Hàng chục héc ta rừng ở núi Phú Gia (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, thuộc Tiểu khu 244 rừng phòng hộ Bắc Hải Vân) bị người dân liên tiếp đốn hạ để trồng lại rừng kinh tế. Tình trạng này diễn ra dai dẳng trong nhiều tháng liền, gây bức xúc và lo ngại cho người dân sống xung quanh khu vực. Tuy nhiên, ngành chức năng – mà trực tiếp là Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Hải Vân – lại có vẻ thờ ơ với việc chặt phá trên…
Rừng bị triệt hạ
Phải mất gần 2 giờ đồng hồ, mới leo đến đỉnh núi Phú Gia; từ dưới chân núi lên gần tới đỉnh, từng mảng rừng lớn kéo dài bị chặt hạ và đốt cháy một cách không thương tiếc, hàng chục ngàn gốc cây với đường kính 25 – 30cm chỉ còn trơ lại gốc.
Núi Phú Gia với rừng cây phòng hộ xanh tốt ngày nào giờ đã bị “cạo” sạch từng mảng, rừng sau khi chặt bị đốt cháy xém, thay vào đó là những cây tràm, cây bạch đàn được trồng xen vào đất trống. Một người dân địa phương cho biết, “tình trạng chặt phá rừng ở đây diễn ra dai dẳng, ban đầu họ chặt với diện tích nhỏ, sau đó lấn dần ra từng ngày, chẳng bao lâu nữa thì họ chặt trụi cả khu rừng này”.
Rừng núi Phú Gia là một khu rừng tái sinh có chức năng phòng hộ quan trọng cho khu vực xung quanh, được khoanh nuôi bảo vệ hàng chục năm nay. Ngay bên quốc lộ 1A dưới chân đèo Phú Gia, tấm biển “Cấm chặt đốt rừng phòng hộ” được dựng “hoành tráng”, vậy mà trình trạng chặt phá rừng lại diễn ra công khai trên diện rộng.
Theo ông Lê Văn Tình, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, việc phá rừng trên núi Phú Gia mới diễn ra trong thời gian ngắn gần đây. Khu vực bị phá là rừng đặc dụng thuộc Khoảnh 2 và Khoảnh 3 (Tiểu khu 244), do BQLRPH Bắc Hải Vân quản lý.
Tháng 04/2007, tỉnh TT-Huế có chủ trương quy hoạch lại 3 loại rừng, theo đó khu vực này đang được làm hồ sơ để giao lại cho thị trấn Lăng Cô quản lý. Thế nhưng không biết thông tin từ đâu, khi rừng chưa được giao về cho thị trấn thì người dân đua nhau chặt phá cây để lấn chiếm đất, trồng rừng kinh tế.
Đầu tiên là hộ ông Lương Bình, trú tại thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô. Gia đình ông Bình có gần 2ha rẫy ở phía dưới chân núi Phú Gia đang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vào tháng 02/2007, ông Bình tự ý phát thực bì, lấn chiếm trái phép đất rừng gần 2ha, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc đã xử lý, phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng.
“Yên” được một thời gian, đến tháng 8 và tháng 09/2007, ông Lương Bình liên tục chặt phá rừng lấn chiếm đất dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt và thu giữ phương tiện.
Ngoài hộ ông Lương Bình, nhiều hộ khác cũng thi nhau chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất, trồng rừng kinh tế. Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường phía Nam núi Phú Gia, hằng trăm thân cây bị đốn hạ vẫn còn nằm ngổn ngang. Được biết
Trên đỉnh núi Phú Gia, người dân vẫn đốt rừng, khói nghi ngút. Theo nguồn tin được biết, hiện ở đây có ít nhất 5 hộ gia đình khác tham gia chặt phá với diện tích 3-4ha/hộ… Việc chặt phá lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế sẽ gây hậu quả xấu cho môi trường sinh thái.
Rừng phòng hộ núi Phú Gia nằm ở một địa thế khá trống trải, gần các cơ quan chức năng ở huyện Phú Lộc, việc rừng bị chặt phá với diện tích lớn là điều “khó hiểu” đối với người dân. Mọi người đặt cậu hỏi: Liệu có ai bật đèn xanh cho dân tự chặt phá, lấn chiếm hay không?
“Chủ” rừng: Không biết ngăn chặn bằng cách nào (!?)
Đưa đem vấn đề hàng chục héc ta rừng phòng hộ ở Tiểu khu 244 bị chặt phá trao đổi với ông Trần Văn Lộc, Giám đốc BQLRPH Bắc Hải Vân, thì ông chỉ trả lời “ậm ờ”. Ông Lộc cho rằng, “chưa thể xác định được khu vực thuộc Khoảnh 2, Khoảnh 3 Tiểu khu 244 có rừng hay không. Việc người dân vi phạm chỉ là chặt phá cây bụi và lấn chiếm đất lâm nghiệp”.
Với tốc độ chặt phá như hiện nay, nếu việc ngăn chặn không tiến hành một cách triệt để thì chẳng bao lâu nữa rừng phòng hộ ở núi Phú Gia sẽ bị “cạo sạch”… |
Tuy nhiên, trên thực tế bằng mắt thường cũng nhìn thấy, đây là một khu rừng phòng hộ với cây cối rậm rạp, được khoanh nuôi tái sinh và đã tồn tại hàng chục năm. Đưa ra những hình ảnh chứng thực rừng ở núi Phú Gia bị chặt phá thì ông Lộc lại bối rối bảo: “Đơn vị có tham gia bảo vệ nhưng dân tự lấn chiếm, chặt phá dần từng diện tích nhỏ sau đó lần thành lớn, xử lý rồi họ chặt tiếp nên không biết ngăn chặn triệt để bằng cách nào”(!?).
BQLRPH Bắc Hải Vân quản lý 27 ngàn héc ta rừng từ Bắc đèo Hải Vân ra đến đèo Phước Tượng (trong đó rừng phòng hộ núi Phú Gia), nhưng với sự quản lý lỏng lẻo nên đơn vị này đã để dân ngang nhiên chặt phá rừng một cách nghiêm trọng…
Trong văn bản UBND thị trấn Lăng Cô gửi UBND huyện Phú Lộc báo cáo về việc người dân phá rừng, có đề cập: “Hiện nay, BQLRPH Bắc Hải Vân thiếu sự quan tâm đến công tác bảo vệ rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao để xảy ra trình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trái phép, đặc biệt rừng tại Khoảnh 3 Tiểu khu 244, khu vực Nam đèo Phú Gia, thôn Lập An, trong đó phần lớn diện tích thuộc rừng phục hồi có khả năng phòng hộ rất cao cho khu vực đèo Phú Gia…”.