Dù chưa đến Tết Nguyên đán, nhưng trên nhiều đường phố Hà Nội đã xuất hiện những khu chợ chuyên bán đào rừng. Những thân cây xù xì, thế tự nhiên, kỳ dị được thiên nhiên tạo dáng qua hàng chục năm, về tới Thủ đô, trở thành món hàng “vô giá”. Nhiều người sẵn sàng leo rừng, lội suối để “săn” đào rừng đem bán…
Đào rừng xuống phố
Trên khoảng đất trống ven đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân – Hà Nội) xuôi sang đường Trần Duy Hưng, hàng trăm cành đào rừng lớn nhỏ được dựng bán. Có gốc bằng bắp đùi, lừng lững vươn tán rộng tới 3m, cũng có loại nhỏ, gốc bằng bắp tay. Vỏ sần sùi, bong tróc; cành khẳng khiu toẽ nhánh tự nhiên là đặc điểm để phân biệt đào rừng. Khác với đào xuôi, đào rừng ít lá, không sum suê nhánh, cành mà có dáng rất tự nhiên. Đặc biệt, nhiều cây có dáng quý như phụ tử, rồng phượng, phú quý, gia đình sum họp…
Cái quý của đào rừng cổ thụ nằm ở vỏ thân xù xì, bong tróc, minh chứng của cuộc trường kỳ chống chọi với thời tiết núi rừng khắc nghiệt. Anh Nguyễn Hoàng Thụ, chủ nhân của hơn trăm cành đào rừng bày bên đường Nguyễn Tuân cho biết: “Đây là năm thứ ba tôi mang đào rừng về bán ở Hà Nội. Hầu như năm nào tôi cũng trúng vì diện tích trồng đào ở Thủ đô ngày càng bị thu hẹp”.
Nằm giữa “vườn đào”, nổi bật lên một gốc đào cổ thụ cao lừng lững. Anh Thụ cho biết, gốc đào này giá trị nhất trong vườn, cao hơn 3m, gốc cây to đậm và chắc; tán rộng, điểm xuyết những lộc xanh, nụ phớt. Gốc đào này giá không dưới 25 triệu đồng! Những gốc đào nhỏ hơn giá cũng dao động từ 500.000 – 2.000.000 đồng.
Vòng sang phố Phạm Hùng, những bãi đất trống đã được “phủ” đầy đào. Ông Trần Văn An đang lui cui tưới nước cho gốc đào rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ông khoe: “Vụ đào năm nay có trúng hay không là nhờ cây đào “cụ” này. Đã có mấy người hỏi mua và mặc cả, nhưng tôi vẫn nhất quyết giữ giá 30 triệu đồng. Có vài người ở các công ty hỏi thuê cây đào này về trưng bày một tháng, giá không dưới 8 triệu đồng nhưng tôi chưa quyết!”. Quả thật, cây nổi bật giữa vườn với tán tròn toả tứ phương, các nhánh cành xếp tự nhiên nhưng lại gọn gàng, đều tăm tắp mà không một dấu hiệu uốn ép. “Giá trị của nó là ở sự sắp đặt của tạo hoá”, ông An khẳng định.
Tan hoang những rừng đào
Để có cây đào cổ thụ hàng trăm năm tuổi mang bán ở phố phường, ông An cùng đoàn quân “săn” đào rừng đã kỳ công lặn lội từ vùng núi Tây Bắc sang Đông Bắc. Suốt từ giữa năm, ông cùng hơn 20 người lang thang khắp các cánh rừng ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai để “lùng” những cây đào rừng có dáng kỳ lạ, đẹp và giá trị nhất.
Ông tiết lộ: “Suốt hai tháng ròng, chúng tôi băng rừng, chỉ kiếm được vài cây, nhưng không ưng ý. Những cánh rừng đào ở Tây Bắc đã bị chặt phá kiệt quệ. Ngay cả vùng Sa Pa (Lào Cai) vốn nổi tiếng là thánh địa đào rừng, với các xã Bản Hồ, Bản Khoang, Tả Phìn, Trung Chải, Tả Van có nhiều đào nhất, chúng tôi cũng san bằng cả!”.
Ông An cho biết, đến thời điểm này đã có hàng chục đoàn xe biển số Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… của cánh săn đào rừng từ miền núi trung du phía Bắc đang ùn ùn “đổ” về xuôi. Khi lượng cầu lên cao, thì các thành phố lớn sẽ tràn ngập đào rừng. Theo ông An, cánh săn đào rừng mạn Tây Bắc năm nay sẽ không lùng được những cây đẹp như các năm trước bởi đào đã bị khai thác kiệt quệ từ hơn 5 năm trước.
Chừng tháng 6, đoàn săn đào rừng của ông An ngược lên các vùng cao nguyên đá Hà Giang “lùng” đào rừng. Miền đất còn hoang sơ này hứa hẹn còn giữ được nhiều cánh rừng đào cổ thụ nguyên sơ. Tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì vẫn còn nhiều rừng đào cổ thụ.
Cách đây ba tháng, có dịp lên Mèo Vạc và được tận mắt thưởng ngoạn những rừng đào cổ thụ chạy dài từ chân núi lên đỉnh. Và ở trước nhà người Mông nào cũng có hàng chục cây đào rừng trên dưới 100 năm tuổi. Theo người dân địa phương, đây đều là những cây đào giống tốt, quả vàng, to và có vị giòn thơm. Những năm trước, vào chớm hè, khi đào bắt đầu cho thu hoạch, người dân địa phương lại có một khoản thu nhập kha khá. Khách du lịch đến Hà Giang rất thích mua loại quả này.
Trở lại câu chuyện với ông An, ông tiết lộ thêm: “Người dân tộc vốn thật thà, không tính toán xa xôi, nên chúng tôi trả vài trăm ngàn đến 1 – 2 triệu đồng là họ sẵn sàng bán ngay”. Những cây đào có thế đặc biệt đều được cánh săn đào rừng đặt cọc tiền từ giữa năm, đợi gần Tết là đốn về. Đến thời điểm này, gần như những cánh rừng đào nguyên sơ ở Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La đã được “rước” về xuôi. Vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng đang mất dần, thay vào đó chỉ còn trơ lại đất, đá…