Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và chung quanh các khu bảo tồn biển (LMPA – Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai toàn diện và tổng thể các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo và cộng đồng dân cư các khu bảo tồn.
Trong năm 2007, LMPA phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức được nhiều khóa đào tạo cấp quốc gia tại Phú Quốc, Ninh Thuận, Ðà Nẵng… cung cấp kiến thức cơ bản nhất về khu bảo tồn cho hầu hết cán bộ quản lý cao cấp ở tỉnh liên quan đến nhiệm vụ này. Các học viên đã được chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Cơ quan Khí tượng và Ðại dương Hoa Kỳ (NOAA) giảng dạy kiến thức và cung cấp kinh nghiệm về quản lý khu bảo tồn, du lịch bền vững, lập kế hoạch quản lý khu bảo tồn, quản lý dựa vào cộng đồng và đánh bắt, khai thác thủy hải sản bền vững…
Nhiều học viên có đủ năng lực được đào tạo phát triển thành đội ngũ trợ giảng và giảng viên, đã trở thành nòng cốt cho công tác đào tạo các khu bảo tồn biển ở nước ta trong thời gian tới. LMPA còn tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn biển tại cộng đồng, mở lớp đào tạo tiếng Anh, sử dụng máy vi tính và đào tạo thuyền trưởng cho khu bảo tồn Cù lao Chàm.
Các cuộc hội thảo về kế hoạch quản lý khu bảo tồn, hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng đã được triển khai tại khu bảo tồn Cù lao Chàm và Phú Quốc đã giúp đơn vị trong khu bảo tồn tiếp cận các chuyên gia quốc tế trong việc lập kế hoạch bảo tồn; giúp cộng đồng dân cư khu vực ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ đa dạng sinh học tại địa bàn sinh sống.
Nhằm đánh giá đúng thực tế công tác đào tạo nâng cao năng lực, tháng 11/2007, LMPA đã cập nhật đánh giá những nhu cầu đào tạo tại tất cả các điểm bảo tồn biển; đưa ra những kiến nghị cho hoạt động đào tạo giai đoạn 2008 – 2010 cho dự án. Theo đó việc đánh giá nhu cầu đào tạo chưa tập trung cho đội ngũ nhân viên khu bảo tồn. Mặc dù nội dung ưu tiên số một là vấn đề sinh kế cho những người dân bị ảnh hưởng nhất do phân vùng khu bảo tồn, nhưng việc đào tạo, nâng cao nhận thức tại địa phương có xu hướng tập trung về kỹ năng, kỹ thuật hơn là về sinh kế.
Trước mắt, năm 2008, cùng với việc tăng cường năng lực cho bộ phận đào tạo RIMF (Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng); tích hợp các hoạt động đào tạo tại địa phương vào kế hoạch hoạt động của RIMF; tạo sự phối hợp giữa hợp phần LMPA với bộ phận đào tạo để công tác này đạt hiệu quả cao hơn.
Ðặc biệt là thực hiện đánh giá nhu cầu đào tạo liên quan sinh kế để thu thập, tổng hợp nhu cầu, thiết kế một chương trình đào tạo phù hợp vì hiện nay nhu cầu chuyển đổi sinh kế không tập trung và chưa thống nhất giữa các khu bảo tồn biển. Ðồng thời cập nhật định kỳ đánh giá nhu cầu đào tạo nhân viên bảo tồn biển, có chương trình đào tạo kịp thời khắc phục được tình trạng nhân viên bảo tồn đang thay đổi khá nhanh do việc hình thành các khu bảo tồn mới.