“Nếu thiếu lãng mạn chắc sẽ không bao giờ tôi xây dựng được trang trại như ngày hôm nay”, anh Hồ Thanh Xuân, thương binh hạng 2/4 ở xã Hải Thượng (Hải Lăng – Quảng Trị) mở đầu câu chuyện về đời mình như vậy.
Một chân vẫn quyết trồng rừng
Đến trang trại của anh vào một ngày cuối hè. Trời nắng như đổ lửa, gió Lào thổi ràn rạt càng làm cái nóng ở đây như thiêu như đốt. Tới nơi, thấy anh đang tất bật bán sản phẩm gỗ rừng do mình trồng được. Mấy chiếc ô tô chất đầy gỗ tươi lăn bánh từ khu rừng của anh chạy thẳng về Nhà máy Chế biến gỗ Quảng Trị. Anh Xuân đứng đếm những đồng tiền mới toanh rồi chỉ vào cái chân của mình, kể: “Năm 1975, trong một lần rà phá bom mìn, tôi bị dính một quả đạn làm cụt mất chân trái”.
Bị thương, mất sức khỏe, sau khi xuất ngũ, anh Xuân về quê xin vào đội lâm nghiệp. Một thời gian sau, anh được bầu làm đội trưởng, chịu trách nhiệm sản xuất cây giống. Nhưng rồi cơ chế mới ra đời, đội lâm nghiệp bị xóa sổ, các đội viên không có việc làm, nhiều vườn cây giống rơi vào cảnh tiêu điều, xơ xác. Không đành lòng nhìn cảnh ấy, anh Xuân liều mượn tiền mua lại vườn, tiếp tục sản xuất. Thấy anh làm cái việc “khác người”, thiên hạ bắt đầu bàn tán.
Nhưng khi tiếp nhận vườn cây giống rồi, anh mới suy nghĩ, chẳng nhẽ chỉ để cây lớn lên rồi đốn làm củi. Ý tưởng lập trang trại, trồng rừng loé lên trong đầu anh. Ngày đó, nhiều miền rừng của huyện Hải Lăng sau khi bị đạn bom, chất độc da cam tàn phá chỉ còn trơ những khoảnh đồi trọc. Anh tìm đến UBND huyện xin được cấp đất trồng rừng. Thấy anh đưa ra ý tưởng này, nhiều người nghĩ anh hoang tưởng. Người lành lặn còn chẳng làm được, huống hồ anh chỉ có… một chân. Nghe người ta thì thầm vậy, anh buồn đến chẳng ăn được cơm. Anh trăn trở rồi quyết định phá lệ. Trồng rừng trước, xin cấp đất sau. Nếu mai này Nhà nước có thu hồi, mình cũng chấp nhận.
Người chạy trước cơ chế
Một ngày, vùng đồi phía Tây Nam huyện Hải Lăng chỉ toàn lau lách bỗng tràn ngập tiếng người, tiếng máy xúc ủi đất rộn ràng như một công trường. Thấy lạ, nhiều người tò mò đến xem, họ giật mình khi biết ông thương binh cà nhắc một chân đang chỉ đạo anh em đào hố trồng rừng. Vào mùa cao điểm, anh Xuân thuê đến hàng trăm người làm công. Rừng của anh trồng nhiều loại cây như trầm, sến, keo lá vàng, keo tai tượng. Cây mới trồng, rừng chưa thu hoạch, không có tiền trả lương cho lao động, anh phải đem ngôi nhà ở làng ra cầm cố. Sau 5 năm lăn lộn với sỏi đá, anh Xuân đã trồng được 100ha rừng đầu tiên.
Cùng lúc đó, Nhà nước có cơ chế giao đất, giao rừng về gia đình. Anh lại đến UBND huyện xin cấp quyền sử dụng đất cho 100ha rừng anh trồng “liều” trước đó. Đến lúc ấy thì không còn ai nghi ngờ khả năng của anh nữa. Có cơ hội tốt, anh xin cấp thêm 100ha đất trống đồi trọc để thực hiện nốt kế hoạch xây dựng trang trại của mình. Còn bà con địa phương thì trìu mến gọi anh là “ông chạy trước cơ chế”.
Anh Xuân khoe, hiện anh đã được cấp quyền sử dụng đất với diện tích 300ha. Tôi nhẩm tính, với mỗi hecta rừng có giá 50 triệu đồng, anh đã có trong tay hàng chục tỷ đồng. Tôi đùa, anh đã trở thành tỷ phú. Anh từ tốn: “Phần lớn diện tích rừng của tôi đã cho khai thác lấy gỗ. Tôi vừa khai thác mấy hecta gỗ bạch đàn, thu về 100 triệu đồng, đủ để trả tiền vay ngân hàng. Bây giờ còn lại là của mình, không nợ nần ai nữa. Sướng thật!”.
Trang trại hạnh phúc
Cắt nghĩa cho sự thành công của mình, anh Xuân nói: “Thuận vợ thuận chồng sẽ dời được non cao, lấp cạn bể lớn”. Anh phát biểu: “Trang trại của tôi không thể nào xanh tốt như hôm nay nếu thiếu công lao chăm sóc của vợ tôi”.
Anh em trong Hội cựu chiến binh huyện Hải Lăng thường đùa: “ở giữa rừng phía Tây đang có một trang trại hạnh phúc”. Bây giờ, hai con đầu của anh chị đã vào đại học. Con út đang theo học phổ thông. Còn một người con theo cha, tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành “vua rừng”.
Có một người ở thị xã Đông Hà sau khi vào thăm trang trại của anh đã ngỏ ý muốn mua hết toàn bộ 300ha rừng với giá hàng chục tỷ đồng để làm du lịch sinh thái. Có người nói với anh: “Suốt đời lầm lũi giữa rừng, sao anh không bán hết đi về phố mua nhà ở cho nhàn thân?”. Anh cười: “Đối với người nông dân thì đừng bao giờ phụ bạc đất. Phải biết tận dụng tiềm năng đất đai mà ông cha ta ngày trước phải đổ máu xương mới giành lại được. Tôi thua người ta một cái chân nhưng không thể thua về ý chí và nghị lực vươn lên từ nghèo khó, tàn tật để làm giàu chính đáng”.