Mùa đông cũng như mùa hè, từ tờ mờ sáng, anh Trần Quốc Cường ở xã Vị Thanh (TP. Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) lại lê những bước chân ngắn cũn của mình trên khắp các đường phố để dọn rác. Tối mịt, anh về nhà, kết thúc một ngày làm việc không lương. Đã hai mươi năm, anh âm thầm nhặt rác, góp phần làm sạch đẹp thành phố. Công việc rất ý nghĩa này chưa bao giờ được “vinh danh”…
Một ngày…
Nhà anh Cường cách trung tâm TP. Vĩnh Yên khoảng 4km và qua một chuyến đò. Nếu muốn qua cầu, anh phải đi bộ thêm chừng 10km. Với một người chỉ cao 0,95m, quãng đường ấy dường như vượt quá khả năng. Bắt đầu một ngày làm việc từ mờ sáng, anh vắt bao tải lên vai, lặc lè bước trên Đại lộ Hùng Vương. Người dân ở đây vẫn quen gọi anh là “người lùn nhặt rác”.
Suốt buổi sáng, dõi theo bước chân anh trên Đại lộ Hùng Vương. Quãng đường 5km chiếm của anh trọn buổi sáng. Nhìn qua, ai cũng tưởng anh chỉ là đứa trẻ 9 – 10 tuổi, chứ không đoán anh đã 30. Lê bước chân trên đường rất khó khăn, hễ thấy rác anh lại nhặt và gom thành đống hoặc cho vào thùng rác. Còn những mảnh giấy, lon bia, ống nhựa, anh để riêng mang về bán, coi như tự trả công cho chính mình.
Cường rảo bước qua ngã tư trung tâm. Nơi đây hàng quán san sát, phố xá tấp nập, vì thế rác thải đầy trên vỉa hè. Bã mía, vỏ dừa, túi nylon… nằm chỏng chơ. Người của công ty vệ sinh môi trường vừa dọn xong, rác lại ùn ra đường. Cường cặm cụi nhặt từng túi nylon bỏ vào thùng, gom bã mía thành một đống. Nhiều người ngồi ăn uống ở vỉa hè, thấy anh còn bỡn cợt, trêu chọc “người lùn” rỗi hơi. Có người vô tâm, thấy anh vừa vun xong đống rác gọn ghẽ, họ tiện tay lẳng thêm vài túi rác ra vỉa hè. Anh lẳng lặng quay lại, nhặt vun vào một đống.
Vòng vào phố Lê Xoay, công việc thầm lặng của anh dường như vất vả hơn rất nhiều. Nơi đây có chợ Trung tâm TP. Vĩnh Yên, rác ngập ngụa khắp nơi. Thấy anh loay hoay nhặt nhạnh từng lon bia, mảnh nhựa, rồi lại vun vén rác thành đống, nhiều người thấy ái ngại.
Bà May, chủ hiệu bánh trên phố Lê Xoay cho biết: “Trước đây, tôi không hay để ý đến việc thu gom rác thải từ hàng quán của mình, nên thường tiện tay vứt đại. Nhưng nhiều lần thấy anh “người lùn” qua nhặt rác, rồi gom lại một đống để nhân viên công ty môi trường tiện dọn dẹp, tôi thấy xấu hổ! Thấy người lùn cặm cụi làm đẹp cho thành phố, chúng tôi cũng ý thức hơn”.
Và hai mươi năm
Cường là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Các anh em trong nhà ai cũng cao lớn, khoẻ mạnh, chỉ mình anh có thân hình bé nhỏ. Mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, nhà lại đông con nên gia đình anh luôn sống trong cảnh nghèo khó. “Có lẽ do nhà nghèo quá, cái ăn không có nên tôi mới bị còi xương. Nuôi mãi chỉ bằng đứa trẻ 10 tuổi”, Cường ngậm ngùi.
Trò chuyện với Cường, thực sự ngạc nhiên bởi những câu trả lời nhát gừng, khó nhọc luôn ẩn chứa tinh thần vì cộng đồng: “Thân hình nhỏ quá, tôi không thể làm được việc gì nặng nhọc. Dường như chẳng có nghề nào thích hợp với tôi. Từ lúc lên 10 tôi đã đi nhặt rác, mỗi ngày phụ giúp gia đình được khoảng 10.000 – 15.000 đồng. Cũng là mưu sinh thôi, nhưng trong lúc đi nhặt rác, thấy rác bừa bộn, nhân viên công ty môi trường phải thu gom vất vả, tiện tay tôi vun lại giúp họ”.
Theo anh về căn nhà ngói bên kia sông. Mái ngói rêu phong xiêu vẹo anh đã nương náu 30 năm nay. Anh cho biết: “Nhà đã cũ lắm rồi, nhưng chưa có tiền để đảo ngói. Giờ cứ mưa là dột tứ tung”. Cả nhà đi vắng, chỉ có đống giấy vụn, lon bia, vỏ nhựa lừng lững ở góc sân. Căn nhà tuềnh toàng đó chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cà tàng.
Suốt 20 năm mưu sinh bên những đống rác vỉa hè, nhiều lần Cường bị người ta đuổi đánh vì nghi “có ý định trộm cắp”. Nhưng đối với anh, đó chỉ là những hiểu lầm nhỏ; còn việc anh làm, mọi người sẽ thấy, hiểu và cùng nâng cao ý thức giữ cho thành phố luôn sạch đẹp. Không ít lần cơ hội đổi đời đã đến, nhưng anh không đành lòng bỏ gia đình và công việc hằng ngày của mình để đi.
Năm 2006, một đoàn xiếc người lùn đến TP. Vĩnh Yên biểu diễn, vô tình gặp anh lang thang nhặt rác trên đường, họ đã theo anh về nhà, xin phép gia đình cho anh theo đoàn. Nhưng Cường quyết định không đi. “Không bỏ được việc đã gắn với mình suốt 20 năm qua, chỉ đơn giản vậy thôi”, Cường cười rất hiền, ánh mắt anh vừa ánh lên niềm vui, vừa ẩn chứa nỗi buồn miên man…