Môi trường lao động (LĐ) bị ô nhiễm với tiếng ồn, nóng, bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp không giảm mà có chiều hướng gia tăng, hệ số tần suất tai nạn LĐ còn khá cao. Đây là “mặt trái” bức tranh đời sống việc làm của người LĐ tại nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất ở nước ta hiện nay. Điều này cho thấy vấn đề sức khoẻ người LĐ vẫn còn bị xem nhẹ tại các DN ngay cả khi nó là yếu tố quyết định năng suất lao động và hiệu quả sản xuất của DN.
Khi Doanh nghiệp làm ngơ…
Có một thực tế là nhiều DN hiện nay đang xem nhẹ, thậm chí bỏ qua khâu cải thiện môi trường LĐ, khám sức khoẻ định kỳ cũng như các vấn đề liên quan đến sức khoẻ người LĐ. Công nhân làm việc trực tiếp trong các nhà máy sản xuất trong ngành công nghiệp thường mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh cơ xương khớp, bệnh về mắt, bệnh về tai, bệnh về da, bệnh tim mạch… Riêng về “bệnh nghề nghiệp” thì số người bị mắc bệnh bụi phổi silic vẫn cao nhất, sau đó là bệnh điếc do ồn, bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh sạm da nghề nghiệp…
Bên cạnh sự ô nhiễm về môi trường, nhiều DN còn lơ là các khâu bảo đảm an toàn LĐ cho công nhân. Một mặt, họ chỉ chạy theo lợi nhuận mà coi thường tính mạng người LĐ, không chuẩn bị đầy đủ phương tiện cũng như trang thiết bị bảo hộ LĐ. Mặt khác, không ít DN đẩy người LĐ vào tình trạng “khóc dở mếu dở” khi bị tai nạn do chủ quan và không nắm vững các nội quy an toàn LĐ. Theo ông Vũ Như Văn, Cục phó An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội: “gần 50% số vụ tai nạn LĐ là do lỗi của chủ sử dụng. Không ít DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận làm ngơ với vấn đề an toàn LĐ”.
Một kết quả khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật bảo hộ LĐ cũng cho thấy, 40% DN không có cán bộ y tế và 44% DN không tổ chức khám sức khoẻ khi tuyển LĐ và khám sức khoẻ định kỳ cho người LĐ.
Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Không ít DN đang lợi dụng sự chưa hoàn thiện của các văn bản pháp quy về đảm bảo sức khoẻ người LĐ, về hệ thống tổ chức an toàn và vệ sinh LĐ để vắt kiệt sức LĐ của công nhân trong các điều kiện khắc nghiệt. Nhiều khi để nhanh gọn thủ tục tuyển dụng, chủ sử dụng LĐ chỉ chú ý tới bằng cấp, trình độ tay nghề người LĐ mà quên mất khâu kiểm tra tình hình sức khoẻ hiện tại của họ. Tờ giấy khám sức khoẻ kèm trong bộ hồ sơ xin việc đôi khi cũng chỉ để cho đủ lệ bộ.
Người sử dụng LĐ đã vậy, không ít người LĐ cũng thấy không cần thiết phải tổ chức khám, phần vì sợ mất việc, phần vì sợ không đủ sức khoẻ vào làm việc… Và tình trạng số công nhân LĐ bị mắc các bệnh nghề nghiệp, suy giảm sức khoẻ, bị tai nạn LĐ ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi.
Người lao động chịu thiệt!
Bên cạnh số phần trăm khá lớn DN để người LĐ “sống chết mặc bay”, thì vẫn có DN “chăm lo” sức khoẻ người LĐ bằng việc bổ sung cán bộ y tế và có tổ chức khám sức khoẻ cho người LĐ nhưng hoạt động theo kiểu đối phó. Hầu hết những nơi này không được trang bị đầy đủ thuốc cấp cứu, phác đồ cấp cứu, xe để cấp cứu… theo quy định. Môi trường LĐ bị ô nhiễm với tiếng ồn, nóng, bụi vượt tiêu chuẩn cho phép tác động không nhỏ đến sức khoẻ người LĐ.
Khảo sát tại nhiều DN cho thấy, rất nhiều công nhân không có bảo hiểm, nên khi xảy ra tai nạn LĐ, nạn nhân và gia đình là những người chịu thiệt thòi hơn cả. Bên cạnh đó, nhiều LĐ xuất phát từ các vùng nông thôn đi làm thuê không được đào tạo cơ bản qua trường lớp, khi vào làm việc lại chỉ được hướng dẫn về các thao tác trong công việc, nên không có một chút hiểu biết nào về pháp luật an toàn LĐ, không biết rằng các mối nguy hiểm luôn rình rập để có các biện pháp phòng tránh trong môi trường LĐ của mình.
Trong chương trình quốc gia về bảo hộ, an toàn, vệ sinh LĐ đến năm 2010, phần đầu tiên đã dự báo tình hình tai nạn LĐ. Nếu không triển khai tích cực các biện pháp phòng ngừa thì đến năm 2010, số vụ tai nạn LĐ của Việt Nam có khả năng lên đến 120.000 – 130.000 vụ/năm. Con số này hiện là 5.000 – 6.000 vụ/năm. Số người chết có thể lên đến 1.200 – 1.300 người và thiệt hại có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Còn theo cảnh báo của quốc tế thì thiệt hại do tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp sẽ làm mất 4% GDP.
Khi sức khoẻ người LĐ bị suy giảm thì chính DN cũng phải gánh chịu hậu quả do năng suất lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thay vì chạy đua với thành tích, trông vào cái lợi trước mắt, người chủ DN cần quan tâm nhiều đến sức khoẻ người LĐ, có những chính sách cụ thể để nâng cao sức khoẻ người LĐ định kỳ hàng năm, giúp họ an tâm và gắn bó lâu dài với DN.