Từ sáng sớm đến tối, người dân làng hoa mới Tây Tựu (Từ Liêm – Hà Nội) cặm cụi trên cánh đồng hoa. Gần đến Tết Nguyên đán, bà con càng tất bật. Không chỉ đáp ứng nhu cầu hoa trong nước, những người trồng hoa Tây Tựu còn có tham vọng đưa sản phẩm của quê hương ra thị trường quốc tế.
Hướng đến xuất khẩu
Cuối buổi chiều đông rét căm căm, anh Chu Văn Hiển (thôn Đăm) vẫn tranh thủ ra đồng. Tay thoăn thoắt tỉa nhánh cây cúc, anh nói: “Tuy làng hoa thu hoạch quanh năm, nhưng chúng tôi vẫn trông chờ cả vào mùa hoa Tết này. Nhà nào cũng huy động tất cả nhân lực ra đồng và cố gắng hãm hoa nở cho đúng dịp. Một năm gia đình trồng 2 vụ, vụ hè và vụ đông, mỗi vụ kéo dài khoảng 4 tháng. Hoa hồng trồng được cả hai vụ, còn cúc chủ yếu vào vụ đông. Khác với trồng lúa, từ khi ươm mầm hoa cho tới lúc thu hoạch, ngày nào cũng phải tưới, phun thuốc, tỉa mầm,… Quan trọng nhất là “ém” cho hoa nở đúng dịp, đủ lượng hoa cung cấp cho thị trường”.
Không chỉ riêng nhà anh Hiển bám đồng hoa, người dân Tây Tựu đều dồn mọi công sức để những bông hoa thêm tươi, hương thêm nồng nàn, góp phần làm đẹp thêm cho mùa xuân. Người lom khom nhổ cỏ, người bẻ nhánh cây, người phun thuốc, tiếng gọi nhau í ới khiến quang cảnh cánh đồng hoa thêm tất bật, nhộn nhịp.
Con trai anh Hiển là Chu Văn Thực sau khi phun thuốc xong mảnh vườn hồng, hạ bình xuống, giới thiệu: “Nhà em có 4 sào hoa (1 sào = 360m2), trồng luân phiên cúc vàng pha lê, cúc vàng chanh, hồng, hoa đồng tiền; riêng hoa ly, hoa loa kèn “ưu tiên” trồng trong nhà lưới, nhà nilon”.
Hoa cúc có sức chịu đựng tốt với thời tiết, còn hoa hồng thì ngược lại. Hoa hồng có đặc điểm dễ bị nấm, nên việc phun thuốc bảo vệ thực vật với loại hoa này là rất quan trọng. Muốn có được những bông hoa nở đẹp và đúng thời điểm, ngoài việc đáp ứng những đòi hỏi trên còn phải chú ý lúc hoa bắt đầu nở, người trồng phải dùng giấy cuốn vào từng nụ để bảo vệ hoa trước thời tiết và sâu bệnh.
Người nông dân bỏ công chăm sóc hoa tỉ mỉ, vất vả là vậy nhưng khi xuất ra thị trường, giá hoa lại lên xuống thất thường. Dịp trong năm, hoa cúc được mùa chỉ khoảng 200 đồng/bông, trái vụ dao động ở mức 800-900 đồng/bông. “Tất cả chỉ trông chờ vào dịp Tết này thôi. Lúc đó, nhu cầu hoa lên cao nên bán được giá lắm. Nếu nhà nào có điều kiện, đủ vốn đầu tư xây nhà lưới trồng các loại hoa cao cấp thì còn “ăn” hơn nhiều” – anh Hiển cho biết. Trong dịp Tết, nếu thời tiết thuận lợi, hoa đẹp, các chủ buôn không ghìm giá thì hoa hồng khoảng 1.500-2.000 đồng/bông, hoa cúc 800-1.200 đồng/bông, hoa đồng tiền 1.200- 1.500 đồng/bông.
Người dân Tây Tựu cho biết, hiện nay, nơi tiêu thụ hoa chính của bà con vẫn là một số chợ đầu mối như Nhật Tân, Quảng Bá. Từ các chợ hoa đêm, những bông hoa Tây Tựu toả lan đi khắp phố phường Hà Nội. “Nhưng nếu cứ làm để bán ở “chợ nhà” thế này thì không ăn thua, phải tìm cách đưa hoa xuất khẩu. Nhìn cách làm của nước bạn mà thèm, nếu so sánh, hoa của họ còn “nhạt sắc” hơn ta nhưng giá bán vẫn cao ngất ngưởng” – anh Hiển chợt trầm ngâm.
Ước mơ của anh Hiển cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều người yêu và gắn bó với nghề hoa. Không cam chịu dừng lại ở cách làm ăn nhỏ lẻ, người dân Tây Tựu đang từng bước tiến lên làm ăn lớn, vươn ra thị trường quốc tế. Hiện toàn xã có trên 120 lao động chuyên đi tiếp thị chào hàng, 620 lao động vệ tinh cho dịch vụ tiếp thị và đã hình thành được 70 đại lý đóng hoa để chuyển vào miền Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù mới chỉ là sự khởi đầu nhưng vẫn có thể hy vọng vào sự lớn mạnh của làng hoa trong tương lai…
Phó trưởng phòng Kế hoạch huyện Từ Liêm, Công Phương Kình cho biết, năm 2007, dự án tổng thể phát triển vùng hoa Tây Tựu đã được đầu tư và đang triển khai với tổng giá trị khoảng 100 tỉ đồng. Dự án này bao gồm các dự án thành phần như: Xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện; mô hình sản xuất thí điểm quy mô 10ha áp dụng công nghệ cao trong kỹ thuật nhân giống, trồng hoa và khuyến nông; đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ trồng hoa. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nghề trồng hoa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Trong tương lai không xa, hi vọng hoa Tây Tựu không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước, mà còn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Thuê đất trồng hoa
Trước đây, Tây Tựu nổi tiếng bởi có đặc sản gạo thơm ngon, câu nói: “Nhất Mễ Trì, nhì Tây Tựu” cũng để nói về đặc sản này. Cánh đồng lúa rộng hơn 330ha của xã mỗi năm sản xuất ra hàng nghìn tấn gạo đặc sản. Năm 1994, cây hoa bắt đầu “bén duyên” mảnh đất Tây Tựu và đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong bộ mặt kinh tế – xã hội của địa phương cũng như đời sống người nông dân. ấy là khi những vườn hoa có tiếng ở Thủ đô như Ngọc Hà, Nhật Tân, Quảng Bá, Xuân La, Xuân Đỉnh ngày một bị thu hẹp dần do đô thị hoá, nhu cầu người tiêu dùng cũng tăng khiến giá hoa trên thị trường cao và ổn định, một số hộ dân ở Tây Tựu đã mạnh dạn đưa hoa về trồng thay cây lúa.
Hiện, Từ Liêm được đánh giá là vùng hoa lớn nhất trong các huyện ngoại thành Hà Nội với diện tích 500ha, trong đó Tây Tựu chiếm tới 66%. Năm 1994, toàn xã mới chỉ có 18ha hoa thì nay đã lên tới 300ha, chiếm 84,6% diện tích canh tác toàn xã. Từ năm 2000, Tây Tựu chuyển đổi 90% diện tích trồng rau sang trồng hoa với 95% số hộ chuyên làm nghề này. Thu nhập nhờ đó cũng tăng lên đáng kể, cao hơn 3 – 4 lần trồng lúa.
Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ hoa trên thị trường ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều hộ dân phải đi thuê đất trồng hoa.
Vì thế, những cánh đồng hoa Tây Tựu đã vươn sang các xã lân cận. Những cánh đồng lúa trước đây ở các xã Thượng Cát, Liên Mạc, Xuân Phương (Từ Liêm), giờ đã chuyển thành những cánh đồng hoa bạt ngàn. Thậm chí, cánh đồng hoa của người Tây Tựu đã vươn sang cả các huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây). Chỉ tính riêng ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), người Tây Tựu đã thuê hơn 30ha với giá trung bình 900.000đồng/sào/năm.
Mở rộng diện tích chuyên canh hoa, thu nhập của từng hộ dân không ngừng tăng cao. Với kinh nghiệm trồng hoa nhiều đời và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, hoa Tây Tựu ngày càng đẹp hơn. Không chỉ vậy, mở rộng diện tích đất thuê để trồng hoa đã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lượt lao động ở các tỉnh bạn, thu nhập bình quân đạt gần 1 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu toàn xã trung bình đạt trên 40 tỉ đồng/năm.
Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà và trên cánh đồng Tây Tựu, những bông hoa bắt đầu bừng nở. Hoa rực rỡ trên cánh đồng, hoa theo chân người về nhà để sáng hôm sau được chất lên xe đến khắp mọi nơi cho đời thêm tươi đẹp.