Những kết quả nghiên cứu y học gần đây đã chứng minh những cây thuốc kháng sinh của nước ta rất phong phú, có tác dụng chữa được nhiều bệnh nhiễm khuẩn và kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân ta là có cơ sở và có kết quả.
Một trong những vấn đề nan giải đối với thuốc kháng sinh tân dược hiện nay là hiện tượng quen thuốc, kháng thuốc và loạn khuẩn do tình hình lạm dụng kháng sinh trong điều trị ngày càng phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Đấy là chưa kể những tai biến nguy hiểm do nhiều loại kháng sinh gây ra, có khi dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, gần đây, người ta nhắc nhiều đến kháng sinh thực vật và có xu hướng trở lại với các cây thuốc, sử dụng các kháng sinh tự nhiên của cây cỏ.
Trong thiên nhiên, có rất nhiều cây cỏ có chất kháng sinh. Nguồn dược liệu của nước ta vô cùng phong phú, trong đó có nhiều cây thuốc kháng sinh được Y học dân tộc dùng làm thuốc từ lâu. Chúng thường là những cây cỏ rất quen thuộc, mọc hoang dại hoặc được trồng ngay trong vườn như: Hành, Tỏi, Hẹ, Kim ngân, Sâm đại hành, lá Móng tay,… được nhân dân ta dùng làm thuốc tiêu độc, tiêu viêm, sát khuẩn, chữa các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, mụn nhọt, chốc lở, viêm họng, viêm phế quản và nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác. Nhiều cây thuốc được nhân dân ta dùng chữa vết thương có kết quả tốt như Mỏ quạ, Nọc sởi, lá Vối, lá Bòng bong, Sắn thuyền, Lô hội, lá Trầu không, Sài đất…
Kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân ta rất quý. Nhiều cây thuốc đã được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm thấy những chất kháng sinh có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn như: dùng nước sắc lá Đơn tướng quân (tên khoa học là Syzygium sp.) để chữa các chứng lở loét, mụn nhọt, mẩn ngứa, viêm họng, viêm phế quản… có kết quả tốt; dùng lá Trầu không chữa bỏng (giã nhỏ, vắt lấy nước bôi vào chỗ bỏng) hoặc dùng nước lá Trầu không rửa các vết thương thay thuốc sát khuẩn.
Trong điều trị các vết thương phần mềm, nhiều tác giả trong và ngoài nước cũng đã công nhận dùng kháng sinh thực vật chữa vết thương chóng sạch, các đám hoại tử dễ bong, tổ chức hạt non phát triển mạnh, vết thương mau lành hơn chữa bằng kháng sinh tân dược vì trong nước sắc cây thuốc không phải chỉ có kháng sinh mà còn có những chất kích thích giúp vết thương chóng đầy miệng, có các loại men, vitamin và các nguyên tố vi lượng tạo điều kiện cho vết thương chóng khỏi.
So sánh với kháng sinh tân dược, người ta thấy các cây thuốc kháng sinh tuy không mạnh bằng nhưng cũng đủ để chữa khỏi nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Không những thế, chúng còn có nhiều ưu điểm mà thuốc kháng sinh tân dược không có. Trước hết là vấn đề kháng thuốc. Đây là chuyện nan giải đối với kháng sinh tân dược hiện nay, nhưng đối với kháng sinh thực vật người ta chưa thấy hiện tượng này.
Ưu điểm nổi bật của kháng sinh thực vật là rất ít độc, do đó không gây ra những tai biến nguy hiểm, nhiều khi chết người như thuốc kháng sinh tân dược. Những tai biến do Penicillin, Streptomycin, Tetracyclin, Chloramphenicol… được y học nói đến nhiều, nhưng những tai biến do kháng sinh thực vật gây ra chưa thấy tài liệu nào nói đến. Giới hạn an toàn về mặt độc chất của những kháng sinh thực vật lớn hơn kháng sinh tân dược nhiều.
Về cách sử dụng: Phần lớn các kháng sinh thực vật rất bền vững và dễ hoà tan trong nước, do đó hầu hết các cây thuốc kháng sinh thường được dùng dưới dạng thuốc sắc – dạng bào chế đơn giản và thông dụng nhất.
Những kết quả nghiên cứu y học gần đây đã chứng minh những cây thuốc kháng sinh của nước ta rất phong phú, có tác dụng chữa được nhiều bệnh nhiễm khuẩn và kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân ta là có cơ sở và có kết quả.