Đời nọ nối tiếp đời kia, người Nùng coi rừng là Mẹ, rừng sinh ra con người, nuôi dưỡng và bảo vệ con người. Để giữ được rừng, đồng bào làm lễ cúng rừng và nguyện giữ trọn lời thề với Thần Rừng linh thiêng. Lễ cúng rừng cấm diễn ra mỗi năm hai lần, trong đó, ngày Thìn tháng 2 âm lịch là lễ cúng chính, còn ngày Thìn tháng 6 âm lịch là lễ cúng phụ.
Trong quá trình lang thang khắp huyện Hoàng Su Phì, nhận thấy rằng, ngoài khu vực quanh chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, núi quá cao, không có đường đi lối lại, rừng nguyên sinh chỉ còn ở những khu rừng cấm. Khắp nơi rừng đã bị triệt hạ rất khốc liệt. Có một thực trạng đau lòng mà thhường gặp ở những khu rừng thông tuyệt đẹp, đẹp không kém gì rừng thông Đà Lạt, là hàng trăm vạn cây thông đang gục ngã trước sự thờ ơ và bất lực của chính quyền địa phương.
Một công ty ở Thái Nguyên đã đặt trụ sở thu mua nhựa thông ở Hoàng Su Phì và thuê bà con lấy nhựa. Bà con chém nát thân cây thông để lấy nhựa bán với giá cực rẻ cho họ (chỉ có 3 ngàn đồng/kg). Hết nhựa rồi, bà con tiếp tục bóc nốt phần gỗ ở chỗ tụ nhựa đem về làm củi nhóm bếp, vì phần gỗ này nhiều tinh dầu, cháy rất mạnh.
Vậy là, bạt ngàn thông thi nhau gục ngã, thành củi đun, trong khi, giá trị của những cây thông to người ôm mới xuể là rất lớn. Giá như những cánh rừng thông rộng cả vạn ha này trở thành rừng cấm thì Hoàng Su Phì sẽ có một rừng thông nổi tiếng.
Trong bài cúng rừng mà thầy cúng Lù Vần Xẻng đọc cho tôi nghe, tổ tiên người Nùng giải thích nguyên nhân của nạn đại hồng thủy chính là do con người giết rừng, báng bổ nơi trú ngụ của thần linh.
Trong cơn đại hồng thủy đó, chỉ có hai anh em nhà nọ sống sót nhờ chui vào chiếc trống đồng (có truyền thuyết nói chui vào quả bầu bà tiên cho) và nổi trên sóng nước. Nước rút đi, không còn ai trên trái đất sống sót, một vị thần xui khiến hai anh em lấy nhau.
Hôn nhân cận huyết nên họ đẻ ra quái thai. Người cha đau khổ, chặt con thành nhiều khúc, ném đi khắp ngả. Không ngờ, những miếng thịt đó lại sinh ra con người, rồi mỗi con người mang một dòng họ, nhưng chung một gốc tích.
Từ truyền thuyết đó, tổ tộc người Nùng mới ngẫm ra rằng, không thể phá rừng được. Phá rừng chính là báng bổ thần linh. Thế là, đời nọ nối tiếp đời kia, người Nùng coi rừng là Mẹ, rừng sinh ra con người, nuôi dưỡng và bảo vệ con người.
Từ thời thượng cổ, bà con không được học, không biết con chữ, không hiểu nguyên lý xoay vần của tạo hóa như các nhà khoa học, nhưng họ đã hiểu được nguyên lý rất đơn giản mà con người hiện đại với chữ nghĩa đầy đầu, nhưng lòng tham ngập bụng không chịu hiểu: giữ rừng là giữ nguồn nước, giữ rừng để cản dòng lũ…
Cái triết lý này dù đơn giản, song không chừng nó cũng có thể sánh được với nhận thức của nhân loại về vũ trụ, tạo hóa. Để giữ được rừng, đồng bào làm lễ cúng rừng và nguyện giữ trọn lời thề với Thần Rừng linh thiêng.
Lễ cúng rừng cấm diễn ra mỗi năm hai lần, trong đó, ngày Thìn tháng 2 âm lịch là lễ cúng chính, còn ngày Thìn tháng 6 âm lịch là lễ cúng phụ. Lễ cúng chính là lời hứa bảo vệ rừng của dân bản và cầu Thần Rừng bảo vệ dân bản, còn lễ cúng phụ là báo cáo với Thần Rừng kết quả sản xuất trong thời gian qua.
Lễ cúng vào tháng 2 diễn ra cực kỳ trang nghiêm, còn lễ cúng tháng 6 đơn giản hơn và thiên về vui chơi. Trong lễ cúng rừng tháng 6, bà con tổ chức nhiều trò chơi như ném còn, đánh xèng, trai gái hát giao duyên.
Người chủ trì buổi lễ cúng rừng cấm Pờ Ly Ngài là thầy cúng Lù Vần Xẻng. Ông Xẻng đã có 20 năm trông ngôi chùa thiêng cùng khu rừng cấm này. Để được làm người trông chùa thiêng, cai quản rừng cấm, ông thầy cúng phải là người cực kỳ có uy tín, mẫu mực, là tấm gương của dân bản. Gia đình ông phải hạnh phúc.
Vợ chồng, con cái không được cãi nhau và không bao giờ xích mích với hàng xóm thì mới làm người trông rừng thiêng được. Ngoài ra, thầy cúng phải là người thông minh. Chỉ học truyền miệng từ cha ông mà ông Xẻng thuộc làu làu những bài cúng.
Ông có thể đọc liền một mạch mấy ngày mới hết. Những bài cúng của ông nếu viết ra sách phải dày mấy trăm trang. Tất cả những bài cúng đều là truyền miệng, vì tổ tiên người Nùng bị thất lạc mất chữ, nên không ghi chép lại được.
Mỗi năm thầy cúng được dân bản cấp 90 kg thóc gọi là công trông rừng cấm. Khu rừng cấm và ngôi chùa thiêng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của 4 bản thuộc xã Pờ Ly Ngài, gồm Chàng Chảy, Pô Chuông, Na Vang, Cốc Mươi. Ngoài ra, 2 bản khác xa xôi, hiểm trở cũng có rừng cấm riêng, là bản Tà Đản và Hô Sán.
Lễ cúng Thần Rừng diễn ra rất trật tự, trang trọng. Thầy cúng cúi lạy ở cửa rừng, xin phép Thần Rừng cho con cháu vào lễ bái. Sau đó mới tiến sâu vào trong rừng, tìm đến chùa thiêng. Dân bản xếp hàng, rất trật tự đi sau thầy cúng.
Trong khi tiến vào rừng cấm, không ai được nói năng, cười đùa. Tất cả đều hướng tâm trí về Thần Rừng với sự thành kính sâu sắc. Những ông thầy mo phục vụ tang lễ, ma chay không được vào rừng cấm, vì theo quan niệm, họ là người của thế giới ma, còn rừng cấm là thế giới của thần linh.
Phụ nữ có thai cũng không được vào rừng. Lý do vì sao thì thầy cúng Xẻng cũng không giải thích được. Cha ông truyền dạy thế nào thì làm theo như vậy.
Mâm lễ được bày dưới gốc cây lớn trước chùa gồm rượu, thịt, một bát muối, con gà trống đỏ còn sống, con lợn đen được buộc vào cọc tre. Phía xa, một con trâu béo buộc vào cây. Con trâu béo này là đóng góp tự nguyện của dân bản.
Đồng bào quỳ lạy khắp rừng, úp mặt vào gốc cây to và không nói gì, chỉ tưởng nhớ đến Thần Rừng, thầm cầu mong Thần Rừng phù hộ cho đất nước bình yên, cho gia đình, làng bản no ấm (có một điều rất lạ, trong các bài cúng, bài khấn của đồng bào Nùng, đều có nội dung cầu phúc cho dân tộc, cho đất nước trước, rồi mới cho làng bản, cho gia đình và bản thân).
Bài cúng cuối cùng xong, thầy cúng sẽ đọc lời nhắn của Thần Rừng hiển linh trên xương chân gà. Nội dung của lời nhắn thường là: “Thần Rừng hứa sẽ bảo vệ cả dân tộc, cả thế giới con người, gia súc, gia cầm, nhưng các con phải biết bảo vệ rừng…”.
Nghe xong lời dạy của Thần Rừng, dân bản cúi lạy các gốc cây lớn, và thề trước Thần Rừng. Lời thề được thầy cúng đọc trước, dân bản đọc theo. Nội dung của lời thề giữ rừng đại để: Xin mời Thần Rừng, Thần Trời, Thần Đất về hưởng rượu, hưởng thịt và phù hộ cho đất nước mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Bà con 4 bản gồm Chàng Chảy, Pô Chuông, Na Vang, Cốc Mươi xin hứa với Thần Rừng sẽ giữ rừng thật tốt. Ai săn bắn, chặt cây trong rừng chính là xúc phạm đến Thần Rừng và sẽ bị trừng phạt…
Và cũng có một điều khá vui trong lời thề, đó là lời “mặc cả” với thần linh: “Dân bản kính trọng Thần Rừng, chăm sóc rừng tốt tươi thì Thần Rừng phải bảo hộ cho cuộc sống của bà con, cho đất tốt, cho nước đủ, không gây lũ, sấm sét không đánh chết người, lợn đẻ nhiều như lợn rừng, trâu nhiều như hươu nai, bò đông như dê núi…”.
Lời “nhắn nhủ” của Thần Rừng về mức độ trừng phạt cũng rất cụ thể. Nếu ai lấy củi khô, lấy một củ măng thì bị phạt 5kg thóc; chặt cây nhỏ bị phạt gà, cây to hơn phạt lợn, cây cổ thụ, bị phạt trâu. Bắn bất kỳ con thú nào cũng sẽ bị phạt lợn hoặc phạt một con trâu…
Thầy cúng sẽ làm lễ xin lỗi Thần Rừng và yêu cầu người xâm phạm rừng hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Khung hình phạt này không phải do nhân dân thỏa thuận đề ra, cũng không phải do thầy cúng đặt ra, mà trong bài cúng, trong phần lời thề với Thần Rừng từ ngàn đời nay nói thế và cứ theo khung hình phạt đó mà áp dụng.
Ngoài ra còn rất nhiều quy định nữa, như đi gần rừng cấm không được nói to, không nói bậy. Trâu, bò, các vật nuôi cũng không được bén mảng đến rừng cấm. Rừng cấm là nơi hoàn toàn sạch sẽ, linh thiêng. Người Nùng còn quan niệm, khi cha mẹ, ông bà, tổ tiên chết đi, linh hồn được Thần Rừng che chở và về ngự trên những cây đa.
Do đó, cúng rừng cũng chính là lễ cúng lớn nhất dành cho tổ tiên của mình. Nếu tổ tiên ngự ở gốc cây, thì làm sao con người dám xâm phạm. Người Nùng nơi đây tin rằng, cần phải giữ cho rừng cấm yên tĩnh tuyệt đối để tổ tiên cùng với thần linh bàn cách cứu vớt thế giới, giúp đỡ con người.
Thế mới biết, trình độ bảo vệ rừng của người Nùng quả cao siêu. Đã là rừng thì không thể xâm phạm bất cứ một thứ gì. Ở hầu hết các tỉnh, chính quyền cho phép khai thác, tận thu những cây gỗ chết, những cây đổ, hoặc khai thác 2% rừng mỗi năm, thế nhưng, hễ khu rừng nào cho khai thác kiểu đó là rừng sạch bách luôn.
Có lẽ cách giữ rừng của người Nùng là bài học lớn cho cả nước học tập. Khu rừng của họ không những linh thiêng với người bản địa mà với cả những bản khác, kể cả đám lâm tặc cũng phải kiêng nể, không dám lại gần, chứ đừng nói vào rừng xẻ gỗ.
Ông Lèng Văn Min, Phó Bí thư xã Pờ Ly Ngài bảo rằng, ở xã ông không cần kiểm lâm. Rừng tự nhiên còn mênh mông ở xã được giao hết cho bản quản lý, biến thành rừng cấm.
Cả những cây cổ thụ mọc giữa ruộng cũng là cây của rừng cấm, nên không ai dám động vào. Chỉ có rừng ở vùng thấp, rừng tái sinh giao cho các hộ gia đình quản lý thì mới được khai thác.
Rời khu rừng cấm âm u, huyền tịch, đầy những huyền thoại huyễn hoặc, chợt nghĩ, giá như ngành kiểm lâm nước ta tổ chức cuộc du khảo lên đây xem rừng cấm của đồng bào Nùng để rồi nhân rộng “mô hình” bảo vệ rừng ra cả nước, thì có lẽ bi kịch đổ máu kiểm lâm và máu rừng sẽ không còn nữa.
Phong tục cổ sơ của đồng bào Nùng nơi đây sẽ là lời giải chí lý cho phần nào bế tắc của những bộ óc lớn đang tốn nhiều tiền của, công sức mà vẫn chưa tìm ra cách cứu rừng!