Ngày 24/01, sản phẩm rau an toàn của xã viên HTX Rau an toàn Phước Hải (Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu) bắt đầu đến các siêu thị ở các thành phố lớn và hoạt động mạng điện tử.
Sản phẩm rau an toàn của xã viên HTX Rau an toàn Phước Hải được đóng gói bao bì, nhãn hiệu có hồ sơ xuất xứ, có mã vạch đăng ký tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đóng trên bao bì sản phẩm RAT (Rau an toàn).
Để tìm lối ra cho nông dân vùng rau chuyên canh, nữ Tiến sĩ khoa học Ngô Kiều Oanh – Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã phải mất 10 năm lội ruộng, đi khắp các tỉnh, các thành phố lớn cả nước để thuyết phục những nhà quản lý công nghệ cùng hợp tác triển khai thực hiện dự án quản lý hệ thống tin điện tử quản lý, kiểm soát, quảng bá thương hiệu RAT.
Hệ thống được cấu trúc bằng một phần mềm cơ sở dữ liệu chứa đựng cả một kho thông tin về từng hộ nông dân, diện tích canh tác từng loại rau, độ tuổi cây rau, chăm bón bằng loại thuốc trừ sâu, phân bón gì…
Phần mềm GIS gồm các bản đồ số cấp giải thửa của các hộ sản xuất RAT là một công cụ quản lý dữ liệu đặc biệt rất thích hợp cho quá trình kiểm soát một cách chặt chẽ các tố độc hại.
Phần mềm web dành cho quá trình quảng bá, tạo các diễn đàn giữa nhà khoa học, bảo vệ thực vật, khuyến nông với nông dân trồng rau; dành trao đổi, hỏi đáp và giao lưu trực tuyến thay cho những hội thảo, những biện pháp tuyên truyền.
Thạc sĩ CNTT Nguyễn Thủy, một người trong nhóm chuyên gia, kỹ sư thực hiện chương trình RAT do Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh làm chủ đề tài cho biết: Đây là phần mềm tiện ích và chi tiết nhất trong quản lý RAT đến từng khâu nhỏ nhất của qui trình sản xuất và quảng bá tiếp thị.
Chỉ cần một máy chủ đặt tại nhà chủ nhiệm HTX để thường xuyên cập nhật dữ liệu từ Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông, Sở Khoa học Công nghệ, từng hộ xã viên…
Vui mừng vì đề tài ứng dụng thí điểm thành công, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh – GĐ Chương trình thông tin an toàn hoá chất Viện KHCN chia sẻ: “Tôi sống trong môi trường nghiên cứu khoa học từ nhỏ là do ảnh hưởng từ ba tôi – Cụ Ngô Tấn Nhơn – Bộ trưởng Kinh tế, Bộ Canh Nông đầu tiên của Chính phủ nước VNDCCH năm 1946-1955.
Bao nhiêu năm nghiên cứu khoa học, tôi vẫn thường trăn trở và canh cánh một nỗi niềm là làm sao giúp cho những người nông dân tay lấm, chân bùn có cuộc sống khá lên. Người trồng rau kinh tế cao hơn thì sản phẩm họ làm ra càng bảo đảm an toàn cho chính chúng ta thụ hưởng. Tôi nghĩ không phải chỉ liên kết 4 nhà, mà là 5 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Hai năm trước, lội ruộng đi khắp cánh đồng rau của Tân Hải, bà tiến sĩ cùng các cộng sự đến từng nhà dân cùng với Ban Chủ nhiệm HTX, Hội nông dân vận động, giải thích cho bà con hiểu được lợi ích khi tham gia HTX RAT. Bà trở thành người dân vùng rau tự bao giờ không biết. Áo bà ba, chân thoăn thoắt lội ruộng triền miên mặc cho căn nhà ở Hà Nội trống vắng thường xuyên.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ nhiệm HTX RAT cho biết thêm: Hiện có 98 hộ xã viên tham gia HTX RAT Phước Hải. Từ 24/01, rau an toàn Phước Hải sẽ được đưa lên mạng, vào các siêu thị lớn phục vụ Tết cho nhân dân. Hiện có 3 hợp đồng cung cấp cho siêu thị Coop Mart 3 tấn/ngày, Công ty An Việt 2 tấn/ngày và suất ăn công nghiệp 200 kg/ngày.
Ông Phạm Văn Huấn- Chủ tịch Hội nông dân Tân Hải phấn khởi dẫn khách tham quan khắp vùng rau xanh đủ các loại mướt cả mắt. Theo ông, trước đây Tân Hải chỉ có 75ha trồng rau, năng suất dưới 15 tấn/ha, giá cả rất bấp bênh.
Nay đã có 445 hộ trồng với diện tích 122,50ha, cho năng suất trên 18 tấn/ha. HTX rau Phước Hải trở thành mô hình tiêu biểu của tỉnh là nhờ tiến sĩ Oanh. 34 loại rau ăn lá của HTX RAT Phước Hải, cùng với tên tuổi người trồng, số diện tích, hoá chất sử dụng, tiến độ sinh trưởng…đã lên mạng, người nông dân sản xuất rau và người tiêu dùng có thể tìm gặp nhau trên mạng điện tử.