ThienNhien.Net – Các chuyên gia môi trường và các nhà vận động nhân quyền đã không ít lần cảnh báo về tình trạng phát triển gôn ở các nước châu Á. Theo nghiên cứu của "Phong trào phản đối gôn toàn cầu" (GAG’M) việc xây dựng các sân gôn một cách thái quá đã huỷ hoại hệ sinh thái do nhu cầu tiêu thụ nước lớn và sử dụng hoá chất độc hại. Hậu quả là gây ra tình trạng sử dụng đất thiếu cân bằng, tước đi nguồn lợi tự nhiên vốn là kế sinh nhai của người dân địa phương và khiến người dân địa phương phải di dời khỏi quê hương của mình.
Hiện nay du lịch gôn đã trở thành mốt. Hãng du lịch của Mỹ, Remote Land, Inc, là công ty duy nhất của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ cho các chuyến du lịch đắt tiền và các cuộc du hành gôn tập trung vào châu Á. Quảng cáo gần đây của Remote Lands chào mời: “Du khách có thể chơi ở những sân gôn thú vị nhất châu Á trong khi vẫn thưởng thức những mối liên kết nội bộ mà chỉ ở Remote Lands mới có…Công ty đã liên kết những địa điểm được khách hàng yêu thích và trình độ chơi mong muốn với các sân gôn hoàn hảo, khu nghỉ mát hay biệt thự tư nhân để tạo ra những chuyến đi không thể quên “.
Sân gôn 54 lỗ ở hồ Yên Thắng – Ninh Bình. (Ảnh:Inconess) |
Với lượng du khách đánh gôn ngày càng tăng, các dự án khu du lịch gôn khổng lồ đang mọc lên như nấm, đặc biệt là ở những nước coi du lịch là 1 chiến lược phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, Công ty TNHH Vịnh Hạ Long – một liên doanh mới được thành lập đang lên kế hoạch cho 3 dự án không lồ: 1 khu liên hợp trị giá 400 – 500 triệu USD gồm 1 sân gôn quốc tế 36 lỗ, 1 câu lạc bộ gôn, 640 biệt thự, 350 biệt thự cao cấp, 25 biệt thự gần biển, 1 câu lạc bộ du thuyền quốc tế, 1 sân cho máy bay trực thăng và 1 khu vui chơi giải trí dưới nước cũng như mở rộng khu du lịch Tuần Châu trên đảo Tuần Châu tỉnh Quảng Ninh. Một dự án khác với diện tích 1000ha tại hồ Yên Trung, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cũng đang được tiến hành, với 6 sân liên hợp (108 lỗ), 1 bãi tập gôn, và 1 trung tâm du khách quốc tế, 1 câu lạc bộ gôn, 2000 – 2500 biệt thự cao cấp.
Theo AFP, Việt Nam và Cam-pu-chia cũng đã khởi công xây dựng một khu du lịch gôn tổng hợp xuyên quốc gia. Đây là sân gôn xuyên quốc gia đầu tiên ở châu Á. Dự án này trị giá 100 triệu USD, do công ty CVI của Ma-lai-xi-a đầu tư. Ông Cheang Am, tỉnh trưởng tỉnh Xờ-vay-riêng, Cam-pu-chia cho biết “Mục đích của dự án là nhằm thu hút khách du lịch đến vùng này. Ngoài ra, đây là một khu vực phát triển kinh tế lớn nên chúng tôi cũng muốn các nhà đâu tư đến đây”
Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, công trình xây dựng của một sân gôn ở Ăng-co-vát đã bị đình chỉ. Các nhà chức trách Áp-sa-ra, thuộc tỉnh Xiêm-riệp, Cam-pu-chia đã yêu cầu 1 công ty Hàn Quốc chưa xác định được danh tính phải ngừng công việc lại với lý do đây là công trình xây dựng trái phép bên trong khu di tích Ăng-co. Tân Hoa Xã đã dẫn lời Phó giám đốc Áp-sa-ra, ông Dom Hak cho biết, công ty này đã bắt đầu xây 1 sân gôn trên vùng đất gần Western Baray, 1 hồ chứa lớn nằm ở phía Tây của đền Ăng-co-vát và Ăng-co-thom và được coi là 1 phần trong khu đền này.
Sân gôn và du lịch gôn là một phần trong gói quy hoạch phát triển, thường bao gồm các cơ sở hạ tầng quy mô lớn, khu du lịch lớn, nhà nghỉ cao cấp, trang thiết bị giải trí và khu kinh tế hướng xuất khẩu. Nhưng đã có bao nhiêu bãi biển và khu rừng nguyên sơ bị phá huỷ, bao nhiêu nông dân địa phương, những người dân chài và dân nghèo trong các khu đô thị bị tước đi nguồn sống, để trải đường cho các khu liện hợp sân gôn chỉ nhằm phục vụ thú vui của những người giàu có quyền thế trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài? Vì vậy, rất cần thiết ngăn chặn sự phát triển của du lịch sân gôn cho đến khi các chính phủ chấp thuận tiến hành xem xét một cách nghiêm túc vấn đề du lịch gôn trên phương diện xã hội, môi trường công cộng để đánh giá và có giải pháp hiệu quả trước các tác động tiêu cực của những dự án này.