Thời gian gần đây, ở xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng-Lâm Đồng) và vùng lân cận bỗng râm ran những lời đồn: Các tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc bằng gỗ thông đỏ sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho người sở hữu. Đặc biệt người chết được chôn trong quan tài làm bằng thông đỏ sẽ rất linh thiêng, phù hộ cho gia đình, dòng họ khỏe mạnh, phát tài, phát lộc, tránh được tai ương… Các tin đồn thất thiệt này khiến bọn lâm tặc và người dân địa phương lẻn vào quần thể thông đỏ quý hiếm nhất của Việt Nam thuộc khu vực núi Voi (Hiệp Thạnh) hiểm trở để cưa xẻ cây quý.
Tại các tiểu khu 268 và 277, có cả chục cây thông đỏ cổ thụ bị “xẻ thịt”, cành lá vẫn còn tươi, đường kính trên dưới 1m, thậm chí có cây đại thụ đường kính tới 2m khiến 3 người ôm không xuể.
Các cây “thần dược” này ước tính từ hàng trăm đến cả ngàn năm tuổi bởi theo các nhà khoa học của Phân viện Sinh học Đà Lạt, thông đỏ có đặc tính phân bố hẹp, chậm lớn (cây sinh trưởng cả trăm năm chỉ có đường kính không quá 35 cm).
Dấu tích của cả chục bãi cưa xẻ cùng hàng chục lóng gỗ to, đẹp, vuông vức còn bỏ lại hiện trường cho thấy lâm tặc hoạt động ngang nhiên giữa ban ngày.
Thông tin thông đỏ ở núi Voi bị xâm hại khiến các nhà khoa học rất bức xúc bởi ở Việt Nam chỉ phát hiện không quá 10 quần thể thông đỏ, mỗi quần thể chỉ còn vài ba cây, duy chỉ khu vực núi Voi có số lượng cá thể lớn như vậy.
Cùng với đặc điểm chậm lớn, tái sinh kém với nhiều điều kiện khắt khe, thông đỏ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nên đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam để bảo tồn.
Vậy mà, cùng với thời gian, quần thể thông đỏ ở núi Voi không những không phát triển mà ngày càng thưa thớt. Mười mấy năm trước, quần thể này có gần 100 cây, sau đó giảm xuống 70 – 60 – 50 và bây giờ chỉ còn khoảng 40 cây.
Ngày 29/01, Công an huyện Đức Trọng cho biết, đã khởi tố Nguyễn Văn Đồng (SN 1965, quê quán Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thường trú tổ 4, Định An, Hiệp An, Đức Trọng) về hành vi hủy hoại rừng (2,3m³ gỗ thông đỏ) và đang truy tìm một đối tượng khác cũng với hành vi chặt phá loài thông này và sẽ xử lý nghiêm để răn đe.
Tuy nhiên, trước thực tế ngay cả các cán bộ Ban quản lý rừng Hiệp Thạnh cũng không biết quần thể thông đỏ ở núi Voi quý hiếm như thế nào, có bao nhiêu cây để quản lý bảo vệ thì nguy cơ quần thể cây “Thần dược” tiếp tục bị xâm hại là nhỡn tiền.
Nỗi lo ngại của các nhà khoa học rằng sẽ đến lúc không còn nguồn gien thiên nhiên để nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn loài thông đỏ (Taxus Wallichiana – dược liệu điều chế thuốc chữa trị ung thư) không phải là không có cơ sở.