Khi những cơm mưa phùn lất phất bay, tiết trời se lạnh, những cành đào, cành mận nở hoa khoe sắc đấy là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đang về.
Tết đến xuân về là đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh lại nô nức chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ. Khác với người dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Với người Tày cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình.
Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới và họ bắt đầu ăm tết từ ngày 28 tháng chạp âm lịch. Những ngày này trai gái trong bản lại khẩn trương trang trí lại nhà cửa, quét dọn sạch sẽ và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để cho gian nhà thêm mới mẻ và ấm cúng hơn. Bước sang ngày 29 người Tày bắt đầu làm thịt lợn và chế biến ra những món ăn như: giò, chả, thịt luộc, thịt nướng và lạp sườn..Nếu ngày này ai đó có dịp đến với vùng cao sẽ thấy nhà nào cũng treo những dây lạp sườn trong bếp trông thật hấp dẫn. Đến ngày 30 tết thì người Tày cất tất cả những đồ dùng trong nhà như: Dao, dựa, cày, bừa vào một nơi rồi làm lễ cúng để cho chúng nghi ngơi ăn Tết, vì theo đồng bào nơi đây những vật dụng đó đã gắn bó và theo người dân suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón tết.
Đêm giao thừa là dịp mà các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để trò chuyện, cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc biệt hơn ngày thường và chúc nhau những lời chúc năm mới hạnh phúc, thịnh vượng. Chuẩn bị đón tết còn là dịp cho trai, gái trong bản rủ nhau xuống chợ mua sắm cho mình những bộ quần áo mới nhất để đi chơi xuân. Ngày tết cũng là cơ hội để cho cả người già, trẻ em, thanh niên nam nữ kéo nhau đi xem các lễ hội vui xuân như: Tung còn, múa xòe và trao cho nhau những điệu hát Sli, hát lượn thật hay thật tình tứ.