ThienNhien.Net – Cuộc tranh luận về thực phẩm biến đổi gen trong những năm 1990 bị đẩy lên đến đỉnh điểm bởi sự phản đối kịch liệt của các tổ chức môi trường cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Vậy khoa học về biến đổi gen ngày nay có thực sự làm lắng dịu những lo lắng của các nhà môi trường hay không? Một lần nữa, cuộc tranh luận không dứt về thực phẩm biến đổi gen có thể sẽ được châm ngòi lại trong vài tháng tới khi Liên minh Châu Âu đưa ra một hy vọng mới cho việc canh tác khoai tây biến đổi gen có tính thương mại.
BASF (công ty hoá chất hàng đầu thế giới) sẽ là công ty bắt đầu trồng thí điểm loại khoai tây biến đổi gen của họ có tên là Amflora vào đầu năm 2008. Marco Contiero – giám đốc chính sách về kĩ thuật biến đổi gen của tổ chức Hòa bình xanh Châu Âu cho biết dù Amflora chủ yếu được trồng vì những mục đích công nghiệp vì nó chứa một loại tinh bột có ích trong ngành công nghiệp giấy, thì nó vẫn có thể được dùng làm thức ăn cho động vật.
Trong khoai tây có chứa một loại gen có tên khoa học là neomycin phosphotransferase II kí hiệu là nptII, loại gen này tăng cường sức đề kháng của khoai tây bằng một loạt chất kháng sinh bao gồm kanamycin và neomycin. Tổ chức y tế thế giới WHO và Cơ quan y tế Châu Âu đều đánh giá các chất kháng sinh đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sức khoẻ của con người. Tuy nhiên, nếu loại gen đó tồn tại trong các vi khuẩn có trong môi trường hay trong ruột của động vật ăn khoai tây thì các dòng vi khuẩn kháng thuốc có thể sẽ xuất hiện với những tác động xấu tiềm ẩn cho sức khoẻ con người và động vật. Luật EU đã quy định các loại gen gây tác động tiêu cực tới sức khoẻ con người và môi trường như vậy phải được loại bỏ hết trước tháng 12/2004.
Kirtana Chandrasekaran, người tham gia chiến dịch thực phẩm sạch phát biểu trên tạp chí Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) rằng Ủy ban an toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã đánh giá khoai tây BASF hoàn toàn an toàn cho canh tác thương mại bất chấp sự hiện diện của nptII. Đây là bằng chứng cho thấy EU đang xúc tiến việc cấp giấy phép thương mại cho BASF bất chấp các bằng chứng khoa học.
Peter Oakly – thành viên Ban giám đốc điều hành của công ty hoá chất BASF – không tán thành các ý kiến này. Ông nói rằng: “Luôn có nghi ngờ đối với công nghệ mới, Amflora sẽ được cấp giấy chứng nhận hàng hoá vì nó được chứng minh là an toàn qua các kiểm tra nghiêm ngặt nhất.” Arno Krotzky – giám đốc điều hành của Metanomics – một công ty con của BASF và là công ty đã và đang trồng loại khoai tây này cũng phát biểu rằng Amflora có thể vượt qua những cuộc kiểm tra khắt khe mà luật EU yêu cầu bởi biến đổi gen thực vật đã trở thành môn khoa học chính xác trong những năm gần đây.
Khoa học biến đổi gen thường được miêu tả như một công cụ thô tạo ra những hậu quả không thể dự đoán, nhưng Krotzky lại cho rằng sau một thập kỷ nghiên cứu các nhà khoa học về biến đổi gen có thể đưa ra những kết quả tuyệt vời hơn điều các nhà chỉ trích có thể nhận thức. “Quay trở lại những năm 1990 mọi người đều là quan tâm đến trật tự sắp xếp của gen, có những dự án tạo bản đồ gen từ gen của vi khuẩn cho đến gen của người, nhưng tập trung rất ít vào việc nghiên cứu các gen đó hoạt động ra sao. Tại công ty BASF chúng tôi đang xem xét chức năng thực tế của gen và hiện tại chúng tôi không chỉ biết rằng có gen ở đó mà còn biết được chúng làm gì.”
Nghiên cứu chức năng của gen trong cây trồng là một quá trình lâu dài bao gồm việc lấy một gen riêng biệt từ một bộ gen của cây và việc nuôi trồng cây đã được biến đổi trong điều kiện nhà kính được kiểm soát qua nhiều thế hệ. Và qua thời gian các nhà nghiên cứu có thể đánh giá được những tác động chính xác của mỗi gen lên sự tăng trưởng của cây và nhận ra các tác dụng đó làm tăng năng suất cây trồng hay mang lại hiệu quả cho nông nghiệp theo các cách khác nhau.
Kỹ thuật mới này mở ra một viễn cảnh cho những cây trồng biến đổi gen hoàn toàn thích hợp trong những điều kiện cụ thể, và do khoa học này là có thể kiểm soát được nên những cây trồng như vậy sẽ chỉ mang các nguy cơ tối thiểu của các tác động không mong muốn.
Đối với khoai tây của công ty BASF, quá trình biến đổi gen bao gồm việc loại bỏ một gen tạo ra loại tinh bột không có lợi. Tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại rằng kể cả các nhà nghiên cứu có kiểm soát được những đặc tính chính xác của cây trồng biến đổi gen thì họ cũng nghiên cứu được quá ít những tác động của các cây trồng biến đổi gen lên môi trường.
Tuy nhiên theo bà Chandrasekaran, cây trồng biến đổi gen rất dễ bị tổn thương hay không thể tác động đến môi trường. Bằng chứng bà đưa ra là cây trồng biến đổi gen có khả năng kháng thuốc trừ sâu đang truyền sức đề kháng của chúng sang cỏ dại qua quá trình thụ phấn. “ Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn của việc lạm dụng thuốc diệt cỏ để diệt trừ các loại cỏ kháng thuốc. Vì vậy chẳng có lí do gì chúng ta tin rằng chúng ta cần biến đổi gen để đối mặt với những thách thức hiện tại.”
Các chương trình gây giống truyền thống đang góp phần tạo ra những cây trồng chịu hạn, thường được đề cao như là một mục tiêu của biến đổi gen. Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản tại trường Đại học Shizuoko đang tiến hành thí nghiệm với giống lúa lai Phi Á để tạo ra giống lúa có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện khô hạn. Quá trình lai giống đó chỉ được thực hiện bằng kĩ thuật gây giống truyền thống; không có bất cứ biến đổi gen nào hay các hình thức công nghệ sinh học khác.