Trẻ em Hà Nhì má hồng rực, như những mặt trời sơ sinh. Bọn trẻ chạy chơi líu ríu bên dòng nước, má hồng loáng thoáng sau rặng cúc quỳ. Gót chân chạy làm bắn những tia nước sạch tinh lên cánh cúc quỳ lấm bụi.
Tôi đang ở trên một hòn đảo biệt lập, làm từ cát ẩm màu đỏ, cúc quỳ vàng nắng, hoa chó đẻ tím bạc và cỏ tranh xanh ngút ngàn. Ở đấy có biết bao nhiêu mặt trời tí xíu hàng ngày chạy quanh tôi, cười tiếng cười của tôi 15 năm trước. Thấy mình già như một ngọn núi mọc giữa biển, hàng ngày sóng và gió tới bào mòn.
Mặt trời sơ sinh ở lại với người Hà Nhì suốt tuổi ấu thơ, chạm tuổi dậy thì. Rồi đột ngột, mặt trời lặn. Một ý nghĩ đến với tôi rất muộn sau này, khi đã trở về Hà Nội, ngắm mặt trời lặn trên hồ Tây. Ấy là vẻ đẹp của họ, nhất là phụ nữ, thật giống mặt trời. Nhưng mặt trời ấy không bình minh, không chói lọi ban ngày, mà chỉ là giai đoạn hoàng hôn ngắn ngủi. Rực rỡ, chói sáng, ấm áp, âu yếm, rồi nhanh như hoa quỳnh nở, vẻ đẹp ấy tan vào màu xanh đen thẫm như rêu của bầu trời. Cô gái mặt trời toả hào quang mà tôi thấy, đột ngột trở nên già cỗi như hòn đá phủ rêu.
Hòn đá phủ rêu trong dáng dấp của một phụ nữ trung niên gầy mòn ngồi ngây trên chiếc ghế gỗ trước cửa, mắt không hồn hướng vào một nơi tôi không thể xác định, hai tay đặt cố định trên đầu gối, lặng như hoá tượng. Rồi bức tượng gò lưng, khạc rất mạnh, nhổ xuống nền đất. Năm đầu ngón chân di di cẩn thận và chăm chú. Khuôn mặt họ nhăn nhúm, đau khổ, dường như cái mà họ nhổ ra không phải là nước miếng, mà là vất vả cực nhọc đã đóng cục trong cơ thể. Và đừng nên hy vọng gì, những đau đớn sau khi nhổ ra, đi vào đất, cũng vẫn sẽ thấm ngược lại vào cơ thể. Không có cách nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn triền miên ấy.
Tôi hoài công kiếm tìm vẻ thanh thản bình lặng đáng lẽ ra phải có trong những con người nơi đây. Người ta nói rằng, ở những nơi biệt lập, con người được giải thoát khỏi gánh nặng phải sống và đeo thêm cái tôi cá nhân nặng nề mệt mỏi. Họ tồn tại theo như bản nguyên, như một cọng cỏ, như cơn mưa. Họ ý thức được rõ ràng về nơi linh hồn trở về sau cái chết. Do đó, họ tìm được sự hài hoà và bình thản. Họ không sống, mà tồn tại. Nhưng nơi tôi đến, mặc dù biệt lập và khó tới như một hòn đảo, vẫn là một vũ trụ nhỏ ồn ào. Con người quay điên cuồng không ý thức quanh bao nhiêu lo toan, tính toán, dự định, kế hoạch, công việc. Đó là cuộc sống, cũng như nơi tôi ở. Mệt mỏi và buồn rầu.
Có lẽ, cũng như con người, vùng đất ấy không muốn nằm ườn ngắm mây trôi nữa. Nó muốn là một cá thể có cá tính, muốn hoặc bị kéo vào dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống nhân tạo đầy sức mạnh. Do vậy, những con đường thênh thang sẽ mở, xuyên qua rừng và đồi tranh. Cầu sẽ cắt ngang suối và một cửa khẩu quốc gia sẽ xuất hiện gần Tá Miếu lộng gió.
Nhưng khi nói chuyện với người già, những người đã xây dựng làng từ thuở trứng nước, tôi lại thấy Tả Kô Khừ và Sín Thầu, có lẽ chưa từng bao giờ chỉ mong được tồn tại, thênh thang đầy tự do. Nó đã luôn cố gắng để sống, tuy không thanh thản, nhưng có mục đích và sự tiến bộ.
Apachải, không biết tên gọi này có lấy từ gốc là Apà (bố) không? Chỉ biết trong một lần nói chuyện, bác Pờ Sì Tài có nhắc tới Apachải dưới tên gọi bản Bố. Trước kia, tên gọi Pờ Nhù Khồ/Hồ phổ biến hơn. Pờ (trắng), nhù (trâu), hồ/khồ (suối). Suối trâu trắng. Là vì trước đây, cứ ba năm một lần, Hà Nhì Già lại đem một con trâu trắng ra suối cúng. Cúng xong sẽ đem chia cho mỗi hộ gia đình một ít xương, thịt. Họ lại đem về ruộng nhà mình cúng, cầu cho một mùa bội thu.
Bản Si Pha Phìn, trên đường tới Apachải |
Tôi luôn hình dung những ngôi làng Hà Nhì như một nơi đầy nắng, nắng ôm ấp mặt đất, làm ánh lên màu bụi đỏ, gỗ, chỉ thêu, hoa cải và tất nhiên, cả những mặt trời sơ sinh của tôi. Ngôi làng tràn ngập tiếng hát. Cô bé hàng xóm hái rau cải, tiếng hát thẹn thùng không vang xa, chỉ lảng bảng bên những chùm hoa cải:
Con trai thì theo con gái/Con gái khóc, còn con trai lại cười.
Bây giờ ngôi làng vẫn thế, mà lại không phải như thế. Những người mẹ xứ sở vẫn gùi những gùi củi nặng mà bộ đội biên phòng không thể nhấc lên, bình thản nhảy trên những hòn đá trơn trượt để vượt suối mà không bị ướt chân. Đàn ông vẫn vác súng đi săn, mang về cả hổ và gấu. Những em bé được yêu, má hồng sạch sẽ.
Ngày tết cả bản tràn trong rượu. Khách đến cả làng xoè bên đống lửa, tặng nhau hoa cúc quỳ gói trong giấy báo. Nhưng tôi vẫn thấy thiếu thiếu một điều, mà vì sự thiếu thốn đó, cuộc sống tự dưng trở nên bất an. Bất an như khi bạn phải ngồi dựa lưng vào bóng đêm, nghe tiếng khóc phụ nữ.