Tại xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, lần đầu tiên các sản phẩm rau an toàn đã được trồng hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.
Hiệu quả
Mặc dù mô hình trồng rau an toàn được áp dụng trồng thử nghiệm tại xã Phú Lâm từ gần 2 năm nay nhưng giờ đây nó mới thực sự được người tiêu dùng biết đến. Bởi trước đây người dân vẫn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, thường theo kinh nghiệm truyền nhau, do đó tập quán canh tác rất khó thay đổi. Chính vì thế việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi thói quen sản xuất từ việc canh tác tự do, mạnh ai lấy làm, không theo một công thức nhất định. Mà việc trồng rau an toàn đòi hỏi người trồng phải am hiểu tường tận về vấn đề sản xuất an toàn, đặc biệt là việc chăm sóc cây rau cũng cần khoa học hơn, không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, bón phân phải đúng cách không gây hại đến sức khỏe và môi trường…
Đến nay đã có hơn 150 hộ trồng rau an toàn với gần 30 ha tại xã Phú Lâm, cho thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/sào/tháng. Đây là kết quả cao đối với người nông dân trồng rau ở xã. Gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở ấp Thanh Thọ 1, xã Phú Lâm với thâm niên trên 30 năm trồng rau. Mùa nào rau đấy, đáp ứng không nhỏ cho thị trường rau trong và ngoài huyện.
Nhưng với lối canh tác thủ công lạc hậu, đặc biệt là việc dùng các loại thuốc hóa học không đúng quy định trong gieo trồng đã làm gia đình ông thậm chí còn không dám ăn rau do chính mình trồng ra. Ông cho biết, sâu bệnh bao giờ cũng nhiều, nếu không dùng thuốc trừ sâu hóa học thì không diệt được. Biết dùng là độc hại mà vẫn phải dùng bởi không thế lấy gì ra sản phẩm để bán.
Do vậy, khi được Trạm khuyến nông huyện đầu tư hệ thống nhà lồng lưới để thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn thì ông là người đầu tiên mạnh dạn thực hiện chuyển đổi theo hướng canh tác mới. Trong đợt trồng khổ qua đầu tiên, qua kiểm nghiệm chất lượng của công ty Vinarau ở Long Khánh và Công ty thuốc bảo vệ thực vật IBM cho thấy rau rất đảm bảo về chất lượng và cho năng suất cũng tương đối cao. Sau vài tháng chăm sóc, đến khi thu họach mỗi ngày cũng bán được trên 350 kg, với giá từ 3.500- 3700 đồng/kg, trừ chi phí ông cũng có lời trên 10 triệu đồng. Do vậy gần hai năm nay ông đã lấp trên 1,2 sào ao và ruộng để trồng rau an toàn. Với mô hình này, mỗi lứa rau cải ngọt, diếp, xà lách, cải cúc sau trồng 20- 30 ngày gia đình ông cũng có lời khoảng 3 triệu đồng/sào.
Tương tự gia đình ông Mỹ là gia đình ông Phạm Văn Hùng. Ông Hùng gắn với nghề trồng rau hơn 20 năm nay, dùng đủ thứ thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh và kích thích tăng trưởng cho cây nên không thể chăn nuôi heo gà gì được. Hễ nuôi chỉ được vài tháng là heo gà tự nhiên lăn ra bệnh và chết, nguồn nước tưới xuống ao cũng bị ô nhiễm, cá không sống được. Nhưng vì mưu sinh nên ông vẫn phải bám với nghề trồng rau và vẫn…dùng thuốc hóa học đều đều. Đến nay khi thực hiện mô hình trồng rau an toàn, ông thấy nhẹ nhõm hẳn và đã không ngần ngại đầu tư toàn bộ 1,3 sào đất sang trồng rau an toàn.
Ông tâm sự: Trồng rau an toàn trước sau cũng phải làm nếu không muốn tổn thọ. Môi trường xung quanh trong sạch hơn, ngay người bán rau ra thị trường cũng thanh thản hơn và chắc chắn người tiêu dùng chấp nhận nhanh hơn. Vào vụ mỗi ngày gia đình ông cung cấp cho thương lái trên 3 tạ rau an toàn, thu lời trên 40 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả về kinh tế và chất lượng, xã Phú Lâm đã thành lập câu lạc bộ IBM rau an toàn tại ấp Thanh Thọ 1 và Thanh Thọ 3 với gần 200 thành viên. Câu lạc bộ này chuyên tập trung trồng các loại cải xanh, cải ngọt, diếp, khổ qua, dưa leo, rau thơm, hành, hẹ, su hào, xà lách và các loại rau màu khác để cung cấp trên 20 tấn rau mỗi ngày cho các thương lái từ Bình Thuận, TPHCM và các tỉnh lân cận đặt mua.
Thách thức
Để thực hiện trồng rau an toàn trước hết các nhà vườn phải sử dụng kỹ thuật canh tác (khá nghiêm ngặt) theo đúng các tiêu chí quy định. Như phải dùng phân hữu cơ hoai mục, hạn chế tối đa dùng thuốc hóa học…
Việc đầu tư mỗi sào nhà lưới gồm cột bê tông, dây kẽm và hệ thống tưới nước tự động cũng mất khoảng 5 triệu đồng. Nhưng điều khó khăn nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm rau an toàn chưa được đánh giá đúng mức. Trước hết là do sự hạn chế về nhận biết của người tiêu dùng giữa rau an toàn và rau trồng tự do. Rau trồng với mô hình an toàn thường có mẫu mã xấu hơn, không óng mướt như rau trồng tự do, bởi không dùng thuốc kích thích.
Do vậy rau an toàn vẫn còn bị đánh đồng với các loại rau trồng tự do, giá bán như nhau trong khi trồng rau an toàn chi phí cao hơn, năng suất có thể chỉ bằng 2/3 rau trồng tự do. Như một luống rau cải có chiều diện tích 25m x 1m trồng thông thường cho thu 120kg sản phẩm, nhưng trồng theo phương pháp an toàn chỉ được từ 60 đến 80kg.
Chính vì vậy rất cần một giải pháp tích cực đồng bộ từ các cơ quan quản lý để người tiêu dùng yên tâm có sản phẩm an toàn sử dụng. Điều này cũng giúp các nhà vườn yên tâm phát triển rau an toàn.