Người tìm ngọc trong rác (Kỳ 1)

Nếu ví công nghệ, thị trường thế giới như biển lớn mà con thuyền Việt Nam đang hướng đến thì việc doanh nhân việt kiều Mỹ David Dương Trung xây dựng Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước với quy trình công nghệ hiện đại nhất Việt Nam là một đóng góp lớn, rút ngắn con đường tiến ra biển lớn…

Gần đây, một người Mỹ gốc Việt đã dám “liều” đầu tư 90 triệu USD thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp xử lý rác hiện đại nhất Việt Nam. Anh tên là David Dương Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty California Waste Solution. Cùng với 17 kiều bào khác, anh vừa được UBND TP.HCM tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Người ngoài không hiểu chuyện, ai cũng bảo anh “khùng”, có trong tay gia tài hàng triệu USD, sao không ở nước ngoài mà hưởng nhàn, lại về Việt Nam “ngụp lặn” trong rác, rước cái cực vào thân? Nhưng những người biết rõ gốc gác và con đường vươn lên làm giàu của anh trên đất Mỹ thì lại nói rằng anh rất “tỉnh”.

Con đường trở thành triệu phú đô la từ việc lượm rác ở xứ người rồi lại trở về xây dựng nhà máy xử lý rác tại quê nhà của anh mở ra thật nhiều hy vọng cho những ai đang nuôi khát vọng vươn lên làm giàu và hòa nhập cùng thế giới.

 
Bãi chôn lấp rác Đa Phước, TP.HCM. (Ảnh Nguyễn Thủy).

Ông “vua giấy vụn” một thời

David Trung sinh ở Sài Gòn năm 1958 trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Cha anh là nhà tư bản Dương Tài Thu, chủ công ty Giai Thành, người từng được mệnh danh là “ông vua giấy vụn” của miền Nam trước giải phóng.

Ngày ấy, cha anh đã xây dựng được cả một hệ thống thu gom rác, phế liệu… ở khắp Sài Gòn lục tỉnh với hàng loạt vựa lớn và đoàn xe tải 40 chiếc để vận chuyển phế liệu tái chế được. Ông còn là một trong những cổ đông lớn của nhà máy giấy lớn nhất miền Nam thời đó (nhà máy giấy Cogido) và cũng là nhà cung cấp toàn bộ nguyên liệu giấy phế liệu cho nhà máy này.

Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, ông Dương Tài Thu cho ngưng hết các hoạt động kinh doanh vì tình hình khi ấy nhộn nhạo, công nhân phân tán. Rồi ông bị đánh tư sản, nhà cửa bị trưng dụng. Ông đem 40 chiếc xe tải tặng lại cho tài xế của mình làm kế sinh nhai, rồi dẫn cả gia đình về miền Tây tìm đường di cư như sự lựa chọn của rất nhiều gia đình trong hoàn cảnh tương tự.

Sau mấy tháng tìm kiếm, gia đình mới mua được một chiếc tàu, nhưng khi cả nhà ra tới cửa biển thì người tài công ôm tiền trốn mất, tàu lại bị rớt mất chân vịt. Thế là cả nhà 23 người lênh đênh vô định trên biển cho đến khi lương thực và nước uống cạn kiệt mới được tàu nước ngoài vớt đưa vào trại tập trung ở Philippines.

Sau 18 tháng trời sống cùng người bệnh tâm thần, ăn cơm hẩm, cá mục, gia đình David mới được chuyển sang trại tỵ nạn dành cho người Việt Nam. Đó cũng là lúc cả nhà được phía Hoa Kỳ chấp thuận cho định cư.

David còn nhớ rất rõ, họ đi chuyến bay vào cuối tháng 12 năm 1978, địa điểm mà họ được phép sinh sống nằm ở phía Đông nước Mỹ. Khi đó, nghe nói rất lạnh và đang có băng tuyết. Cha của David suy nghĩ rất lâu và khi đến sân bay trung chuyển ở San Fransisco, ông quyết định dẫn cả gia đình trốn khỏi sân bay, tự tìm nơi ấm hơn và có đông người Á châu hơn mà sống.

Hỏi thăm lần lần, di chuyển bằng xe bus, cuối cùng, họ cũng tìm đến được khu phố Tàu của San Francisco. Ở đó, cha anh gặp những người đồng hương và được họ giúp đỡ tìm chỗ ở và việc làm cho 4 người lớn trong nhà, trong đó có David.
Từ tay trắng, cả gia đình bắt đầu gầy dựng sự nghiệp tại xứ người.

Mưu sinh bằng nghề “lượm rác” ở xứ người

Sau khi đã có chỗ ở và việc làm ổn định, mỗi tối ba của David lại dẫn con cái đi dạo khu down town, nhìn lên toàn nhà lầu, nhìn xuống thì rác chất dọc 2 bên đường. Nhìn kỹ thì thấy toàn là giấy, mà giấy khô ráo, sạch sẽ, có thể tái chế được, bỏ đi thật uổng phí.

Nảy ra ý định nhặt giấy tái chế để tăng thu nhập nhưng lại chẳng biết ai là người thu mua, ông mới nghĩ ra một cách: sáng sáng, phân công mọi người trong nhà, mỗi người lên 1 xe bus, ngồi ngay cửa sổ tay mặt, đi dọc theo tour, nhìn xem có chỗ nào thu rác, ghi nhớ số chuyến xe và địa điểm.

Ngày thứ nhất cả nhà không thấy gì, ngày thứ 2, trên chuyến xe bus số 16 ra ngoại thành, bà mẹ nhìn thấy một dãy nhà kho rất lớn, trong đó có chứa carton, giấy vụn… Thế là ngày thứ ba, cả gia đình lên xe bus số 16 đi tới đó, hỏi thăm mới biết đó chính là nơi thu gom giấy tái chế.

Về nhà, ông Thu tập trung tất cả vốn liếng của cả nhà, được 700 USD, mượn của bạn bè được 900 USD nữa, đủ mua 1 xe tải cũ. Rồi ông phân công, tất cả mọi người, ngoài giờ đi học hoặc đi làm thì tranh thủ đi lượm rác (giấy loại). Ai học sáng thì chiều đi lượm, ai học chiều thì sáng đi lượm, ai làm ca đêm thì ban ngày chở giấy đi bán.

Từ đó, đêm đêm, ông chú, người giỏi tiếng Anh nhất nhà, làm tài xế chở mọi người đi lượm rác. Cứ thả 2 người 1 chỗ, lượm, lựa, sau đó quay lại đón. Một đêm đi gần 20 điểm. Phải lựa rất kỹ, giấy phải sạch, không còn kẹp giấy, kim bấm… Được cái, các điểm khá gần nhau. Mỗi đêm đi lượm khoảng 3-4 tiếng, đầy xe thì về. Mỗi ngày lượm rác như thế, cả nhà kiếm được khoảng từ 30-40 USD. Đó là một khoản tiền không nhỏ nếu so sánh với tiền công đi làm của David (chỉ được 2,75 USD/giờ lao động phổ thông).

Toàn bộ số tiền kiếm được dùng để trả nợ và tích lũy. Cả nhà đều phải thắt lưng buộc bụng dành dụm vốn liếng để có thể mua thêm một chiếc xe tải nữa. Cũng phải đến 1 năm sau mới có thể mua được chiếc xe thứ 2 mà không mắc nợ. Đến năm thứ 3 thì mua được được 8 chiếc xe tải, tài xế vẫn là người nhà.

Khi đó, số rác lượm được ngày càng nhiều hơn, không thể đem bán hết trong ngày được nên gia đình quyết định thuê kho chứa, một tuần mới đi bán 1 lần. Đó cũng là lúc gia đình quyết định tuyển thêm 1 số bạn bè mới sang, hướng dẫn họ đi lượm rác, trở thành một “hệ thống” người VN đi lượm rác ở San Francisco.