“Một đất nước mới với hơn 1 tỉ dân” – Đó là sự ví von của các nhà khoa học quốc tế về phát hiện gây chấn động lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã trong năm qua: Một quần thể loài voọc chà vá chân xám lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay với hàng trăm cá thể đang sinh trưởng tự nhiên tại khu rừng xã Quế Phước, huyện Quế Sơn -Quảng Nam.
Phát hiện mới nhất ấy làm tăng hy vọng cứu loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm khỏi thảm hoạ tuyệt chủng. Và UBND tỉnh Quảng Nam lập tức xúc tiến thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên nhằm bảo vệ “đất nước mới với hơn 1 tỉ dân” này.
Quần thể voọc lớn nhất thế giới
Trong các cuộc khảo sát tại khu vực rừng xã Quế Phước vào tháng 05-07/2007, nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) và Việt Nam đã tìm thấy ít nhất 116 con voọc chà vá chân xám (tên khoa học Pygathrix cinerea).
Đó mới chỉ là những cá thể được nhìn thấy, và mới chỉ có một phần nhỏ trong khu vực được khảo sát. Nghĩa là rất có thể còn một số lượng đáng kể loài voọc đang sống ở cả khu vực rừng này, với ước tính số lượng của quần thể này lên đến hơn 180 cá thể – Các nhà khoa học nhận định.
Quần thể voọc này vốn lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 08/2005, khi nhóm các nhà khoa học của WWF khảo sát khu vực này để thiết lập một khu bảo tồn mới. Các cuộc hợp tác khảo sát vừa qua đã xác định tính chất đặc biệt và khẳng định ý nghĩa quan trọng của quần thể linh trưởng này.
Nghiên cứu về các loại động vật quý hiếm. |
Ông Barney Long – Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Cảnh quan Trung Trường Sơn của WWF tại Việt Nam nhận định: “Đây quả thật là một phát hiện thú vị và quan trọng vì quần thể mới này rất lớn. Rất hiếm khi phát hiện một quần thể với số lượng cá thể nhiều như vậy ở trong một khu vực nhỏ, đặc biệt là đối với một loài đang trên bờ vực tuyệt chủng như loài voọc này. Điều đó chứng tỏ rằng quần thể loài này đã không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động săn bắn như các quần thể các loài động vật khác”.
Còn ông Ben Rawson – nhà sinh vật học chuyên về các loài động thực vật hoang dã khu vực Đông Dương của tổ chức CI nói: “Nếu đặt trong ngữ cảnh của cuộc sống con người thì phát hiện này có thể ví như việc tìm thấy một đất nước mới với dân số hơn 1 tỉ người. Chúng ta đang có một cơ hội lớn để bảo tồn loài này thoát khỏi các mối đe dọa nghiêm trọng và ngăn cho chúng khỏi bị tuyệt chủng”.
Bảo tồn “đất nước mới”
Voọc chà vá chân xám vốn là một trong 25 loài linh trưởng đang bị nguy cấp nhất trên thế giới và được tìm thấy ở 5 tỉnh tại miền Trung VN gồm Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai. Loài voọc này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1997, thuộc phân loài khỉ ngón cái ngắn sống trên cây, có mặt màu da cam và những túm lông trên mặt. Các nhà khoa học tin rằng chỉ còn chưa đến 1.000 cá thể loài voọc này còn sống sót, và từ trước đến nay mới chỉ tìm thấy 1 quần thể có hơn 100 cá thể.
Cũng giống như các loài linh trưởng khác ở Việt Nam, loài này cũng đang đối diện với một tương lai không chắc chắn do các hoạt động săn bắn và mất đi môi trường sống.
Theo kết quả đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế vào năm 2006, thì 65% loài linh trưởng của Việt Nam đang trong tình trạng “đang nguy cấp” hoặc “cực kỳ nguy cấp”. Vì vậy Việt Nam đang là một trong những nước được ưu tiên cao nhất trên toàn cầu về bảo tồn linh trưởng.
Trên thực tế, hiện “đất nước với hơn 1 tỉ dân” vừa được phát hiện cũng đang bị đe doạ bởi nạn khai thác gỗ, săn bắn trái phép và kế hoạch xây dựng một con đường mới chia đôi khu rừng. Ngay sau khi phát hiện chấn động trên được chính thức công bố, vào trung tuần tháng 10/2007, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập tức gửi văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT phê duyệt qui hoạch để thành lập mới một khu bảo tồn sinh cảnh loài tại đây để bảo vệ “đất nước với hơn 1 tỉ dân”.
Khu bảo tồn này có diện tích 18.765ha thuộc 2 xã Quế Phước và Quế Lâm huyện Quế Sơn. Tại đây, ngoài quần thể loài voọc còn có các loài voi rừng với số lượng đáng kể, 5 loài chim chỉ có ở vùng này, loài rùa có tầm quan trọng thế giới với số lượng rùa nước ngọt lớn, đặc biệt là rùa hộp trán vàng, rùa bốn mắt, cùng hệ thống các sông nước ngọt và rừng đất thấp còn tương đối nguyên vẹn.