Các chuyên gia về môi trường dự báo, con người sẽ tiếp tục phải hứng chịu những đợt thiên tai hay thời tiết khắc nghiệt, đòi hỏi có những biện pháp ứng phó thích hợp để hạn chế những tác động xấu của thiên nhiên.
Các tỉnh, thành phố phía Bắc của nước ta đang chịu đợt rét đậm, rét hại kéo dài và nhiệt độ thấp nhất trong 20 năm qua, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những địa phương ở vùng cao như: Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái chịu rét đậm kéo dài cộng với băng giá đã làm cho gia súc chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đây chỉ là một trong nhiều dạng biểu hiện của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Vũ Văn Triệu, Trưởng Đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam, đã có cuộc trao đổi ngắn về vấn đề này.
Thưa ông, ông có bình luận gì trước hiện tượng thời tiết diễn biến thất thường và các thiên tai xảy ra liên tục trong thời gian qua?
Ông Vũ Văn Triệu: Những thảm họa thiên tai xảy ra đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng nhiều lên. Điều này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân. Một là do chu kỳ của khí hậu thiên nhiên. Thứ hai là do tác động của con người. Do con người sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch hơn, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ngày càng nhiều hơn và sản sinh ra khí hiệu ứng nhà kính nhiều hơn làm cho trái đất nóng lên. Chính điều này kéo theo thời tiết, khí hậu bất thường và việc xảy ra các trận bão sẽ ngày càng nhiều hơn và tần suất sẽ lớn hơn. Tương tự như vậy sẽ có vùng khô hạn, có vùng mưa dồn dập, xảy ra lũ quét hoặc lụt. Điều này có thể nói một phần là do yếu tố con người. Do đó chúng ta phải có những hành động góp phần giảm nhẹ thiên tai.
Thưa ông, trước thực tế như vậy, Việt Nam còn thiếu những biện pháp gì để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là tới sản xuất nông nghiệp?
Ông Vũ Văn Triệu: Biến đổi khí hậu là một việc lớn của toàn cầu và Việt Nam đã có Ủy ban Quốc gia về phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy các cơ quan chức năng đã nhận thức được, đã xây dựng kế hoạch quốc gia về giảm nhẹ thiệt hại khi biến đổi khí hậu gây ra. Ví dụ, khi biến đổi khí hậu sẽ kèm theo nước biển dâng lên, kéo theo nền nông nghiệp, thủy sản sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy chúng ta cần có kế hoạch dài hạn hơn, nghiên cứu những giống cây, con nào có thích hợp với điều kiện nhiệt độ tăng lên, chịu mặn tốt hơn so với các giống xưa nay chỉ quen sống trong nước ngọt.
Thưa ông, miền Trung nước ta là vùng chịu thiên tai nhiều nhất, vậy theo ông chúng ta cần có những biện pháp cả ngắn hạn, trung và dài hạn như thế nào để giúp người dân phòng ngừa và hạn chế được tác hại của thiên tai?
Ông Vũ Văn Triệu: Khu vực miền Trung của chúng ta là dải đất rất hẹp, một bên là núi cao, một bên là biển. Do vậy việc trồng rừng ở khu vực này là rất quan trọng để giữ được nước lâu hơn và lũ lụt sẽ giảm nhẹ thiệt hại hơn đối với người dân. Bên cạnh đó là các cấp chính quyền có kế hoạch phòng tránh tốt, quan trọng hơn là từng địa phương có kế hoạch tự chủ về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh thì sẽ giảm nhẹ thiệt hại cho người dân.
Thưa ông, việc biển đổi khí hậu rõ ràng là do một phần lớn là con người gây nên. Vậy chúng ta cần phải làm gì để hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ thiên nhiên?
Ông Vũ Văn Triệu: Liên Hợp quốc cũng đã kêu gọi các nước cần phải phát triển mô hình sản xuất sạch, trồng rừng nhiều hơn, tiêu thụ năng lượng ít hơn. Làm sao đó để con người sống hài hòa hơn với thiên nhiên. Bởi các nhà khoa học đã từng có câu: nếu chúng ta dùng súng lục bắn vào thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ đáp trả lại ta bằng đại bác. Có nghĩa là những việc chúng ta gây ra đối với thiên nhiên thì nhiều khi hậu quả chúng ta không lường trước hết được.
Xin cảm ơn ông.