Đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong lịch sử tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ khiến hơn 53.315 ha lúa, 5.165 ha mạ và 8.328 con trâu bò bị chết vì rét gây thiệt hại có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp bất thường do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì nhằm bạc bạc để đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn do đợt rét đậm, rét hại gây ra vào ngày 13/02.
Trâu bò đua nhau chết vì rét
Tính tới ngày 13/02, số trâu bò bị chết rét tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ là 8.238 con. Các tỉnh có số trâu bò chết nhiều nhất là Hà Giang (2.000 con), Lạng Sơn (1.000 con), Sơn la (1.458 con), Bắc Kạn (800 con), Thanh Hóa (758 con)….
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho biết, hầu hết số trâu, bò chết là bò già và bê, nghé do rét và thiếu thức ăn.
Vẫn theo ông Giao, rất nhiều trâu, bò chết do người dân chủ quan không che chắn kỹ chuồng trại mà để thả rông hoặc do không dự trữ đủ thức ăn thô xanh.
Tại cuộc họp, Cục Chăn nuôi đề xuất việc nghiên cứu phương án hỗ trợ thiệt hại cho những hộ nghèo để bà con có vốn chăn nuôi lại đàn gia súc, đảm bảo đời sống ổn định.
Rét đậm “hại” lúa mạ
Theo thống kê, đến nay đã có 53.315 ha lúa, 5.165 ha mạ đã bị chết do đợt rét đậm rét hại kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong thời gian qua. Ngoài ra, nhiều diện tích lạc, đậu tương, canh tác tại các khu vực chuyển đổi do thiếu nước tưới, vừa gieo xong gặp rét cũng bị thối hạt hoặc thui mầm.
Thống kê cho thấy, các tỉnh có diện tích diện tích lúa bị chết nhiều là Thanh Hóa (10.370 ha), Nghệ An (10.460 ha), Phú Thọ (7.000 ha lúa và 400 ha mạ), Bắc Giang (1.500 ha lúa). Khu vực ĐBSH chủ yếu bị thiệt hại ở trà lúa xuân sớm và mạ xuân muộn như: Hải Dương (7.000 ha), Hải Phòng (7.000 ha), Thái Bình (10.000 ha), Hà tây (5.000 ha)…
Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết, những diện tích lúa cấy và mạ gieo trước tết Nguyên Đán khoảng 10 ngày gặp đúng đợt rét đậm, rét hại nên bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt đối với các giống lúa thuần, kém chịu rét các chân ruọng không đủ nước, các diện tích mạ không được che phủ nilon đúng kỹ thuật. Dự kiến, để cấy lại số diện tích lúa, mạ bị chết cần khoảng 250 tấn giống lúa các loại.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, giái pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để người dân giữ ấm cho trâu bò cũng như tìm nguồn bổ sung thức ăn thô xanh tại chỗ. Bộ NN&PTNT sẽ cử ngay bốn đoàn công tác đến các tỉnh miền núi phía Bắc để kiểm tra, đôn đốc các hoạt động này.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc các địa phương cần đảm bảo lo đủ mạ để người dân có thể cấy lúa đúng thời vụ. Trong những ngày tới, ngành nông nghiệp các địa phương cần đôn đốc việc kiểm tra đồng ruộng, thống kê diện tích mạ, lúa bị thiệt hại để phân loại, có biện pháp xử lý phù hợp.
Các diện tích lúa bị chết trên 50% số khóm phải bổ sung ngay bằng giống lúa ngắn ngày, những diện tích chết dưới 50% cần tiếp tục giữ lớp nước nông ảm bảo cây lúa phát triển tốt để tiến hành dồn, dặm đảm bảo mật độ…
Ngoài ra, các địa phương cũng cần phải đảm bảo đầy đủ nguồn giống, mạ để đảm bảo triển khai cấy rộ, cấy đồng loạt ngay sau khi thời tiết ấm lên nhằm kết thúc cơ bản việc gieo cấy tại miền Bắc, Băc Trung Bộ trước ngày 05/03.