Ở miền đất nghèo khó xã Thanh Thủy, (Thanh Chương – Nghệ An) Trần Công Quý ấp ủ giấc mơ mà dân thổ địa không thể ngờ: đưa rễ hương rừng xuất khẩu…
Tìm núi lập nghiệp
Quý ôm tấm bằng trung cấp thú y loại khá lên núi, nhiều người nghĩ anh sẽ xin làm chân “y sĩ thú y” cho xã. Vùng núi hoang vu này có cái nghề vậy cũng ổn rồi. Kiếm đồng tiền nơi xứ này khó lắm. Quý lại có ý nghĩ khác. Miền đất ngổn ngang trơ đá này đang chứa nhiều tiềm năng, làm giàu không quá khó.
Tổng đội cho Quý nhận gần 4 ha đất đồi hoang lập trang trại. Đó là khoảnh rừng um tùm cây dại, đất đá lổn nhổn. Ngày đầu cầm cái cuốc trên tay, lưỡi cuốc chạm đất nảy ngược, Quý phát nản. Đất cằn quá! Nguồn nước tưới cũng ở quá xa. Ngày vỡ đất, đêm trằn trọc, rồi Quý nghiến răng lấy quyết tâm “đã nghĩ được thì làm được”. Ròng rã gần một năm trời vật lộn với khoảnh rừng, Quý cũng xới được đất, cắm vào đó những cây ăn quả và cây công nghiệp. Đất cằn, nhưng bù lại cây không phụ lòng người. Hai hec-ta rừng dần phủ màu xanh của cam, bưởi, hồ tiêu, cau, để “làm vốn”. Nửa phần đất còn lại Quý để trống.
Nhìn cây rễ hương khẳng khiu được Quý mò mẫm nhổ từ rừng về cắm xuống những cái hố đào sẵn trên phần đất trống, nhiều người không hiểu anh chàng thú y này định làm gì. Quý nói trồng lấy rễ, ít người tin là thành, vì làm sao nó sống được trên mảnh đất cằn này. Quý tìm tài liệu để đọc, dần dần anh cũng mò ra được “khẩu vị” và hiểu dần “tâm tính” của loài cây này. Rễ của cây hương rừng làm nhang thắp rất thơm.
Vạt rễ hương cắm xuống vài tháng sau bén rễ rất nhanh. Cây bắt đầu đơm lá, trông “rất khả quan”, Quý tiếp tục vào rừng tìm giống. Mấy tháng sau, vạt rừng phủ kín cây rễ hương.
“Mùi hương thơm ngát ngày Tết khiến cho tôi chợt nghĩ đến một nghề: Nghề trồng cây rễ hương. Ở đây, cứ mỗi độ giáp Tết, người dân kéo nhau vào rừng tìm rễ hương, làm hương đem bán. Hương vùng này thơm nức tiếng, khó nơi nào địch nổi. Tôi chợt nghĩ tại sao mình lại không nhân giống thật nhiều, đem đi các thành phố lớn mà bán? Tôi trằn trọc mấy ngày liền, rồi thấy dự án mình vạch ra cũng có cơ sở và quyết tâm làm” – Quý kể về cơ duyên đến với cây rễ hương và “dự án đời người” mà anh đang làm.
Hơn một năm sau, Quý bắt đầu khai thác rễ hương. 2ha cây rễ hương cho anh gần 1,2 tấn rễ khô, bán được hơn 40 triệu đồng. Quý mừng như vớ được vàng. Mọi người lúc này cũng ngớ ra rằng cái cây còi cọc ấy té ra hái ra tiền khỏe re.
Xuất khẩu rễ hương
Quý mang ba lô lội ra Bắc, vào Nam tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Các đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM hứa hẹn sẽ mua với điều kiện sản phẩm như họ yêu cầu. Quý an tâm trở về thông báo với bà con rồi chia sẻ kỹ thuật trồng và nhân giống cho hàng chục hộ dân ở Tổng đội TNXP. Quý nộp hồ sơ đăng ký học trường ĐH Nông lâm Huế, hệ từ xa, để thêm kiến thức.
Diện tích cây rễ hương ngày càng lan rộng ra. Không chỉ ở Tổng đội TNXP 5, cây rễ hương đã được trồng ở các khoảnh vườn, rừng ở xã Thanh Nho quê anh. Sau 5 năm, ở tổng đội này có trên 250ha, cho mỗi vụ thu hoạch (1 năm) gần 300 tấn rễ khô. Năm 2006, Quý dò dẫm và tìm ra các đối tác ở Đài Loan, Trung Quốc rồi kết nối với đầu mối này. Đây là thị trường lớn, có nhu cầu rất cao về loại rễ hương rừng. Trong năm đó, Quý đã thu mua, sơ chế thô cho xuất được gần 500 tấn sang hai nước này.
Rễ hương thô xuất khẩu ra nước ngoài được giá, nhưng vẫn thiệt nhiều. Quý tính đến chuyện chế biến và rủ được 3 người bạn cùng hùn vốn làm. Đầu năm nay, cả bốn người góp hơn 600 triệu đồng thành lập công ty TNHH mang tên “Công ty TNHH Giống cây trồng và chế biến rễ hương rừng” do anh làm giám đốc.
Anh cũng tính sẽ thêm khoảng 2.000ha cây rễ hương mới có thể đáp ứng đủ cho nhà máy hoạt động và đang ngược xuôi các huyện khác trong tỉnh để khuyến khích dân trồng loại cây này với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
“Mỗi năm phải có trên 3.000 tấn rễ hương thành phẩm xuất khẩu tôi mới yên tâm được. Chúng tôi dự tính khi nhà máy hoạt động, với sản lượng trên, sẽ mở rộng thêm thị trường sang các nước khác có nét văn hóa tương đồng, sử dụng nhiều sản phẩm này” – Quý dự tính.
Gia đình có 8 anh em. Đứa nào học xong cấp 3 muốn đi học tiếp thì bố mẹ gắng để tìm cách chu cấp. Đứa nào muốn lao vào kinh doanh, sản xuất thì chỉ có 2 triệu đồng để làm vốn. Thành, bại, sướng, khổ tự mình hưởng lấy. Đó là “phương châm” của gia đình Quý. 2 triệu đồng từ khi học xong trung cấp được trang bị cho Quý nay đã được nhân lên rất nhiều chục lần. Nhưng tài sản của chàng trai 34 tuổi chưa lập gia đình này lại là một dự án đầy khả thi hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho hàng ngàn hộ nông dân khác.