Bí mật rừng cấm ở Pờ Ly Ngài (Kỳ 1)

Trong những ngày đất nước oằn mình với bão lũ, lang thang giữa những cánh rừng miền biên viễn và được nghe những con người sống với rừng dạy rằng: "Tại người cả đấy!". Rồi họ dẫn vào khu rừng cấm, nơi thể hiện triết lý được rút ra từ cơn đại hồng thủy thuở hồng hoang. Ở đấy, người ta tôn rừng làm thần, trong khi, xã hội văn minh lại cứ giết rừng chết dần, chết mòn.

Sau 6 năm, trở lại xã Pờ Ly Ngài, Hoàng Su Phì, Hà Giang, xã có 100% người Nùng. Núi vẫn cao, mây vẫn mù và đại ngàn vẫn hoang thẳm. Chỉ khác là không phải cuốc bộ suốt 23km đường rừng như 6 năm trước nữa. Một con đường dân sinh đã được mở, đủ cho xe máy chạy, dù vẫn lổn nhổn đá hộc và dốc dựng đứng như chực kéo tuột cả người và xe xuống thung lũng.

Trụ sở xã Pờ Ly Ngài vẫn là ngôi nhà tường đất dày gần 1m, làm từ năm 1975. Phó bí thư xã Lèng Văn Min bảo, cả tháng có khi mới có khách vào, nên gặp ai là nhớ mặt cả đời.

Đứng ở trung tâm xã, trông cánh rừng thăm thẳm lẫn trong mây mù, trùm kín đỉnh Đản Kháo với bao huyền bí mà thèm. Không biết trong cánh rừng cấm với ngôi chùa thiêng có cái gì mà các cán bộ xã đều sợ đến vậy.

Phó bí thư Lèng Văn Min vẫn sợ rừng cấm như ngày xưa. Anh gọi hết lượt cán bộ đến và giao nhiệm vụ dẫn khách, nhưng ai cũng chối, người sợ thần quở, người sợ đồng bào phạt trâu, lợn, người sợ hổ báo, rắn rết, người lại sợ… ma!

Đang lúc chán nản, thì Xã đội trưởng Vàng Sải Phin xung phong nhận trách nhiệm. Ông Vàng Sải Phin từng đi bộ đội. Dáng người nhỏ, nhưng rắn rỏi, cương nghị. Ông là người duy nhất không sợ “ma”.

Tuy nhiên, để vào được rừng cấm phải được phép của thầy cúng trông chùa thiêng và cai quản rừng cấm. Bởi trong tín ngưỡng của người Nùng, rừng cấm là nơi trú ngụ của các vị thần, còn thầy cúng chính là cầu nối, người phiên dịch cho thần và người.

Vì vậy, phải nhờ thầy cúng hỏi Thần Rừng và được phép của Thần Rừng mới có thể vào rừng cấm được. Vậy là sau một hồi cuốc bộ chừng 2 giờ đồng hồ thì đến nhà thầy cúng Lù Vần Xẻng. Nhà ông nằm trên sườn đỉnh Đản Kháo, đỉnh núi cao hơn 2 ngàn mét của dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ.

Ông Xẻng, năm nay 66 tuổi, lúc nào cũng đội mũ nồi và đeo chiếc đồng hồ đỏ chót. Ông không nói được tiếng phổ thông, nên phải nhờ Xã đội trưởng Vàng Sải Phin phiên dịch. Sau khi trình bày kỹ lưỡng, thầy cúng Xẻng mới đồng ý cho đi xem chùa thiêng và rừng cấm.

Ông rót rượu đầy chai, khói hương nghi ngút trên bàn thờ, rồi khấn Thần Rừng chứng giám, cho vị khách lạ được vào rừng cấm. Cúng bái xong, ông quay ra bảo, Thần Rừng cho phép vào, nhưng không được vào chùa. Và tất cả lên đường…

Con đường cuốc bộ cheo leo trên sườn đỉnh Đản Kháo rêu phong mờ dấu chân người. Mỗi năm chỉ có hai lần dân bản thầm lặng đi bộ vào lõi rừng thiêng để cúng bái, khẳng định lời thề giữ rừng, còn lại, quanh năm suốt tháng, không có ai dám bước chân vào khu rừng cấm này để nghiên cứu.

Kể cả các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa một lần lạc bước vào đây, đó là lời khẳng định của thầy cúng Xẻng và các cán bộ văn hóa của huyện Hoàng Su Phì.

Không hiểu họ sợ những câu chuyện kinh thiên động địa từ lời kể của đồng bào rằng, có những người chết bất đắc kỳ tử khi bẻ một nhành cây, đào một củ măng, trót tè bậy giữa rừng, hay họ vô tình bỏ quên một nét văn hóa cực kỳ đặc sắc của đồng bào Nùng nơi đây?

Trước khi vào khu rừng cấm với bao câu chuyện đồn đại về các vị thần Thiện – Ác, trú ngụ trong những thân cây ngàn năm tuổi và nghe người dân ở đây kể về những cái chết kỳ lạ. Nào là anh thanh niên tên Pao đi làm cán bộ ở xa về, ra oai với dân bản, vỗ ngực xông vào rừng thách Thần Rừng vật chết. 3 tiếng sau, anh ta lên cơn điên, trèo lên đỉnh núi và phi thân xuống thung lũng, chết tan xương nát thịt.

Bà Cháy ở bản Hô Sán tham mấy củ măng to, lén vào rừng cấm đào về, rồi suốt 20 năm, bệnh điên của bà không khỏi. Bà đi lang thang trong rừng, chết ở đâu không ai biết.

Có một nhân chứng sống về việc xúc phạm đến sự linh thiêng mà người Nùng khắp xã Pờ Ly Ngài còn kể, đó là chuyện ông Nùng Seo Sấn và đàn con mắc chứng câm điếc. Dân ở đây kể rằng, ông Sấn có vợ, lại quan hệ bất chính với bà Rích. Hai người chui vào rừng cấm… làm uế tạp cây cối, thế là tai họa.

Sau khi ông Sấn bỏ vợ, bà Rích bỏ chồng đến với nhau, ông Sấn đột nhiên cấm khẩu đến giờ. 8 người con ông sinh ra thì 7 bị câm điếc. Ông sám hối với rừng bằng cách, 10 năm nay, ông sống một mình trong túp lều trên đỉnh Đản Kháo. Ông thả gà, chăn dê, rồi ngày ngày vái lạy Thần Rừng tha tội.

Sự ăn năn của ông đã hiệu nghiệm. Cậu con út Nùng Seo Long 7 tuổi của ông biết nói, biết nghe và đứa cháu nội của ông cũng không phải gánh tội xúc phạm Thần Rừng của cha mẹ, ông bà nó nữa.

Rồi chuyện nhà chị Lèng Già Cheng cũng vậy. Chỉ vì bắn con nai trong rừng cấm mà chồng chị chết bất đắc kỳ tử. Hai đứa con cũng tự dưng bị câm điếc, đến giờ vẫn chưa nói được…

Không biết những chuyện trên chính xác đến mức độ nào. Nhưng qua những chuyện đó, có thể hiểu người dân địa phương giữ rừng, tôn trọng rừng biết bao.

Có một chuyện mà những người già vẫn còn kể lại cho thế hệ sau nghe, đó là sự xúc phạm Thần Rừng của bọn lính Pháp. Trước năm 1955, ở Hoàng Su Phì có một số lô cốt và sân bay dã chiến. Hiện di tích sân bay và lô cốt ở xã Pố Lồ vẫn còn.

Ngày trước, thực dân Pháp án ngữ trên điểm cao này và dùng súng cối nã xuống con đường mòn hành quân của ta từ Hà Giang sang Lào Cai. Bọn lính Pháp thường xuyên đi cướp bóc của cải của đồng bào. Tại đỉnh Đản Kháo cũng có một sân bay dã chiến, rộng độ 200m2.

Đám lính Pháp đã đi trực thăng vào Pờ Ly Ngài cướp trâu bò. Dân bản nghe tiếng máy bay liền xua trâu bò, dê, vịt vào rừng cấm rồi trốn ở đó để Thần Rừng bảo vệ. Đám lính Pháp đã xông vào rừng, bắn chết nhiều người, tàn sát trâu bò, xúc phạm nghiêm trọng đến Thần Rừng.

Và rồi, ngay đêm hôm đó, chúng tự dưng phát điên, vác súng bắn nhau chết mấy thằng. Những tên còn lại sợ hãi liền lái máy bay chạy khỏi Hoàng Su Phì, nhưng không hiểu sao máy bay lòng vòng mãi không vượt qua được dãy Tây Côn Lĩnh. Cuối cùng, chiếc trực thăng đã rơi xuống chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, 8 lính Pháp thiệt mạng.

Câu chuyện lính Pháp bị Thần Rừng ở Pờ Ly Ngài làm cho phát điên không biết có thật hay không, nhưng chuyện chúng vác súng bắn nhau là có thật, các cụ già ở Hoàng Su Phì đều biết và chiếc máy bay trực thăng rơi ở chân đỉnh Tây Côn Lĩnh là hoàn toàn chính xác.

Chuyện này sử sách không thấy ghi chép, nhưng nếu cuốc bộ một ngày trời đến chân núi Tây Côn Lĩnh có thể tận mắt thấy những mảnh xác máy bay. làm điếu cày, làm đồ dùng rất nhiều trong nhà dân ở bản Chúng Phùng, xã Túng Sán.

Còn nhiều chuyện ly kỳ huyễn hoặc về chết chóc, điên khùng liên quan đến sự xúc phạm và sự trừng phạt của rừng thiêng. Nghe người dân kể, nghe các cán bộ xã kể, rồi nghe ông thầy cúng Lù Vần Xẻng kể, thú thực cũng thấy lạnh gáy khi bước chân vào khu rừng cấm này.

Đi bộ chừng 2 tiếng nữa, khi đôi chân đã mỏi nhừ, thì khu rừng cấm hiện ra trước mắt. Ông Xẻng đứng trước cổng rừng, quỳ gối lạy xin Thần Rừng cho cán bộ vào rừng cấm.

Sau khi Thần Rừng “đồng ý”, ông Xẻng quay sang bắt khách hứa sẽ không xâm phạm đến rừng. Ông Xẻng lại quay vào rừng cúng khấn, như trò chuyện với Thần Rừng đang đứng trước mặt bằng thứ ngôn ngữ lạ. Một lát sau, ông Xẻng bảo Thần Rừng cho vào rồi.

Bất kỳ ai muốn vào rừng cấm, kể cả người trong bản, đều phải có ông Xẻng, người giữ rừng cấm, trông chùa thiêng dẫn đường, mới được vào.

Cả một rừng cây cổ thụ mênh mông ngút tầm mắt. Cây kháo da vàng au, thân thẳng tắp, sừng sững như những vệ sĩ, chọc thẳng lên trời xanh. Ngửa cổ nhìn mỏi mắt mới thấy ngọn cây lẫn trong mây mù.

Những cây đa mới thực sự to lớn, cây nào cây nấy cứ phình tướng đến mức cả chục người ôm mới xuể, tuổi đời của nó dễ đến ngàn năm, rễ vằn vện uốn lượn trên mặt đất như những con trăn khổng lồ. Chỉ cái khe, hõm, hốc của nó cũng rộng bằng gian nhà trọ của mấy sinh viên dưới Hà Nội.

 
Ngôi nhà thiêng trong rừng cấm Pờ Ly Ngài.

Có những giống cây cổ thụ mà bao năm đi rừng chưa từng gặp. Từ gốc đến ngọn đầy những “ung bướu”, “mụn nhọt” to như cái thúng. Đồng bào ở đây gọi là cây máy mặc ma. Lúc đầu “mụn” ở thân cây chỉ bằng ngón tay, rồi to dần.

Có cái “mụn” to đến nửa mét khối. Không ai biết bên trong “khối u” đó là cái gì. Dân bản, kể cả thầy cúng Xẻng cũng tò mò lắm, muốn đục ra xem, nhưng đây là rừng cấm nên chịu. Bất kỳ thân cây nào trong rừng cấm đều là nơi trú ngụ của thần linh.
Do đó, động vào cây là xúc phạm đến nơi ở của Thần Rừng. Tuổi của những thân cây lạ này có lẽ đến mấy trăm năm. Rồi những cây trám thẳng tắp, cao vút… Sến, táu, pơmu đủ cả các loại gỗ quý.

Thậm chí, có cả những cây ngọc am to sừng sững. Giống cây này mà ở khu rừng khác thì người ta chả đốn hạ, trốc cả rễ đem chưng cất tinh dầu từ mấy chục năm trước rồi, hoặc xả về bán cho các đại gia làm quan tài ướp xác với giá cả trăm triệu một khối.

Những cây pơmu to đến nỗi, xả một cây, xây một nhà không hết, bán cả đống tiền, nhưng dù đồng bào nghèo đói ngàn kiếp, vẫn không tơ hào thứ gì của rừng cấm.

Đi bộ một lúc thì nhìn thấy ngôi chùa thiêng. Ngôi chùa được trình tường đất dày gần 1m, lợp bằng ngói đất nung, nằm trên một mỏm đất rộng và sạch sẽ.

Ngôi chùa này mới được dân bản làm lại 20 năm nay, trên nền ngôi chùa cũ. Còn ngôi chùa cũ có từ bao giờ thì không ai biết. Xung quanh ngôi chùa rất sạch sẽ. Mỗi tuần, thầy cúng Lù Vần Xẻng đều vào rừng cấm, quét dọn chùa.

Có một chi tiết độc đáo, phần lớn những ngôi chùa trong rừng cấm đều có 2 cây lạ án ngữ trước chùa. Loài cây này không bao giờ ra hoa, ra quả. Tổ tiên 5 đời trước của thầy cúng Xẻng kể cho con cháu rằng, khi ông tổ sinh ra đã thấy 2 cây lạ này rồi.

Mấy trăm năm tuổi, nó vẫn chỉ to bằng bắp đùi. Ông Xẻng để ý thấy mấy năm liền nó không nảy chồi, cũng không thấy có cái lá vàng nào. Tiết tấu lớn lên, cỗi đi của nó cực chậm. Với 2 cây này, hẳn thời gian không trôi. Trông nó nhang nhác cây chè.

Ở các cánh rừng đều không có loài cây này, cũng không ai biết nó. Có một ông thầy cúng người Trung Quốc sang thăm rừng cấm và bảo nó là cây quỷ hóa và chỉ có ở Trung Quốc.

Ngôi chùa đất có 3 gian và chỉ mở vào ngày lễ cúng rừng và khi đó, chỉ người đức cao vọng trọng, có uy tín với dân bản mới được vào. Kể cả những ngày hành lễ cúng rừng, những người khách lạ như chúng tôi cũng chỉ được đứng nhìn ngôi chùa từ xa.

Không biết trong ngôi chùa thiêng huyền bí kia có điều gì bí ẩn mà người ta sợ đến vậy? Các vị Thần Rừng có thực sự ngự ở đó để tìm cách giúp đỡ con người như lời kể của ông thầy cúng và tất cả người Nùng ở xứ xở này hay không? Mọi sự thuyết phục để được vào trong ngôi chùa đều thất bại.

Tuy nhiên, trí tò mò muốn khám phá bí ẩn trong ngôi chùa thiêng đã chiến thắng mọi sự sợ hãi. Sau khi ăn ngủ ở nhà thầy cúng Lù Vần Xẻng, quyết định từ biệt ông để vào chùa.

Sau khi lạy tạ Thần Rừng tha thứ, liều lĩnh mở cửa chùa thiêng. Khác với tưởng tượng, bên trong ngôi chùa rất đơn sơ. Lòng ngôi chùa rộng chừng 30m2, nền đất và khá sạch sẽ. Kể cả nơi thờ Thần Rừng thiêng liêng tuyệt đối cũng được đắp bằng đất.
Trên bàn thờ có 2 chai rượu, 3 hàng chén, mỗi hàng có 6 chiếc và một cổ vật bằng đồng, trông giống với cây để nến ở các bàn thờ dưới xuôi. Có lẽ, Thần Rừng ngự trị trong tâm thức tất cả người Nùng nơi đây.