Một lớp đá tương đối mềm, màu xanh thẫm có tên Serpentine bao phủ các tầng kiến tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong những trận động đất kinh hoàng, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, Mỹ.
Serpentine hình thành sâu trong long đại dương, cách bề mặt nước biển khoảng 200 km. Đây là nơi hình thành những trận động đất nguy hiểm nhất trên trái đất, bao gồm cả trận động đất mạnh 9 độ richter gây ra cơn sóng thần thảm khốc ngoài khơi Indonesia tháng 12 năm 2004.
Theo một công trình đăng tải trên ấn bản ngày 21/12/2007 của tạp chí Science, lớp đá mềm này có thể được hình thành ở tầng đại dương và cũng hiện diện ở những vùng nguy cơ động đất núi lửa cao như vùng biển Caribbe và Nhật Bản. Lớp đá ở đáy biển thường cứng nhưng có thể bị biến đổi sang dạng lỏng dễ cháy dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao.
Các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm CNRS của Đại học Lyon cũng nghiên cứu về vấn đề này và phát hiện những lớp đá trên có thể bị vỡ trong quá trình các tầng kiến tạo chuyển động trong các vùng nước giá băng và gây ra động đất.