Liên tiếp trong 4 ngày tết (từ mùng 1 đến mùng 4), Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ (Gia Lai) đã phát hiện 3 vụ khai thác gỗ lậu với khối lượng lớn. Lâm tặc dùng nhiều mánh mới tinh vi hơn để đưa gỗ về xuôi . Một cái tết không yên lành với những chiến sĩ giữ rừng nơi đây…
Ăn Tết giữa rừng “đón” lâm tặc
“Tất cả số gỗ này đều được lâm tặc khai thác từ những ngày cận tết. Đây là dịp nghỉ, lợi dụng sự kiểm tra, kiểm soát các đơn vị chức năng giảm bớt nên chúng tranh thủ “chạy hàng” trong ngày xuân. Vì vậy, tết này tất cả chúng tôi đều phải đón tết ở rừng…” anh Đỗ Văn Lợi – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Đức Cơ cho biết.
Ngay ngày mùng một tết, BQL rừng đã bắt được gần 10m3 gỗ tại bìa rừng khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh. Tối đến vì sợ lâm tặc tổ chức cướp gỗ, cán bộ lâm trường phải mắc võng ngủ tại hiện trường để bảo vệ gỗ, sau đó chờ xe đến chở về vì nếu không, chỉ nán lại 1 tiếng đồng hồ thì toàn bộ số gỗ trên sẽ được chúng gom ngay.
“Khi nghe tiếng máy nổ, chúng tôi có 3 người vào hiện trường. Đến nơi vì đêm tối, tôi thấy có 2 tên đang cưa gỗ nên đến bắt, chúng hô hào, huy động đồng bọn ở xung quanh đến. Ai cũng dao, cũng rựa và hăng máu lao tới giải cứu cho đồng bọn. Trong thế bí, mọi người hô anh em hỗ trợ rồi dùng gậy, chân tạo âm thanh, tưởng có đông người đến bọn chúng đã bỏ chạy” anh Bùi Văn Tính – Phó Ban quản lý rừng kể lại “cuộc chiến” giữa kiểm lâm và lâm tặc.
Để đánh lừa đội kiểm lâm, đám lâm tặc còn tung tin giả về địa điểm khai thác gỗ lậu trong ngày mùng 2 để tranh thủ tẩu tán số gỗ lậu đã khai thác từ trước ra khỏi rừng.
Đến các tối ngày mùng 2, 4 tết, BQL rừng lại bắt thêm được 2 vụ với hơn 13m3 gỗ cùng 7 xe bò và mọi người lại phải ngủ rừng canh gỗ thêm 2 đêm.
“Khi bắt thì ô tô không vào được, phải dùng xe bò kéo ra, nếu vào sẽ tạo ra những đường rừng mới, rất nguy hiểm” – anh Tính cho biết.
Cũng theo anh thì các vụ trên chỉ bắt được gỗ, còn đối tượng khai thác thì không vì lâm tặc đều dùng điện thoại di động để liên lạc nhau. Chúng thường xuyên cắt cử vài đối tượng để theo dõi hoạt động của các đơn vị chức năng để báo cáo cho đồng bọn vì vậy khi phát hiện thì chỉ còn tang vật, còn đâu chúng bỏ trốn hết.
Cuộc chiến gian nan
BQL rừng phòng hộ Đức Cơ được giao quản lý vào bảo vệ hơn 18.000ha rừng ở trên địa bàn 3 xã Ia Dom, Ia Nan và Ia Pnôn. Toàn bộ Ban chỉ có 19 người, kể cả hợp đồng, lái xe, tạp vụ…. trong khi những năm qua việc phá rừng nơi đây ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi.
Bọn lâm tặc thường lợi dụng lúc chiều xuống, khi anh em bảo vệ rừng đi ăn cơm, để tranh thủ hạ cây bằng cưa máy. Đêm xuống chúng đội đèn rọc bìa (vỏ cây), sau đó giấu ở những nơi rậm rạp, xe ô tô không vào được rồi dùng xe bò vận chuyển ra đường. Từ đây sẽ có ô tô chờ để vận chuyển về Pleiku…. Vì vậy năm nay, BQL rừng phải dùng động tác giả đánh lạc hướng lâm tặc mới bắt được gỗ.
Anh Lợi cho biết: Bình thường ngày Tết sẽ bố trí cho anh em được nghỉ nhưng năm nay đa số cán bộ, nhân viên BQL đều ở lại đón tết tại rừng, kể cả lãnh đạo. Việc ăn uống, sinh hoạt, đi lại cũng “có bài” mới đánh lạc hướng lâm tặc, nhờ vậy mà những ngày đầu năm mọi người đã phát hiện được 3 vụ khai thác gỗ lậu trên.
Mặc dù vậy, những năm qua việc quản lý bảo vệ rừng nơi đây cũng gặp không ít khó khăn và nguy hiểm. Việc bị hăm doạ qua điện thoại, tới nhà “thăm hỏi” kể cả phá hoại tài sản cơ quan hay đánh người nơi đây đều có cả.
Gần đây nhất là trước Tết nguyên đán, anh Đặng Văn Khánh, cán bộ lâm trường đã bị 4 tên vây đánh khi đi bắt gỗ, rất may là anh được đồng đội giải cứu kịp thời nên chỉ bị thương nhẹ.
Trước đó, năm 2003, anh Lê Văn Vân – Phó Ban bị lâm tặc dùng gậy phục đánh vỡ quai hàm trong đêm tối ngay trong rừng, khi anh trên đường về sau một vụ bắt gỗ lậu… Trưởng ban thì chúng đến tận nhà vờ đánh bida, lợi dụng rượu bia quậy phá.
“Việc bị hăm doạ hay phục đánh thì chúng tôi cũng đã gặp nhiều. Khi đi bắt gỗ, nếu mình không khéo xử lý tình huống thì chúng sẽ tấn công ngay. Nhiều khi mình đã thu gỗ, chúng huy động lực lượng đến tấn công anh em ngay tại trạm nhằm cướp gỗ, nếu không được thì tối đến chúng lấy đá, gậy gộc đập phá trạm…” – anh Lợi cho biết.
Đáng nói hơn là khi phát hiện xe gỗ ở dọc các tuyến quốc lộ, người của BQL bảo vệ rừng cũng đành bó tay vì không có chức năng chặn xe bắt giữ ở nơi này nên phải gọi điện thoại phối hợp với các đơn vị bắt. Chính vì lý do này mà lâm tặc có cơ hội tẩu tán gỗ lậu.
Theo tìm hiểu thì trên dọc tuyến Đức Cơ về Pleiku có hàng chục xe ô tô chuyên chở gỗ lậu. Đây là những xe 12 chỗ, xe lậu, xe quá niên hạn sử dụng, có giá trị chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Vì vậy, chỉ cần đánh hàng trót lọt 3 chuyến là chúng đã lấy lại vốn. Khi bị phát hiện, chúng bỏ luôn cả xe.