Phái đoàn của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Israel vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Israel – Việt Nam. Đây được coi là nền tảng để các nhà đầu tư hai nước mở rộng kinh doanh. Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn với ông Effie Ben Matityau, Đại sứ Israel tại Việt Nam về Hiệp định này.
Kết quả vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Israel – Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Hai bên đã ký được một biên bản ghi nhớ. Theo đó, hai bên không có nhiều điểm bất đồng lớn. Chúng tôi hy vọng vòng đàm phán thứ hai sẽ là vòng cuối cùng.
Ông Effie Ben Matityau. |
Hiệp định Bảo hộ đầu tư Israel – Việt Nam được coi là một trong những nền tảng để thúc đẩy các nhà đầu tư hai nước mở rộng kinh doanh. Vậy, theo dự báo của ông thì việc mở rộng này đến đâu?
Rất nhiều doanh nghiệp Israel đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp thế giới, trong đó Việt Nam đã trở thành địa chỉ hấp dẫn trong những năm gần đây. Tôi tin rằng, hiệp định này sẽ là cú hích cho những nhà đầu tư thực sự đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Nội dung chính của Hiệp định là nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Israel tại Việt Nam và ngược lại. Cụ thể vấn đề này ra sao?
Hiệp định có hai nội dung cơ bản: tránh sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; tránh sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Về nguyên tắc, nhà đầu tư nào cũng muốn biết chắc chắn rằng anh ta không lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc cạnh tranh không lành mạnh và anh ta muốn đầu tư của mình được đảm bảo bằng luật pháp và thực tế. Khi những điều kiện này sẵn sàng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thoải mái đầu tư và triển khai hoạt động kinh doanh.
Ông dự báo thế nào về việc đầu tư của Israel vào Việt Nam trong năm 2008?
Tôi thấy ở đây cần phải phân biệt giữa “của Israel” và “của người Israel”. Sẽ có nhiều nhà đầu tư người Israel đến làm ăn tại Việt Nam. Tuy vậy, không phải tất cả những hoạt động đầu tư này được đăng ký với danh nghĩa là đầu tư trực tiếp từ Israel.
Israel là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ nông nghiệp. Theo ông, công nghệ của Israel giúp được gì cho ngành nông nghiệp Việt Nam?
Tôi thấy Việt Nam tạo ra giá trị nông nghiệp rất lớn cho quốc gia và xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm như gạo, cà phê… Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn thiếu công nghệ. Nếu có công nghệ phù hợp, Việt Nam có thể xuất được nhiều hơn với giá trị lớn hơn…
Quản lý là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và hạt giống cũng vậy. Những yếu tố này cũng phải cần công nghệ. Việt Nam là nước nông nghiệp nằm trong khu vực có rất nhiều quốc gia nông nghiệp cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể vượt qua đối thủ nếu có công nghệ nông nghiệp hiệu quả hơn.
Chúng tôi muốn doanh nghiệp Israel và Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, nhất là việc chuyển giao công nghệ. Israel đã nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam như gạo, gỗ thành phẩm, giày dép và hàng may mặc. Nếu hợp tác tốt và ứng dụng công nghệ hiệu quả, Việt Nam có thể xuất khẩu trở lại sản phẩm nông nghiệp cho Israel, một thị trường rất tự do, không có sự hạn chế về mặt chính sách.
Gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư quốc tế tại châu á. Vậy, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam?
Dù còn một số khó khăn nhưng Việt Nam đang chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư quốc tế. Mặc dù vậy, các bạn có nhiều quyết tâm và động lực để giải quyết khúc mắc. Tôi tin rằng, những ai thực sự quan tâm đến thị trường nội địa, họ sẽ tìm được giải pháp, thậm chí có thể còn nhanh hơn những gì chúng tôi đã từng làm.
Xin cám ơn ông!