Biến chất thải thành tiền! TP.HCM vừa thông qua điều lệ hoạt động Quỹ Tái chế chất thải TP. Quỹ cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để hiện đại hóa và phát triển việc tái chế chất thải. TS Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP đã có cuộc trao đổi ngắn về hoạt động của quỹ.
Thưa ông, sau hơn 1 năm chuẩn bị, TP.HCM mới cho ra đời và đưa vào hoạt động được Quỹ Tái chế chất thải TP. Quỹ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế như thế nào để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải ở TP.HCM, nơi mỗi ngày thải ra khoảng hơn 6.000 tấn rác?
Quỹ Tái chế chất thải hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ có mục tiêu khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động giảm phát sinh chất thải. Đặc biệt, Quỹ này nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng và tái chế để giảm lượng chất thải vào môi trường.
Quỹ Tái chế chất thải thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là Quỹ Tái chế, tên giao dịch quốc tế: Ho Chi Minh City Waste Recycling Fund, viết tắt là REFU với mục đích cho vay vốn để thực hiện các chương trình, đề án, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Ngày 24/01/2008, Quỹ mới có điều lệ hoạt động. Thông qua Quỹ này, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế có thể tìm thấy được thêm một nguồn vốn vay. Mặt khác, đây cũng là một cách kết nối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường…
Quỹ có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế vay với lãi suất ưu đãi, nhưng có thế chấp tài sản đối với cơ sở SX-KD dùng nguồn vốn tư nhân. Các chương trình, dự án có giá trị lớn hơn 200 triệu đồng và quyết định mức vốn cho vay đối với các chương trình, dự án có giá trị lớn hơn 2 tỷ đồng theo đề xuất của giám đốc quỹ. Số vốn vay không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của quỹ. Dự án có mức vay trên 15% vốn chủ sở hữu của quỹ do UBND TP quyết định. Thời hạn cho vay tối đa 7 năm.
Quỹ cho vay với các hoạt động tái chế như: tái chế nhựa, tái chế dầu phế thải thành biodiesel, tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế rác xây dựng, tái chế rác thực phẩm, bao bì, chai PET…
TS Lê Văn Khoa: “Sử dụng túi vải nhiều lần hoặc bao nilon tự hủy là có ý thức trách nhiệm môi trường”. |
Để đưa được Quỹ Tái chế chất thải TP đi vào hoạt động, TP phải mất hơn cả năm trời chuẩn bị… Vì sao có sự khó khăn này?
Khó khăn trước hết, vì chưa có vốn điều lệ nên khi có doanh nghiệp vay vốn thì Quỹ Tái chế phải giới thiệu qua Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị. Trong khi đó Quỹ đặt ra nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực tái chế.
Ngoài ra, vì khó khăn về kinh phí khiến hoạt động Quỹ chưa phát huy hết tác dụng, có khi, để hoạt động nghiên cứu, Quỹ cũng phải đi vay vốn.
Hiện nay, với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, đã không còn khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng chúng ta vẫn chưa có luật về tái chế chất thải. Vẫn dựa vào khuyến khích, kêu gọi ý thức người dân, doanh nghiệp… nên hiệu quả vẫn chưa cao. Chúng tôi đang hướng tới xây dựng “Ngày tái chế” (Waste Recycling Day), nhằm nâng cao ý thức của người dân, đồng thời sẽ nghiên cứu kỹ hơn nhằm góp ý kiến xây dựng điều luật tái chế, đó là việc cần thiết trong lúc này. Ngày tái chế sẽ diễn ra hằng năm, vào Chủ nhật đầu tiên của tháng tư, bắt đầu từ năm 2008.
Trong thời gian qua, rác ở TP.HCM được chôn lấp là chủ yếu. Và, đã xảy ra một số sự cố như bốc mùi hôi thối hay, ô nhiễm từ nước rỉ rác… Tái chế rác có phải là biện pháp mới góp phần vào việc xử lý rác ở TP?
Theo số liệu dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải bình quân ở TP.HCM có thể tăng từ 0,61kg/người/ngày năm 1996 lên hơn 1kg/người ngày đến năm 2010, nghĩa là tăng thêm khoảng 40% trong vòng 15 năm. Lượng rác thải đô thị có thể lên đến 9.000 tấn/ngày.
Lượng chất thải trên hầu hết được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác. Tuy nhiên, lượng rác thải ngày càng lớn dẫn tới nhiều lo ngại về sức chứa các bãi rác này.
Vì thế, việc tái chế sẽ giảm một phần lớn diện tích bãi rác, giải quyết vấn đề lo ngại trên và giảm bớt ô nhiễm. Ngoài ra, còn nâng cao hiệu quả kinh tế hiện còn rất thấp trong việc sử dụng vật liệu tái chế.
Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia tái chế rác một cách tự phát và bị nhiều điều tiếng, kêu ca. Việc ra đời của Quỹ có góp phần tích cực hơn giải quyết vấn đề này hay không?
Vì những cơ sở tái chế hoạt động tự phát, họ chưa ý thức gìn giữ môi trường nhiều mà vì lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, trang bị, đầu tư máy móc kỹ thuật chưa cao nên môi trường ở các khu dân cư có doanh nghiệp tái chế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới nhiều bức xúc, kêu ca.
Mới đây, một khảo sát về các vấn đề môi trường ở các cơ sở tái chế nhựa cho thấy, có đến 97% cơ sở trong tổng số 473 cơ sở tái chế không có cán bộ chuyên trách về môi trường. Chỉ có 13,4% số cơ sở đóng phí về môi trường, trong khi các cơ sở tái chế nhựa luôn thải một lượng khí thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Quỹ Tái chế không chỉ giúp hỗ trợ cho vay vốn để nâng cao điều kiện máy móc trang thiết bị, Quỹ còn xây dựng những nghiên cứu, vấn đề xung quanh việc tái chế, giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về vấn đề này. Bởi thế, trong tương lai, sự kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp tư nhân với Quỹ Tái chế có thể góp phần giải quyết những vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!