nào Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh đi dọn dẹp vệ sinh, vớt rác ở ven rạch thì muỗi ít đi, nhưng một thời gian sau, muỗi lại nhiều như cũ.
Ở khu vực cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) tuy có ít muỗi hơn nhưng người dân cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng, nhất là những ngày gần đây muỗi có xu hướng tăng theo cấp số nhân. Nhiều người sống gần chợ Bình Lợi cho biết, vào buổi chiều tối, khi chợ tan, rác được dồn lại nhưng chưa kịp hốt thì muỗi bay quanh đống rác thành bầy, thấy mà sợ. Theo những người dân ở đây thì trước tết, Trung tâm Y tế dự phòng của quận cũng có xuống phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng nhưng chẳng có tác dụng gì nhiều.
Quận 8 là địa bàn có nhiều kênh rạch như rạch Ông, rạch Cùng, rạch Lồng Đèn… Đây cũng là khu vực xuất hiện nhiều muỗi, do môi trường vệ sinh quá kém, nước đọng lâu ngày tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho lăng quăng sinh sống. Nhiều người sinh sống ở hai bên con rạch này vô cùng khổ sở với nạn muỗi.
Anh Đoàn Minh, sống trong khu vực này, mô tả: “Muỗi nhiều như kiến ấy, chỉ cần vơ tay là nắm được muỗi, tối đến lấy vợt điện quơ một cái là muỗi rớt lộp độp. Còn trong nhà, chỗ nào tối tối, ẩm ướt, muỗi cư ngụ thành đàn!”. Chẳng biết có “rớt lộp độp” như lời anh ví von hay không, nhưng nhìn những con rạch đặc quánh một màu đen, cùng với vô vàn thứ rác thải mỗi ngày bị ném xuống đó, thì chuyện muỗi xuất hiện nhiều cũng là điều dễ giải thích.
Tương tự như các quận huyện khác, có mặt tại khu phố 3 phường Thạnh Lộc quận 12, chỉ vừa đề cập đến chuyện muỗi, hầu hết người dân đều lắc đầu ngao ngán. Ông Lâm Văn On (ngụ số 48 tổ 4 khu phố 3A phường Thạnh Lộc quận 12) cho biết, ông sống tại đây từ nhỏ đến lớn, nhưng chưa bao giờ phải chứng kiến muỗi xuất hiện dày đặc như mấy năm gần đây. Tệ hại hơn là trước Tết Mậu Tý 2008, các đơn vị y tế có phun thuốc xịt muỗi, cứ ngỡ hạn chế phần nào, không ngờ khoảng 3 ngày sau, muỗi tràn vào nhà đen ngòm.
Theo ông On, khu vực phường Thạnh Lộc rất nhiều kênh mương đã bị bồi lắp, không thông với kênh An Phú Đông nên nước bị tù đọng là nguyên nhân để cho muỗi sinh sôi. Khi phun thuốc, lại phun không đều khắp (chỉ một máy phun và chỉ xịt ở ngoài hẻm) nên muỗi dễ dàng “di cư” vào nhà dân, sau đó tiếp tục nảy nở ngoài kênh mương.
Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ 88A, tổ 4, phường Thạnh Lộc, quận 12) bức xúc hơn khi nhiều hộ dân đào mương lấy nước tưới hoa, tưới cây nhưng không thường xuyên nạo vét, khiến sau Tết Âm lịch, nước tù đọng vào các mương, hố này, tạo môi trường tốt cho muỗi sinh sản.
Theo bác sĩ Đặng Thế Hệ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, UBND quận đã chỉ đạo phải nhanh chóng dập dịch muỗi, phun thuốc trong khu dân cư và thực hiện tổng vệ sinh các kênh, rạch, nhất là khu vực rạch Măng. Để dập được dịch muỗi, cần có sự tham gia của nhiều cá nhân trong xã hội, mỗi người dân cần phải ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống chung quanh mình.
Trước đó, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng khẳng định, việc phun thuốc diệt muỗi cũng chỉ là giải pháp chữa cháy vì chỉ diệt được… phần ngọn. Muốn dập tắt dịch muỗi phải tiến hành tổng vệ sinh trên diện rộng, khơi thông các dòng kênh bị tù đọng.