Mỗi năm, sau ngày cúng ông Táo, chợ ở các làng quê đông vui, nhộn nhịp hơn. Người mua, kẻ bán chen chúc, trăm ngả đường làng đều đổ về phiên chợ tết.
Tết quê đến sớm hơn và cảnh sắc đông vui khiến ai cũng dễ cảm thấy xao xuyến hơn chốn thị thành. Cứ sau ngày 23 tháng Chạp, chợ nào ở quê cũng xứng đáng được gọi là chợ Tết. Từ mọi nẻo đường, các bà, các chị, các cô tay thúng, tay nón hối hả đến những phiên chợ. Chủ sạp bày biện nhiều loại hàng hoá màu sắc rực rỡ để chào mời. Người người họp chợ, chợ “tràn” ra ngoài đường, “tràn” cả xuống bến sông.
Ở quê có 2 loại chợ: chợ phiên và hằng ngày. Chợ phiên vào những ngày áp Tết đông nghẹt người, mua được một làn hoa trái, thức ăn ra khỏi chợ đến toát mồ hôi.
Các bà, các cô ai cũng xách nặng trĩu tay; nhiều cụ già lọm khọm chống gậy ngắm nghía từng gian hàng. Các cụ ông thường tìm mua đôi liễn mới, vài câu đối Tết, một gói trà ướp hương sen thơm mát. Thanh niên nam nữ thì hớn hở chen vai vào các sạp hàng để ngắm cho thoả thích. Nhiều cô kín đáo tìm mua cho được chiếc gương soi, chai dầu gội. Trẻ con thì thích mua tò he, trống rung đủ màu sắc sặc sỡ hay vài chú gà đất thổi kêu tí toe vang cả chợ.
Bức tranh chợ quê ngày Tết. (Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc). |
Chợ Tết còn khác với chợ ngày thường là có thêm các hàng bánh trái, hàng bán lá dong, lá chuối. Kế đến là hàng gà, vịt nằm ngổn ngang. Hàng bánh mứt đa dạng và phong phú với bánh cốm, bánh su sê, bánh gai cho đến bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng (bánh đa) … Hàng cá có sự “góp mặt” của cá sông, cá đồng, cá biển… Ngày Tết, món hàng nào trông cũng ngon lành, mới mẻ, tươi tắn; vì thế, ai mua được món hàng vừa ý dù giá có đắt hơn ngày thường cũng đều thấy vui vẻ.
Chợ Tết cũng hội đủ các loại hoa quả. Những buồng cau trĩu quả, những giỏ cam, quýt chen lẫn dưa hấu xanh tươi nằm lăn lóc. Nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ cũng được chủ vườn mang ra chợ bán. Khách xem hàng này chủ yếu là những người đứng tuổi. Ai cũng tâm đắc ngắm nghía, bình phẩm từng dáng cây, màu hoa… Chợ có thêm sắc màu với những nải chuối xanh “bụ bẫm”, những quả gấc đỏ tươi, phật thủ vàng, xanh xoè tay chào mời… Sinh động và cuốn hút vô cùng.
Rồi đến hàng rượu san sát những hũ rượu nếp, rượu gạo, rượu thuốc, chen lẫn rượu “tân thời” như táo, mận, chanh… Nơi tụ tập đông đúc nhất bao giờ cũng là hàng quần áo. Đủ loại quần áo, mới có, cũ có, xếp thành từng đống trên tấm bạt nhựa bày ra giữa chợ. Các cô, các bà thường bỏ cả buổi chọn lựa cho con, cháu những bộ quần áo mặc Tết. Mặc người lớn lo toan, trẻ con đứng quây quần đưa tay chỉ trỏ đầy thích thú!
Hàng hoa là nơi thể hiện đậm nhất nét văn hoá làng quê. Những bông hoa rực rỡ, không sang trọng như hoa thành phố mà có nét quê mùa, dung dị. Người ta đi chợ Tết không nhất thiết là đi mua hàng, mà còn để đi chơi, ngắm, tìm hiểu giá cả… Chợ Tết làng quê được coi là hội chợ của bà con nông dân. Nhịp sống hối hả cuốn đi nhiều thứ, nhưng những phiên chợ này sẽ còn mãi, chừng nào khát vọng no ấm, thanh bình còn trong tim những con người chân chất, thật thà nơi làng quê bình yên…