Người đàn bà “săn” cát

Còn nhớ, khi lãnh đạo các nước và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị APEC 2006 diễn ra tại Hà Nội, rất nhiều món quà có giá trị tinh thần thể hiện tinh thần hiếu khách và tôn vinh văn hoá dân tộc được trao đến từng người. Trong số những món quà độc đáo mà đất nước và nhân dân Việt Nam gửi tặng các vị khách quý, có 19 bức tranh chân dung làm bằng cát tự nhiên rất tinh tế. Đó là những "đứa con tinh thần" của một nữ nghệ nhân- doanh nhân: Trần Hoàng Lan – Giám đốc Công ty Tranh cát Ý Lan.

Từ nghệ nhân đến doanh nhân

Lần theo địa chỉ trên tấm card, tìm vào nhà chị gần cuối đường Bình Quới – TP Hồ Chí Minh. Vừa đặt chân vào cổng, đã bị choáng trước vẻ hoàng tráng, đồ sộ của biệt thự Hải Lan. Biệt thự vừa là nơi ở của gia đình, vừa là văn phòng, xưởng làm việc của những nghệ nhân trong Công ty Tranh cát Ý Lan. Nếu không có người giới thiệu, khó mà nhận ra người phụ nữ đang tỉ mẩn nhỏ từng hạt cát vào ly, nắn nón từng “nét vẽ” cho bức tranh cát của mình là nữ giám đốc Hoàng Lan. Tận mắt chứng kiến chị và những nghệ nhân khác kiên trì “vẽ” tranh bằng từng hạt cát, chỉ có thể nói hai từ “khâm phục”.

Với những khung tranh bằng thuỷ tinh (Ý Lan đặt hàng sản xuất khuôn tranh theo ý thích của khách hàng), đủ các hình dạng, có mẫu bức tranh phía ngoài (nghệ nhân phải tự chép các mẫu tranh có sẵn lên khung tranh cát), các chị dùng những chiếc ống hút (loại thường kẹp ngoài hộp sữa) xúc vài hạt cát với những màu sắc khác nhau, cẩn thận đổ vào từng chi tiết. Cái khó là có những chi tiết chỉ là một sợi tóc bay trong gió, không chỉ phải chính xác mà còn khiến người xem thấy đúng là sợi tóc đang bay. Đó là cái hồn của từng “nét vẽ” tranh cát. Từ những hạt cát tơi, không sử dụng bất cứ chất kết dính nào, chị Hoàng Lan và những nghệ nhân tranh cát Ý Lan tạo nên những bức tranh cát bằng sự kiên trì, con mắt thẩm mỹ và cái hồn của nghệ thuật. Khi đã phủ đầy những chi tiết, màu sắc chuẩn và thẩm mỹ, bức tranh được cố định bằng băng keo.

Vừa đổ từng muỗng cát nhỏ vào khuôn, chị Hoàng Lan vừa kể về lịch sử ra đời của loại tranh này. Đến ngày hôm nay, sau 7 năm gắn bó với tranh cát, chị Hoàng Lan vẫn là một người nghệ sĩ, nghệ nhân nhiều hơn là vai trò một doanh nhân. Chị vẫn coi những bức tranh cát của mình là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm của thị trường. Đó là lý do vì sao chị không cho sản xuất ồ ạt, bày bán ở các shop quà tặng. Chị thành lập Công ty Tranh cát Ý Lan, chủ yếu là chiều lòng bạn bè. Khâm phục tài năng và mê tranh cát của chị, họ động viên chị mở một số buổi triển lãm. Không ngờ, từ ý định giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật với bạn bè và người quen, nhiều khách tham quan đã muốn mua ngay và ngỏ ý đặt hàng với chị. Thế là Công ty Tranh cát Ý Lan ra đời.

 sancat

Tất cả thợ thủ công đang làm việc tại Tranh cát ý Lan đều do Hoàng Lan đào tạo.

Theo bước chân của du khách, tranh cát Ý Lan đã vượt ra ngoài biên giới Tổ quốc và thực sự tạo dấu ấn sau hội nghị APEC 2006. Trước khi Hội nghị diễn ra tại Hà Nội, Hoàng Lan đã làm 50 tranh cát logo APEC tặng các đại biểu về dự Hội nghị bộ trưởng APEC họp tại Tp Hồ Chí Minh. Sau dịp đó, được Ban Thư ký gợi ý, chị gửi đơn lên Uỷ ban quốc gia về APEC xin được tài trợ tặng phẩm tranh cát chân dung nghệ thuật các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Đề nghị được chấp nhận, đích thân chị cùng 5 nghệ nhân của công ty khẩn trương tiến hành công việc. Từ khâu đặt thiết kế khung tranh, mua kính thủy tinh chất lượng cao, rồi tập trung tất cả những màu cát trong bộ suy tập của chị hoàn thành trong thời gian chưa đầy 1 tháng.

Người đẹp có năng khiếu nghệ thuật

Chị là người đầu tiên ở Việt Nam khai sinh ra loại hình tranh cát này. Năm 2001, chị về Phan Thiết quê chồng và “say” những đồi cát vàng linh lung trong nắng. Chị gom mỗi màu cát một ít với ý định đổ chúng vào những lọ hoa bằng thủy tinh. Không ngờ những hạt cát với màu sắc tự nhiên, được hòa trộn cũng tự nhiên tạo nên những đường nét rất lạ mắt. Chị nảy ra ý tưởng “vẽ tranh” bằng cát từ đó. Hoàng Lan vốn là người có năng khiếu về nghệ thuật. Trước khi đến với tranh cát, chị từng là giảng viên dạy trang điểm, nấu ăn và được mệnh danh là Người đàn bà có bàn tay phù thuỷ, rồi Người đàn bà có đôi đũa thần. Đặc biệt, chị từng đạt một số danh hiệu ở các cuộc thi sắc đẹp dành cho tuổi 40.

Khó mà tưởng tượng được “người đàn bà đẹp” này vẫn thường xuyên lặn lội đến rừng sâu, núi thẳm khắp nơi trong nước để “săn” cát. Từ 3 màu cát, chị đã làm phong phú thêm bộ suy tập cát của mình lên con số 33 rồi 68 và hiện nay đã là 81 màu cát và đất tự nhiên. Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận chị là người Việt Nam tìm ra nhiều màu cát tự nhiên nhất. Từ những tác phẩm đơn giản như những con sóng lượn, cỏ, cây, hoa lá, chị tìm tòi sáng tạo ra nhiều đường nét phức tạp hơn. Những bức tranh cát về phong cảnh, loài vật, logo và đặc biệt là tranh chân dung… dần dần hiện ra dưới trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của người đẹp Hoàng Lan.

Sau 7 năm bén duyên với tranh cát, không biết đã có bao nhiêu hạt cát trở thành tranh dưới bàn tay của chị. Và cũng không biết có bao nhiêu bức tranh cát đã ra đời. Chị cũng không nhớ được mình đã đóng góp bao nhiêu tiền cho các quỹ từ thiện.

Hiện nay, Công ty Tranh cát Ý Lan của chị vẫn đang đào tạo và giới thiệu việc làm cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hoàng Lan tâm sự, với chị, tranh cát mãi mãi là nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm của thị trường. Mà làm nghệ thuật thì bao giờ cũng phải có cái TÂM đẹp.