Không nhộn nhịp và rộn ràng như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng Xuân La (Xã Phượng Dực- Phú Xuyên- Hà Tây) dường như trầm lắng hơn. Thế nhưng những sản phẩm thủ công của làng nghề này đã nổi tiếng từ lâu và vẫn hàng ngày theo chân các nghệ nhân tới khắp các tỉnh thành trong cả nước, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Người hơn 70 năm nặn tò he…
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề Xuân La, cụ Đặng Văn Tố (81tuổi) đã có gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề này. 5-6 tuổi đã lăng xăng theo người lớn nặn những trái na, trái bưởi, quả chuối, những con vật gần gũi như chó mèo, lợn, gà,… giờ đây, nhắm mắt cụ Tố cũng có thể nặn được nhiều hình phức tạp khác nhau. Theo lời cụ, tò he cũng đã có lúc tưởng bị mất đi. Chiến tranh, loạn lạc, dân tình đói khổ,… chẳng còn ai nghĩ đến việc mua tò he về ngắm chơi cả. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc sống ổn định hơn, người dân làng ông lại mau chóng khôi phục nghề này. Và tò he khi ấy chủ yếu xuất hiện vào dịp Trung thu. Trong mâm ngũ quả “trông giăng” của bọn trẻ bao giờ ngoài các loại hoa quả cũng có tò he. Chúng khoe với nhau í ới, ngắm thoả thích rồi cùng nhau ăn ngon lành. Tò he khi ấy vừa là một thứ đồ chơi vừa là món ăn mà trẻ con rất thích.
Cụ Đặng Văn Tố đã rong ruổi hơn 70 năm trời, đi không biết bao nhiêu vùng miền, mang hình ảnh những “chú tò he” của văn hoá dân gian đến với mọi người. Bàn tay gầy, gân guốc của cụ dường như vẫn còn đủ khéo léo và dẻo dai để nặn ra vô vàn những con vật, hình thù khác nhau. Đến năm 78 tuổi, con cháu tha thiết quá, cụ Tố mới “đành” thôi đi nặn. Và ở tuổi 81, cụ vẫn rất minh mẫn và linh hoạt khi nói về nghề tò he. Ai mời cụ nặn, cụ vẫn làm nhiệt tình và bất kì khi nào có giấy mời tham dự các triển lãm, hội chợ cụ lại “khăn gói” đi ngay.
Năm 2004, cụ vinh dự là đại diện duy nhất của nghề làm tò he, cùng 3 nghệ nhân (vẽ tranh, thêu, đan nón Huế) sang Nhật dự triển lãm. Và niềm hạnh phúc nhất của cụ Tố “không phải là giới thiệu cho mọi người biết tài nghệ của mình mà là mang được Văn hoá dân gian của đất nước mình giới thiệu cho bạn bè thế giới biết”. Và cũng trong năm này, cụ được nhận những danh hiệu:“Nghệ nhân dân gian”, “Ngôi sao quê lụa” do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tây phong tặng. Đó thực sự là những phần thưởng quý giá dành cho người có nhiều cống hiến trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống- nghề làm tò he.
Giữ gìn nét văn hóa dân gian
Cả làng hầu như ai cũng biết nặn tò he. Nhưng không phải tất cả đều theo nghề này. Trung bình có khoảng 100 người đi nặn tò he “lưu động”. Họ phân tán đi các tỉnh, đặc biệt dừng lại ở các điểm vui chơi, trường học, công viên, những nơi có nhiều khách du lịch qua lại. Không giống như nhiều mặt hàng khác là được làm sẵn từ nhà mang đi. Người làm tò he chỉ phải chuẩn bị vật liệu, “đồ nghề”, sau đó đến nơi sẽ định bán hàng, luộc bột và trộn màu. Có như thế mới đảm bảo được độ dẻo và sự tươi mới của bột. Tạo màu sắc cho tò he cũng không mất nhiều thời gian như trước. Nếu như trước đây, các màu được lấy từ thiên nhiên (màu đỏ lấy từ gấc, màu vàng từ nghệ, màu xanh từ lá cây,….) và cách chắt lọc rất cầu kì, thì ngày nay tất cả được thay thế bằng phẩm màu. Chỉ cần một động tác và sự khéo tay của nghệ nhân là đã có ngay những màu thật đẹp. Một sản phẩm sẽ được làm ngay sau vài phút trước yêu cầu và sự chứng kiến của người mua. Với khách nước ngoài hay với những người Việt ít biết đến tò he, việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài qủa thật là một điều thú vị.
Cả làng hầu như ai cũng biết nặn tò he. (Ảnh: Báo ĐCSVN) |
Người làm tò he bây giờ cũng năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Nếu như ngày trước các đối tượng để nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, hình người là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,.. thì bây giờ tò he phong phú hơn rất nhiều. Với riêng đối tượng thiếu nhi, họ rất để ý đến những phim hoạt hình mới mà các em được xem. Nếu “chẳng may” các em yêu cầu được mua những hình mình thích thì chỉ cần nhìn qua là các nghệ nhân có thể nặn giống được. Và để nắm vững được thời gian cụ thể của những ngày hội, ngày lễ họ có trong tay cả quyển sách ghi lại các ngày lễ tết của tất thảy mọi vùng miền trong cả nước. Họ cũng quan tâm cả đến thời tiết, nhiệt độ… vì đó cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng tò he bán được.
Theo nghề nhiều năm, nhưng với người dân nơi đây thì hình như tò he vẫn chưa được coi là nghề chính. Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn – người có thâm niên trên 20 năm trong nghề cho biết: “ Mỗi năm chúng tôi sống chủ yếu nhờ vào 3 tháng hội đầu năm, còn những ngày bình thường thì lang thang ở các công viên, khu du lịch hay các hội chợ”. Nếu đến các hội chợ lớn hay may mắn gặp được khách Tây thì thu nhập có thể lên tới cả trăm nghìn nhưng cũng có ngày chỉ đủ tiền đi đường. Vợ chồng anh Kiệt ngoài việc nặn tò he thì còn bán kèm cả đồ chơi. Nếu không bán kèm theo thì không đủ sống…”. Thu nhập thấp lại phải phiêu bạt nay đây mai đó nên thế hệ trẻ Xuân La mặc dù yêu thích cũng chỉ coi đây là một nghề phụ để họ làm trong lúc nông nhàn.
Tìm hướng đi mới cho nghề làm tò he…
Đã có một thời gian, nghề làm tò he truyền thống này tuởng chừng như bị mai một do không cạnh tranh nổi với nhưng món đồ chơi nước ngoài. Đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, bền đẹp lại đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Tuy nhiên, nhờ những chính sách nhằm duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống của Đảng và chính phủ, làng nghề Xuân La đã và đang gìn giữ được một loại hình nghệ thuật đặc sắc của văn hoá dân gian.
Song, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác ở nước ta là đều vướng mắc ở “đầu ra” cho sản phẩm. Xuân La cũng đang vươn mình tìm đến những thị trường rộng lớn hơn. Người ta thích tò he không giống như sự yêu thích những thứ đồ chơi hiên đại, đắt tiền. Mà thích ở cái mộc mạc, đậm tính dân tộc của tò he, ở tính thủ công từ những đôi tay khéo léo. Sở dĩ tò he chưa được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài là vì nhựơc điểm của chất liệu tạo ra chúng. Bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt. Mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày (tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản). Gia đình nghệ nhân dân gian Đặng Văn Tố từng đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về nghề nặn tò he. Trong số những vị khách ấy, có không ít người đặt vấn đề đưa tò he ra nước ngoài. Thế nhưng sản phẩm làm ra, đem đóng hộp mang sang đến nước bạn thì bị khô nứt. Kế hoạch đưa tò he ra thị trường thế giới đành phải tạm dừng …vô thời hạn.
Một mặt, người dân Xuân La vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của mình. Mặt khác, họ không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới. Gia đình bà Diền là gia đình đầu tiên và duy nhất ở Xuân La thử nặn tò he bằng bột đao. Tò he làm bằng bột đao có thể để được rất lâu (khoảng 1 năm) mà không sợ nứt, mốc. Nhưng nhược điểm là rất khó nặn và không đẹp bằng tò he làm từ chất liệu bột gạo. Hơn nữa, khi nặn xong phải đem luộc lại – mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, thợ nặn phải làm trước ở nhà rồi mới đem bán. Chính điều này làm mất đi cái hay của tò he – người mua được chứng kiến tận mắt bàn tay khéo léo của thợ nặn…
Mong muốn lớn nhất của người dân Xuân La là có được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn rất nhiều lần. Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào “sân chơi” lớn hơn.