Sau hơn một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mặc dù chưa nhìn thấy tác động trực tiếp nhưng có một điều dễ dàng nhận thấy là trong quá trình thực hiện các cam kết WTO, lĩnh vực nông nghiệp phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế – xã hội phức tạp. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có giải pháp thích hợp để nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.
Khó mọi bề
Là một thể chế thương mại toàn cầu, hoạt động của WTO tuân theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, tạo dựng nền tảng ổn định cho phát triển, đảm bảo thương mại tự do thông qua đàm phán, tạo môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng và dành điều kiện ưu đãi cho các nước đang phát triển. Xét từ góc độ cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, khi thực hiện các cam kết WTO, Việt Nam có cơ hội để hàng nông sản xâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới trong buôn bán toàn cầu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Gia nhập WTO là nấc thang cao nhất trong tiến trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập kinh tế toàn cầu; là cơ hội lớn để nước ta khai thác các lợi thế do quá trình hội nhập đem lại. Song, gia nhập WTO cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế còn nặng tính tiểu nông như Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong thực hiện cam kết WTO, có rất nhiều vấn đề đặt ra cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là làm thế nào để hàng nông sản không bị mất thị phần ngay trên “sân nhà”? Phải bắt đầu từ đâu trong tư duy, phải làm gì và làm như thế nào để nông dân không bị thiệt thòi khi phải đương đầu với những khó khăn do sức ép cạnh tranh từ hàng nông sản nước ngoài; khi người nông dân được nhận tiền đền bù nhưng không biết sử dụng một cách hiệu quả, không biết tìm kiếm cơ hội kinh doanh; chấp nhận con đường làm thuê nhưng lại không thể kiếm được việc làm do trình độ tay nghề thấp?…
Kinh tế nông thôn nước ta phần lớn còn phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, rất bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhìn vào danh mục 94 dự án trọng điểm quốc gia mời gọi vốn FDI trong giai đoạn 2006-2010 (gần 26 tỷ USD) thấy rất rõ sự mất cân đối giữa khu vực công nghiệp – xây dựng với khu vực nông nghiệp – nông thôn.
Trong danh mục này chỉ có 1 dự án dành cho nông nghiệp -chăn nuôi -lâm nghiệp và 4 dự án dành cho thủy sản. Chúng ta chưa sản xuất được sản phẩm nông nghiệp chuẩn mực vì chưa có nền sản xuất lớn, tập trung, chưa có các quy trình kỹ thuật chuẩn, chưa kết nối được sản xuất và tiêu thụ…
Cho đến nay, 90% sản phẩm nông nghiệp vẫn bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm bị bán ép với giá thấp. Sản xuất còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 2,5 lao động (phần lớn là lao động nữ), và chỉ có khoảng 0,7ha canh tác.
Theo điều tra của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ có khoảng 25% nông dân tiếp cận được với thông tin thị trường. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vừa chậm vừa không đồng đều, nên đến nay vẫn có tới 77% số hộ nông nghiệp thuần tuý, chỉ giảm được 1,6% so với 10 năm trước.
Hỗ trợ nông dân những gì WTO không cấm
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, là thành viên của WTO, Chính phủ Việt Nam phải đồng thời giải quyết hai việc: Thứ nhất, tiếp tục các chính sách kinh tế mà dù có là thành viên WTO hay không, vẫn phải làm, vì đây là chính sách cơ bản. Thứ hai, thực hiện một số công tác mới trong tư cách thành viên WTO với tính cách là chính sách đáp ứng.
Hai công việc này hỗ trợ lẫn nhau, cái sau thúc đẩy cái trước và cái trước tạo điều kiện cho cái sau. Điều đó cũng có nghĩa là, Chính phủ cần tiến tới một phương án mang tính cơ bản, lâu dài với một chiến lược hoàn chỉnh đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông).
Chính sách đó cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhưng được đặt trong điều kiện thực tiễn mới – các nội dung đã cam kết khi gia nhập.
Chính sách nông nghiệp của ta trước đây là lo đủ ăn và cố gắng có dư thừa để xuất khẩu. Nay phải hướng sang giai đoạn phát triển có hiệu quả cao và bền vững. Bây giờ phải lo hướng dẫn nông dân tiếp cận thông tin về thị trường, đàm phán thương mại, kiểm tra chất lượng và đăng ký thương hiệu nông sản… Kế hoạch phát triển nông nghiệp phải hướng tới ba lĩnh vực chủ yếu: chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho kinh tế nông thôn, tập trung xây dựng hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các chính sách hỗ trợ trong nước đều thuộc chính sách “hộp xanh” và hộp phát triển (các chính sách WTO cho phép các nước đang phát triển áp dụng).
Theo số liệu thống kê, cơ cấu chính sách hỗ trợ trong nước cho ngành nông nghiệp (giai đoạn 1999-2001) cho thấy, các chính sách thuộc nhóm “hộp xanh” của Việt Nam chiếm 84,5% tổng nhóm hỗ trợ trong nước, tập trung chủ yếu trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông, các chương trình hỗ trợ vùng, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dự trữ công vì mục đích đảm bảo an ninh lương thực.
Các chính sách hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ kiểm tra giám sát dịch bệnh và sâu bệnh, hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số chi hỗ trợ trong nhóm “hộp xanh”, 1 – 3%. Các chính sách hỗ trợ trong nhóm chương trình phát triển Việt Nam đang áp dụng chiếm 10,7% tổng nhóm hỗ trợ trong nước.
Kết quả hoạt động rà soát các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Hiệp định nông nghiệp và đề xuất chính sách phù hợp với quy định của WTO do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn II (Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương hợp tác với Uỷ ban châu Âu) cho thấy, có nhiều chính sách WTO không cấm nhưng chúng ta chưa tận dụng để sử dụng, ví dụ: để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế, việc trợ cấp để điều chỉnh cơ cấu thông qua chương trình rút các nguồn lực khỏi sản xuất nông nghiệp là chính sách WTO không cấm nhưng Việt Nam lại chưa sử dụng nhiều.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân sản xuất giảm thiểu các thiệt hại, Việt Nam được phép áp dụng các chính sách chi trả trực tiếp cho người sản xuất thông qua việc hỗ trợ riêng cho thu nhập, các chương trình bảo hiểm thu nhập và mạng lưới an sinh thu nhập. Chính phủ cấp thêm thu nhập hoặc miễn thuế cho nông dân, chi trả cho các chương trình môi trường để hỗ trợ sản xuất tại các vùng khó khăn.
Theo ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại, Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng các chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản xuất trong nước bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng; tập trung nhiều hơn vào những chủ trang trại tư nhân; xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin tới nông dân; nâng cao chất lượng cây trồng – vật nuôi.
TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, tuy WTO cấm các hình thức trợ cấp, trợ giá xuất khẩu song họ không cấm tất cả, Chính phủ vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ bằng việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu triển khai, khuyến nông, chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. WTO cũng cho phép nhiều hình thức hỗ trợ vùng nghèo và một số khâu trong sản xuất nông nghiệp.
Tiến sĩ Thành nhận định: “Vai trò của Nhà nước ngay cả khi hội nhập WTO đối với ngành nông nghiệp vẫn rất quan trọng. Vấn đề là, tư duy và cách thức hỗ trợ phải thay đổi cho phù hợp. Nhà nước phải phát huy tốt vai trò “cầm cân nảy mực” đảm bảo cho các hợp đồng thỏa thuận và cho các tổ chức thực hiện cung cấp thông tin và các chức năng về mặt xã hội.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, trước khi vào WTO cũng nhận được rất nhiều cảnh báo về một “kịch bản” xấu cho nông nghiệp, nông thôn. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Sau hội nhập WTO, một số ngành nông sản xuất khẩu của nước này tăng vọt. Điều quan trọng là Trung Quốc đã có chính sách cho nông nghiệp phù hợp, từ đó đầu tư mạnh vào nông nghiệp về hạ tầng, vốn, kỹ thuật, bãi bỏ thuế và giảm phí. Chúng ta cũng đang theo lộ trình này với hy vọng bức tranh nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ “sáng” hơn.
Một vài chính sách “hộp xanh” mới có thể áp dụng cho Việt Nam – Tăng cường phạm vi và việc áp dụng các dịch vụ tư vấn (áp dụng GAP). – Huấn luyện cho nhà chế biến (GMP). – Cải thiện các công cụ tiếp thị. – Nâng cao hiệu quả các kênh phân phối. – Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng SPS và cải tiến chất lượng. – Thực hiện khả năng truy tìm nguồn gốc. – Đẩy mạnh các dịch vụ tẩy trùng, thanh tra. – Đẩy mạnh các chính sách nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm của nông dân. – Đẩy mạnh việc tập hợp các thửa ruộng nhỏ lẻ thành các trang trại lớn. – Bổ sung khối lượng thức ăn chăn nuôi để tăng sản lượng và chất lượng. |