Quảng Nam: “Dạo chơi” tại các khu tái định cư

ThienNhien.Net – Trong những ngày lang thang tại các khu tái định cư (TĐC) thuỷ điện Quảng Nam, chúng tôi đã được chứng kiến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao “đương đầu” với cuộc sống mới. Mọi xáo trộn diễn ra ồ ạt, không hề phủ nhận những yếu tố tích cực mà các khu TĐC đem lại cho người dân, song bên cạnh đó còn rất nhiều điều khiến chúng ta trăn trở và suy nghĩ.

  QuangNam
Nắng cháy 390C- 400C một ngày cuối tháng 12/2007 tại vùng cao Bắc Trà My, những em bé người dân tộc Cơ Tu “đội nắng” một quãng đường dài mấy cây số về nhà sau buổi tan trường.
QuangNam
Già Hồ Văn Dẹo – người dân Cơ Tu lớn tuổi nhất mà chúng tôi gặp trong suốt chuyến đi. Hình ảnh của Già khiến người ta dễ liên tưởng tới cuộc sống nguyên thủy của người Cơ Tu xưa kia. Chúng tôi bất giác chạnh lòng nghĩ về công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 đang dang dở và những khu nhà TĐC còn tươi mới.
 QuangNam
Những công trình thuỷ điện mới mọc lên, dân nhường đất gắn bó bao đời nay, di dời đến nơi ở mới – những khu TĐC tập trung hoặc xen kẽ. Những ngôi nhà mới khang trang, có vẻ chắc chắn hơn…
  QuangNam
Người dân chuyển về nhà TĐC mới, dùng tiền đền bù mua sắm vật dụng trong gia đình. Niềm vui được xem truyền hình thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Hồ Văn Nuôi, một người dân mới chuyển đến ở. Đó sẽ là món ăn cải thiện tinh thần cho đồng bào – những người vốn sống trong thâm cùng của núi rừng.
  QuangNam
Nhưng dường như có gì đó vẫn thấp thoáng trăn trở trong họ, có nhà mới, có nhiều đồ sắm sửa, có cả xe máy mà sao Mế buồn vậy? Tựa cột nhìn xa xăm, Mế mong đợi điều chi?
 
QuangNam
Đi qua đến 3 khu TĐC, chúng tôi đều bắt gặp cảnh người dân dựng thêm nhà sàn cũ bên cạnh nhà TĐC mới.
  QuangNam
Ngôi nhà cũ quen thuộc của đồng bào, có bếp lửa sưởi ấm, có văn hoá riêng đặc trưng của vùng miền. Mọi sinh hoạt của họ đều được diễn ra bên cạnh bếp lửa. 
  Quang Nam
Những lý giải mà chúng ta chưa thể trả lời hay không muốn trả lời: Vì sao đồng bào các dân tộc thiểu số tại các khu TĐC không mặn mà với nhà mới, với cuộc sống mới? Ngay cả đến lễ cúng Lúa Mới, họ đều cúng trên ngôi nhà sàn tạm bợ được chuyển về gần nhà TĐC.
  Quang Nam
Nhiều gia đình chúng tôi ghé thăm, bà con dùng nhà mới làm nơi chứa đồ đạc.
  Quang Nam
Đứa trẻ hồn nhiên cười khi nhìn thấy chúng tôi chụp ảnh. Em không biết được rằng mẹ mình đang cố gắng hết sức để nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Kinh: “Nhà mới không có cái bếp lửa nên không ưng cái bụng lắm”.
  Quang Nam
Khi tiến hành xây dựng các khu nhà TĐC mới, nhà nước, chính quyền điạ phương và nhà thầu cùng các bên liên quan cũng đã gắng sức, quan tâm đến đời sống của đồng bào, cũng có nhà Gươl để sinh hoạt văn hoá tập thể, tổ chức lễ hội…nhưng dường như chừng ấy chưa đủ, những nghiên cứu, thiết kế nhà TĐC phù hợp bản sắc văn hóa của đồng bào còn ít được quan tâm.
  Quang Nam
Những khu TĐC tập trung mới chẳng khác nào những “phố thị” ở miền sơn cước, nhà của san sát cách nhau được chừng mấy mét, không vườn tược, đất nương rẫy xấu, điện nước thiếu…mọi thứ như “thách thức” những người dân tộc thiểu số lần đầu tiên “xuống phố”? Bởi xưa, họ sống trong một không gian thoáng đạt có vườn đồi, nương rộng, một không gian được bao trùm bởi núi rừng với những sinh hoạt bản làng.
  Quang Nam
Tại những khu TĐC mới này, người dân vẫn sống dựa vào trợ cấp của nhà nước và hầu như chưa có lối ra về nghề nghiệp ổn định. Dựa vào số gạo trợ cấp hàng tháng, người dân tại khu TĐC PachePlanh thuộc xã Macooih, huyện Đông Giang (TĐC công trình thuỷ điện A Vương) dùng nó như một thứ hàng hoá trao đổi mì chính, bột giặt, dầu ăn, đặc biệt là rượu…còn trẻ con dùng gạo để đổi kẹo.
  Quang Nam
Trong những ngày lang thang tại các khu TĐC, có một điều làm chúng tôi rất khó hiểu: Đàn ông gần như vắng bóng, chỉ thấy phần đa là phụ nữ và trẻ em. Khi được hỏi đàn ông đi đâu thì câu trả lời luôn nhận được: “Lên rẫy rồi”. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, những ngày mưa này, nương rẫy đều vắng người, thế họ đi đâu?
  Quang Nam
Em bé người dân tộc Dẻ Chiêng có vẻ rất bức bối với cuộc sống ở nơi này, “phố thị” tù túng trong một không gian chật hẹp, em nhớ cuộc sống xưa kia hay em đang mong mỏi điều chi nữa?
  Quang Nam
Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi là căn nhà Gươl của đồng bào Giẻ Chiêng tại khu TĐC Nước Lang. Không phải vì kiến trúc ngôi nhà níu kéo chúng tôi lại mà vì trời mưa, cả đoàn trú mưa trong ngôi nhà Gươl mới trống hơ, trống hoác. Một bầu không khí ảm buồn bao phủ toàn bộ khu TĐC, có cái gì đó khó nói trong tâm tưởng mỗi người. Buôn làng chuyển về nơi ở mới với bao khó khăn bộn bề, xáo trộn trong cuộc sống, đặc biệt là về sinh kế và tập quán. Hỗ trợ nhà, hỗ trợ tiền thôi chưa đủ. Hẳn địa phương và những “nhà” có liên quan còn rất nhiều việc cần phải làm để những chủ trương, chính sách của nhà nước thực sự mang lại lợi ích cho người dân.

Ảnh chụp tại các khu TĐC Trà Đốc (công trình thuỷ điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My), PachePlanh (công trình thuỷ điện A Vương, xã Macooih, huyện Đông Giang), Nước Lang (công trình thuỷ điện Đắc My 4. xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) tại Quảng Nam những ngày cuối tháng 12/2007. Đồng bào dân tộc mà chúng tôi được tiếp xúc là người Ca Dong, Cơ Tu và Giẻ Chiêng.