Từ lâu ở Bình Định, kinh tế trang trại (KTTT) luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền cũng như người dân. Trong những ngày cuối năm, những người làm báo nông nghiệp lại có dịp theo chân lãnh đạo Hội Làm vườn (HLV) huyện Phù Cát thị sát và kiểm tra tình hình phát triển KTTT của huyện.
Ông Phan Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Hội cho biết: “Trang trại ở Phù Cát bắt đầu xuất hiện khi ngành lâm nghiệp thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân. Đến nay, cả huyện có 169 trang trại lớn nhỏ, tổng diện tích hơn 3.730ha, lớn nhất là 70ha, nhỏ nhất cũng lên tới 3ha. Đa phần đều phát triển theo mô hình VAC, VR, VAR. Hàng năm, thu nhập từ loại hình này lên đến 3, 4 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, từng bước làm giàu, đồng thời tái tạo vốn rừng và tạo ra môi trường sinh thái trong lành”.
Trong năm 2007, phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, vườn điều theo mô hình KTTT liên tục phát triển với 116 vườn, nâng tổng số vườn cây hiệu quả lên 1.281 vườn. Có hơn 2.500 người tham gia KTTT, trong đó, số vườn có ô dinh dưỡng chiếm gần 62%. Đó chính là kết quả của quá trình hoạt động chuyển giao kỹ thuật đến người làm vườn. Bởi kinh tế hộ là bộ phận quan trọng của kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp, do đó, thông qua mạng lưới tổ chức HLV, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã đến với hội viên, nông dân một cách nhanh nhất.
Trang trại đầu tiên đến thăm là “dinh cư” của ông Võ Thành Tín ở thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm). Với diện tích 5ha, ông Tín quy hoạch trồng điều theo đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ HLV, kết hợp thả nuôi 20 con bò và hàng trăm gia cầm, thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.
Từ trang trại của ông Tín, vượt qua con suối nhỏ và dốc, là đến trang trại của anh Trần Văn Hùng. Với gần 100ha bạch đàn cao ngút tầm mắt, đây là trang trại lâm nghiệp duy nhất ở Phù Cát. Dưới tán bạch đàn, anh Hùng chăn thả hơn 40 con bò, vào thời vụ chính, anh phải thuê thêm 40-50 lao động để khai thác bạch đàn. Hỏi về thu nhập, anh chỉ cười: “Tôi chưa tính cụ thể bao giờ, nhưng có lẽ khoảng 1 tỷ đồng/năm”.
Khác với các chủ trang trại ở Cát Lâm, sau khi được tham quan, học tập canh tác vườn điều, anh Huỳnh Văn Trung ở xã Cát Tường đã đầu tư cải tạo 700 cây điều trên 9ha theo đúng quy trình kỹ thuật, thâm canh liên tục 3 năm. Anh tỉa cành, tạo tán, bón phân, xới gốc và xây bồn quanh gốc điều, bơm nước từ giếng khoan tưới ẩm cho cây.
Khi hỏi về kinh nghiệm, anh không hề giấu giếm: “Điều không đòi hỏi nhiều nước, nên khi đất thiếu độ ẩm mới tưới. Cuối tháng 8 âm lịch thì bón phân lần thứ nhất, ngoài lượng phân chuồng theo khả năng thì nên bón phân vô cơ theo tỷ lệ: 60% đạm, 20% lân và 20% kali. Mỗi cây bón ít nhất 3kg phân hỗn hợp. Toàn bộ phân bón phải vùi sâu 15 – 20cm. Cuối tháng 11 âm lịch bón lần thứ hai, liều lượng như lần 1 nhưng tỷ lệ đạm – lân mỗi loại 35%. Đồng thời, kết hợp phun thuốc kích thích tăng đậu quả”.
Nhờ vậy, vụ điều năm 2007, anh Trung bội thu với năng suất bình quân 2 tấn/ha, lãi gần 100 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với mức bình quân của huyện và tăng gấp 7 lần so với trước khi cải tạo vườn điều.
Thực tế trên đã chứng minh, KTTT đang là thế mạnh, là hướng phát triển chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Định. Điều quan trọng là phải biết áp dụng và thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật.
Tuy nhiên, KTTT ở Phù Cát vẫn còn nhiều hạn chế. Toàn huyện chỉ có 3 chủ trang trại có trình độ đại học, 1 trung cấp chuyên môn, còn phần lớn là THCS. Công tác chuyển giao kỹ thuật chưa đáp ứng cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc chuyển quyền sử dụng đất còn chậm, tác động không nhỏ đến tâm lý của các chủ trang trại. Toàn huyện mới chỉ cấp giấy sử dụng đất cho hơn 300ha trang trại, chiếm 46% tổng diện tích, số còn lại là đất đấu thầu, thuê mướn, chuyển nhượng…
Để KTTT ở Phù Cát phát triển vững chắc, đúng trọng tâm và hiệu quả, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện về vốn cho các chủ trang trại đầu tư cải tạo vườn, hướng dẫn quy trình thâm canh từng loại hình trang trại, cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật, giúp họ nắm bắt kịp thời và ứng dụng có hiệu quả, thiết thực.