Sáng ngày 30/01, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xẻ thịt hổ nấu cao ngay giữa lòng Hà Nội. Tuy nhiên, mức án cho bốn “thợ nấu cao hổ lớn nhất từ trước đến nay” có phần hơi… nhẹ
4 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa gồm: Nguyễn Thị Thanh (SN 1967, là chủ nhà), Trần Văn Đế (SN 1973, trú tại Du Nội, Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội, là y sĩ y học cổ truyền), Chu Văn Biên (SN 1964) và Nguyễn Đức Thiệp (SN 1969), cả hai cùng trú tại khu 8, Đại An, Thanh Ba, Phú Thọ. Các đối tượng bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm” theo quy định tại Điều 190, khoản 2, điểm đ – Bộ luật Hình sự.
9 giờ sáng ngày 04/09, PC15 Công an Hà Nội, Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội phối hợp cùng Công an phường Thanh Xuân Bắc đã bắt quả tang một lò nấu cao hổ cốt tại nhà của Nguyễn Thị Thanh (số nhà 103, B5 KTT Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Nguyễn Thị Thanh, SN 1967 (người dân tộc Nùng, quê ở Mường Khương – Lào Cai), lấy chồng về Hà Nội, và ngang nhiên “đỏ lửa” biến căn hộ tập thể này thành lò nấu cao từ nhiều năm nay.
Tại hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện 2 con hổ ướp đá lạnh và 1 bộ da hổ đã nhồi bông. Khi lực lượng điều tra ập vào, một con hổ đã bị xẻ thịt, cắt thành 3 khúc. Một khúc đặt ở trong bếp, 2 khúc còn lại để ở nhà tắm. Trong tủ lạnh, còn 1 con hổ khác vẫn được ướp đá, chờ xẻ thịt.
Ngoài ra, qua khám xét, cơ quan điều tra còn phát hiện 4 ngà voi (mỗi chiếc nặng 15kg), 5 tay gấu và hàng loạt sừng hươu, sơn dương, trâu rừng và rượu cùng một số khay cao đã nấu với tổng trọng lượng 4,5kg.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây xôn xao dư luận vì những loại động vật này thuộc nhóm B1, nằm trong sách đỏ Việt Nam và Công ước Quốc tế đã cấm buôn bán, chế biến.
Hành vi của các bị can không chỉ vi phạm Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính phủ và phụ lục I của Công ước CITES để lấy xương động vật quý hiếm nấu cao bán kiếm lời mà còn phạm vào tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm theo điều 190, khoản 2, điểm đ Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa sáng nay, các bị cáo khai nhận, toàn bộ động vật hoang dã dùng để nấu cao hổ này được vận chuyển về Việt Nam từ Lào và Myanmar qua các cửa khẩu ở miền Trung, sau đó đưa ra Hà Nội. Qua khâu “chế biến”, mỗi lạng cao hổ được bán ra với giá 6,5 triệu đồng.
Trước những tội danh nêu trên, Hội đồng xét xử đã tuyên án Nguyễn Thị Thanh 30 tháng tù; Trần Văn Đế: 30 tháng tù treo; Hai thợ làm thuê là Chu Văn Biên và Nguyễn Đức Thiệp cùng lĩnh mức án 24 tháng tù và được hưởng án treo.