Cảng cá là điểm giao dịch, buôn bán thủy hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ hàng nghìn tàu thuyền trên biển. Đây cũng chính là đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm hải sản cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và rất ít được quan tâm.
Từ 5h sáng, cảng cá Bến Đình (phường 5, TP. Vũng Tàu) đã đông nghẹt người mua kẻ bán. Trên bến, dưới thuyền, người người chen chúc xô đẩy nhau. Cá được chất đống, đổ tràn trên mặt đất bốc mùi tanh nồng pha lẫn từ đủ thứ rác rưởi, nước, hải sản… Người mua kẻ bán dường như đã quá quen nên không ai để ý. Trên bến cá, một vài quán ăn lụp xụp phục vụ bữa sáng ngay tại chỗ và bán đủ thứ: bún, bánh, xôi…
Theo tiêu chuẩn của ngành thủy sản, cảng cá là một công trình xây dựng chuyên dùng, được trang bị phương tiện cơ giới để tiếp nhận, bốc dỡ bảo quản, xử lý nguyên liệu thủy sản cho các tàu thuyền đánh bắt. Còn ở đây, cảng cá ngẫu nhiên trở thành một cái chợ nhỏ mua bán đủ thứ chứ không chỉ có thủy hải sản. Người ta ăn uống một cách vô tư ngay bên cạnh những dòng nước tù đọng mà không ai quan tâm xem có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
Không riêng gì cảng Bến Đình, cảng Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và các cảng cá khác trên địa bàn tỉnh cũng vậy. Các vùng nước gần hai bờ sông rác thải được vứt bừa bãi nổi lềnh phềnh trên màu nước đen ngòm.
Những hôm thủy triều lên, nước cùng rác tràn lên cả hai bên bờ. Một trong những nguyên nhân làm mất vệ sinh tại các cảng cá, là do ý thức của con người. Hàng ngày ngư dân trên tàu đều “thuận tay” vứt rác sinh hoạt xuống vùng nước nơi tàu neo đậu. Hai bên bờ những chủ vựa cũng chưa có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Nước thải sinh hoạt hàng ngày cũng được xả xuống chung với nguồn nước sông.
Khi hỏi vì sao lại lại vứt rác xuống lòng sông, một số người trả lời tỉnh bơ: “Bữa nay, tàu thuyền về bến nhiều nên rác mới không theo dòng nước chảy ra xa được, mai mốt khi tàu ra khơi thì sạch trơn chứ lo gì!”. “Khuất mắt, khôn coi”, họ đâu hiểu rằng rác xuống sông rồi lại trôi ra biển, chẳng khác nào dọn sạch chỗ nọ thì làm bẩn chỗ kia.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, nhân viên điều hành tổ bốc xếp tại cảng Bến Đình cho biết: “Ở đây không có nhân viên thu dọn rác, những lúc thấy rác tồn đọng nhiều, anh em trong tổ chúng tôi tranh thủ cho thu dọn, quét sạch sẽ, nhưng cũng chỉ được vài tiếng rồi lại bẩn. Vào những lúc cao điểm, cảng chứa tới hàng ngàn tàu thuyền neo đậu, số lượng thuyền viên trên tàu cùng với dân khắp nơi đổ về mua bán, người đông lượng rác thải nhiều làm cảng đã bẩn, lại càng bẩn hơn”.