“Tết này không phải lo thiếu nước sinh hoạt, không phải mua nước, lấy nước ở các sông, suối nữa… Vui quá! Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm đến chúng tôi”. Đó là những lời bộc bạch, tâm sự của bà con dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tây được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt.
Tập trung xây dựng các công trình nước sạch
Do điều kiện đặc thù về cấu trúc địa chất, địa hình, thời tiết…, mà nhiều địa phương của tỉnh Hà Tây, nhất là ở miền núi, vùng cao bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Vào mùa khô hàng năm, tất cả 10 xã miền núi, thuộc các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ luôn “thường trực” nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Hơn nữa, bà con nơi đây thường sử dụng nước suối, nước sông trong sinh hoạt hàng ngày, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về “ Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”, UBND tỉnh đã nhanh chóng triển khai đến các ngành chức năng, các huyện và các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, xây dựng kế hoạch chi tiết; đồng thời, sớm thành lập Ban Chỉ đạo 134 cấp tỉnh và chỉ đạo 4 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thành lập Ban Chỉ đạo từ huyện đến xã. Các địa phương đã làm tốt công tác thống kê, điều tra, rà soát, lập danh sách những hộ được thụ hưởng chính sách một cách chính xác, công khai, dân chủ và tiến hành xây dựng các đề án.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã có 242 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ làm giếng nước và xây dựng được 19 công trình nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo đủ nước sinh hoạt sạch cho hàng ngàn hộ gia đình dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí lên tới hơn 12,5 tỷ đồng, chiếm 80% tổng kinh phí của chương trình 134 dành cho tỉnh Hà Tây. Bình quân mỗi xã được xây dựng gần 2 công trình nước sinh hoạt tập trung; xã ít nhất có 1 công trình và xã An Phú (Mỹ Đức) được xây dựng nhiều nhất, với 6 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Mặc dù điều kiện xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung hết sức khó khăn: Vốn đối ứng của tỉnh không có, địa hình hiểm trở, phức tạp, nguồn nước ngầm khan hiếm, có những công trình phải xây dựng tận cốt 500-600 như ở Sui Quán (xã Khánh Thượng), Cua Chu (xã Tản Lĩnh)… của huyện Ba Vì, nhưng đến nay, tất cả các công trình cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đạt hiệu quả cao. Tất cả các công trình nước sinh hoạt tập trung này đều có đường ống dẫn nước trên khắp các trục đường làng, các ngõ xóm, thôn bản.
Trong năm 2008 này, UBND tỉnh tiếp tục có đề án xin Trung ương hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng để xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã vùng cao, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Niềm vui nước sạch về bản
Trong những ngày cuối năm Đinh Hợi, đầu năm 2008, đi đến bản làng nào của các huyện Ba Vì, Quốc Oai…, cũng được chứng kiến niềm vui, sự phấn khởi của bà con dân tộc thiểu số, vì được thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Ông Đinh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại (Ba Vì) phấn khởi cho biết: Những năm trước, vào mùa khô, người dân ở đây khổ sở với nước sinh hoạt; nhiều nơi, bà con dân tộc thiểu số phải đi xa hàng cây số mới có nguồn nước để lấy về sử dụng. Nguồn nước ở Ba Trại rất khó khăn, giếng khơi thì không có nước, khoan giếng cũng chỉ có nước trong những tháng mùa mưa. Chính vì thế, trước kia, nhân dân nơi đây chỉ được nhìn thấy hình ảnh người dân thành phố dùng nước máy, nước sạch trên ti vi và không dám mơ bao giờ mình sẽ được dùng nước sạch.
Thế nhưng, giờ đây điều đó đã trở thành hiện thực, thậm chí đường ống dẫn nước sinh hoạt đã vào tới bản làng, từng hộ gia đình. Công trình nước sinh hoạt với công suất 80m3 một giờ, bể chứa 100m3, trị giá gần 1,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ vừa hoàn thành, đã giúp cho hơn 100 hộ gia đình thôn 8, xã Ba Trại và gần 2.000 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Tây, Trường THPT Ba Trại được dùng nước sạch. Hơn 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xóm Xẩm (xã Ba Trại) cũng đã được đầu tư 50 triệu đồng xây dựng bể lọc, bể chứa để dẫn nước về tận nhà, đảm bảo vệ sinh.
Một người dân ở thôn Đồng Vỡ (xã Phú Mãn, Quốc Oai) tâm sự: “Trước đây, mỗi tuần mình phải dành 3-4 buổi để đi lấy nước suối về sử dụng, mất nhiều công sức lắm. Nay, nước sạch đã về tận nhà, chỉ cần mở vòi là có nước dùng; không còn lo bị mắc các bệnh đường ruột và rất tiện lợi. Vui lắm!”.
Từ việc phải dùng nước suối, không đảm bảo vệ sinh; giờ đây, hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Mường của thôn Đồng Vỡ đã có nước sạch, bằng nguồn kinh phí hơn 800 triệu đồng hỗ trợ của Trung ương. Đặc biệt, sức ép về nước sinh hoạt ở vùng Cua Chu (xã Tản Lĩnh) và Sui Quán (xã Khánh Thượng) của huyện Ba Vì cũng đã cơ bản được giải quyết.
Những năm trước, cứ mùa khô đến, bà con dân tộc thiểu số ở Cua Chu phải đi mua từng gánh nước để sinh hoạt, có những thời điểm, người dân phải mua tới 10 ngàn đồng một mét khối; còn nhân dân thôn Sui Quán phải lắng lọc nước sông Đà để dùng… Thì nay, nước sạch đã vào tận nhà, tiện ích vô cùng; vừa đỡ tốn kém, vừa không lo bệnh tật do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về nước sinh hoạt ở vùng cao này.
Có thể khẳng định, các công trình nước sinh hoạt có vai trò cực kỳ quan trọng và ý nghĩa đối với đời sống cũng như phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, miền núi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là công tác quản lý, bảo quản và khai thác các công trình này thế nào để phát huy được hiệu quả của nó.