Chăm sóc các loài khỉ đột và tinh tinh phục vụ mục đích du lịch được xem như là một phương thức nhằm bảo tồn những loài linh trưởng đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có những mối lo ngại rằng phát triển du lịch có thể khiến cho những con vật hoang dã này bị lây nhiễm các bệnh do virus ở người gây ra.
Săn bắn vì mục đích thương mại và mất môi trường sống là những nhân tố chủ yếu gây ra sự suy giảm nhanh chóng của các loài vượn cỡ lớn. Du lịch sinh thái cùng với nghiên cứu đã được quảng bá rộng rãi với vai trò là một phương thức mang lại giá trị mới cũng như môi trường sống cho loài vượn. Trong khi mối quan hệ gần gũi với con người và loài vượn được cho làm quen với môi trường sống mới dấy lên mối lo ngại về sự truyền nhiễm bệnh tật, các nghiên cứu trước đây chỉ nhắc đến sự lây lan virus và kí sinh trùng ở mức độ vừa phải từ con người sang vượn hoang dã.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Viện Robert Kock (Berlin), Viện tiến hoá nhân chủng học Max Planck (Leipzig) và Trung tâm Suisse des Recherches Scientifiques (Bờ Biển Ngà) đã nhấn mạnh những bệnh tật đe doạ loài vượn.
Nghiên cứu đưa ra bằng chứng trực tiếp đầu tiên về hiện tượng truyền nhiễm virus từ người sang vượn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra các dự án du lịch cùng với các nghiên cứu khác đã hạn chế đáng kể nạn săn bắn tinh tinh. Lợi ích trên đã chiếm ưu thế hơn so với số lượng tinh tinh tử vong đáng kể do các bệnh truyền nhiễm của con người gây ra.
Từ lâu người ta đã nghi ngờ có sự truyền nhiễm các bệnh về đường hô hấp của con người tại những nơi vượn hoang dã có tiếp xúc gần gũi với loài người; nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên chẩn đoán tác nhân gây bệnh và xác định ảnh hưởng của yếu tố dân cư.
Fabian Leendertz, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là nhà dịch tễ học nghiên cứu bệnh dịch ở động vật hoang dã tại Viện Robert Koch (Berlin), cho biết: “Chúng ta cần phải đi tiên phong thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh tại tất cả các khu du lịch và khu nghiên cứu vượn cỡ lớn. Một cách để thúc đẩy sự chấp hành là cấp chứng chỉ cho các địa điểm này giống như chương trình dán nhãn xanh hiện đang được áp dụng với ngành công nghiệp gỗ”.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp đa liên ngành bao gồm sinh thái hành vi, y học động vật, siêu vi khuẩn học và quần thể sinh học để tìm hiểu con đường truyền nhiễm các bệnh từ người vào cộng đồng vượn tại công viên quốc gia Taï (Bờ Biển Ngà).
Tại đây lần đầu tiên các nhà nghiên cứu dạy tinh tinh làm quen với sự hiện diện của con người vào năm 1982. Các mẫu mô lấy từ những con tinh tinh đã chết trong một loạt bệnh dịch bùng phát năm 1999 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với 2 loại virus gây bệnh về đường hô hấp ở con người. Hai loại virus hợp bào đường hô hấp ở người này có tên syncytial và metapneumovirus cũng là tác nhân chủ yếu gây ra tử vong ở trẻ em tại các nước đang phát triển.
Các mẫu dòng virus lấy từ những con tinh tinh có liên quan đến các đại dịch hiện vẫn hoành hành trong cộng đồng người tại Trung Quốc và Achentina. Điều này cho thấy những bệnh dịch đó mới được truyền nhiễm từ người sang tinh tinh trong thời gian gần đây. Các tác giả của nghiên cứu cũng áp dụng phương pháp quan sát lâm sàng và phân tích nhân khẩu học để suy ra những đợt bùng phát bệnh về đường hô hấp tương tự có thể đã xảy ra vào năm 1986.
Tuy nhiên, dự án nghiên cứu cũng có những tác động tích cực nhất định. Các khảo sát theo chiều dọc đã chứng minh sự hiện diện của các nhà nghiên cứu đã ngăn chặn hoạt động săn bắn loài vượn từ những vùng xung quanh. Kết quả là, mật độ những con vượn tại địa điểm nghiên cứu cũng như tại các địa điểm du lịch gần đó đều tăng lên trên cả mong đợi mặc dù những kẻ đi săn vẫn có thể tiếp cận những địa điểm này.
Christophe Boesch thuộc Viện tiến hoá nhân chủng học Max Planck (Leizig), đồng tác giả của nghiên cứu đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo dự án nghiên cứu tại công viên quốc gia Taï, phát biểu: “Sự có mặt của các nhà nghiên cứu rõ ràng đã có ảnh hưởng tích cực to lớn trong việc bảo vệ vùng đất này. Tuy nhiên, vẫn cần phải chú tâm đến một số vấn đề vệ sinh”.
Paul N’Goran, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Suisse de Recherches Scientifiques en Côte d’Ivoire, cho biết: “Nghiên cứu đã khẳng định phương pháp đa liên ngành là cần thiết để tìm hiểu những vấn đề khác nhau trong chương trình bảo tồn loài vượn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vai trò thiết yếu của nghiên cứu khoa học trong việc kiểm soát những ảnh hưởng cũng như hiệu quả của các chiến dịch bảo tồn”.