Những chuyến tàu… ô nhiễm

Đẩy cửa bước vào phòng vệ sinh ở cuối toa tàu, một mùi không dễ chịu tí nào xộc vào mũi. Lúc này, tàu đang đi ngang qua đoạn Công viên Thống Nhất, nơi đường sắt chạy giữa hai lá phổi của Thủ đô là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu thơ mộng. Vậy mà những "sản phẩm" xú uế đó mặc nhiên rơi xuống.

Đường sắt Việt Nam có lịch sử hình thành trên 100 năm nay, với chiều dài gần 3.000km, chạy khắp 35 tỉnh, thành phố thuộc Bắc – Trung – Nam. Cùng với những tích cực mà vận tải đường sắt đem lại, Đường sắt Việt Nam đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng về môi trường đối với những vùng dân cư, đó là xả xú uế, phân người trực tiếp xuống lòng đường dọc chiều dài, chiều rộng đất nước. Hậu quả ấy, hiện chưa có cơ quan khoa học, chức năng nào đo đếm được.

Nhằm góp phần cùng tập thể cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt tìm giải pháp khắc phục triệt để tình trạng trên, Chúng tôi đã cử nhóm phóng viên thực hiện loạt phóng sự nhiều kỳ về thực trạng và giải pháp hữu hiệu trong những ngày cả nước đang tích cực phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Những toilet di động

15h45′ ngày 16/11, chuyến tàu TN3 xuất phát từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội trong cái nắng hanh hanh của những ngày đầu đông. Khi còi tàu vừa hú lên báo hiệu giờ chuyển bánh, đi về phía cuối toa tàu để tìm phòng vệ sinh. Đẩy cửa bước vào, một mùi không dễ chịu tí nào xộc vào mũi. Lúc này, tàu đang đi ngang qua đoạn Công viên Thống Nhất, nơi đường sắt chạy giữa hai lá phổi của Thủ đô là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu thơ mộng. Vậy mà những “sản phẩm” xú uế đó mặc nhiên rơi xuống.

Trò chuyện với nhân viên toa số 12, anh này xác nhận: “Chẳng có cách nào khác. Cá nhân tôi cũng thấy ớn khi nghĩ đến cảnh những “sản phẩm” đó đang được thả vào môi trường sống, nhưng cũng chẳng có cách nào khác cả”… Phòng vệ sinh trên tàu hầu hết đều thuộc diện “dã chiến”. Đi các toa khác, thấy đa số bệ xí của phòng vệ sinh đều làm bằng sắt, chỉ một số rất ít toa là dùng bệ sứ, lát gạch men.

Nhưng không hiểu là do quá cũ, quá lâu ngày, hay cách làm việc quá cẩu thả, chỗ tiếp giáp giữa bệ sứ và gạch men bị trũng xuống. Chỗ trũng đó đọng thành một vũng nước thải bẩn thỉu, vàng khè và rất hôi thối, dù có được giật nước thì nó cũng không thể giội đến được. Bước vào cái phòng vệ sinh lõm bõm nước đó, quả thực là rợn cả tóc gáy.

22h05′ ngày 20/11, rên chuyến tàu LC1 đi Lào Cai, đây là tuyến đường sắt phục vụ đa phần khách du lịch, và đã được ưu tiên trang bị rất nhiều toa xe có nhà vệ sinh hiện đại nhưng tình trạng vẫn không khá hơn. Khi tàu vừa ra đến đầu cầu Long Biên (Hà Nội) cửa nhà vệ sinh bắt đầu mở. Vẫn là những buồng vệ sinh hôi hám, bẩn thỉu, thiếu nước và thông thống xả thẳng xuống đường ray như những gì mà chúng tôi từng chứng kiến ở những tuyến đường sắt khác. Vẫn cảnh những hành khách xếp hàng và vô tư phóng xú uế xuống dòng sông, xuống lòng đường.

Theo quan sát, tình trạng này không chỉ dừng lại ở đây mà còn tiếp diễn suốt dọc đường đi từ Hà Nội lên Lào Cai. Mỗi lần tàu qua hoặc qua các trung tâm đông dân cư, hành khách vẫn vô tư xả xú uế, “sản phẩm bài tiết” xuống đường ray…

Cả hành khách và nhân viên đều bức xúc

Bác Nguyễn Văn Tình ở Than Uyên – Lai Châu, một hành khách đi cùng chuyến tàu tâm sự: “Thi thoảng tôi mới đi tàu từ Lào Cai xuống Hà Nội và ngược lại, nhưng lần nào tôi cũng chứng kiến cảnh người dân xếp hàng để chờ vào nhà vệ sinh và sau đó là những đợt phóng uế thẳng xuống đường ray. Đến thế kỷ XXI rồi, khi con người đã bay vào vũ trụ từ rất lâu, vậy mà ngành lớn như đường sắt lại thiếu trách nhiệm với sức khỏe của những người công nhân sửa đường, những người tuần đường và hàng triệu người dân nước mình. Đến bây giờ, mới đặt vấn đề này ra đã là quá muộn”.

Anh Phạm Đình Thuận, nhân viên đường sắt phục vụ trên tuyến tàu Thống Nhất Hà Nội – TP HCM bày tỏ: Việc hành khách phóng uế rồi xả thẳng xuống đường ray dọc tuyến đường đoàn tàu chạy qua là rất mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, nhất là trong mùa dịch tả việc này sẽ rất nguy hiểm.

Ở nước ngoài, các đoàn tàu hỏa có hệ thống vệ sinh tự hoại, nhưng ở nước ta để cho những chất thải này… rơi tự do, những người sống hai bên đường là người chịu thiệt thòi nhất. Còn một nhân viên toa số 12 chuyến tàu TN3 kêu lên: “Chẳng có cách nào khác. Cá nhân tôi cũng thấy ớn khi nghĩ đến cảnh những “sản phẩm” xú uế đó đang được thả vào môi trường sống.
Nhưng cũng chẳng có cách nào khác cả”. Chẳng nhẽ không còn cách nào khác?