20 năm qua, họa sỹ Trần Đình Phùng theo đuổi đề tài nghiên cứu xây dựng một nghĩa trang thân thiện với môi trường, tốn ít đất, tốn ít kinh phí… Đề tài này vừa đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC năm 2007.
Niềm say mê không giống ai
Về hưu, làm nghề bốc thuốc và châm cứu tại một căn nhà trong hẻm nhỏ thuộc quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, họa sỹ Trần Đình Phùng ngày ngày tiếp xúc với rất nhiều số phận, nhiều cảnh đời.
Ông bùi ngùi kể: “Tôi đã thấy nhiều người nghèo lắm, đến nỗi không lo được mộ phần cho thân nhân nằm xuống, rồi chôn đại, chôn lén… Tôi biết họ đau lắm, nhưng vì nghèo, họ không thể làm khác hơn. Thế là tôi đi suốt 20 năm qua…”.
Người họa sỹ già đã tìm đến nhiều nghĩa trang khắp cả nước, quyết tâm tìm được lối thoát lúc cuối đời cho người nghèo.
Ông tự bỏ tiền túi – số tiền do bán tranh, tiền lương hưu dành dụm được – tìm đến các nghĩa trang, đài hóa thân ở Hà Nội, Huế, các tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Qua nhiều chuyến khảo sát, người họa sỹ già nhận thấy, đất cho người chết đang nuốt dần đất của người sống. Môi trường ở các khu nghĩa địa ô nhiễm trầm trọng. Không ít khu dân cư sống gần nghĩa trang đã phải kêu trời do uống nước nhiễm… mỡ của người chết. Bệnh tật cũng từ đó nảy sinh.
Đất đai ngày càng khan hiếm khiến giá một suất đất cho người chết ngày càng tăng chóng mặt. Thời điểm này, để có một suất đất ở nghĩa trang thành phố, phải chi khoảng 100 triệu đồng!
Vậy là suốt 20 năm qua, ông mày mò nghiên cứu xây dựng một nghĩa trang vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường, vừa tốn ít đất, ít kinh phí.
Ban đầu, ông dự định xây dựng theo hướng hỏa táng, nhưng phương pháp này vẫn vấp phải nhiều sự phản đối vì không phù hợp với tập quán của người Việt Nam.
Cuối cùng, ông chuyển sang xây dựng đề tài “Nghĩa trang sạch” – nghĩa trang “nhà trọ”.
Ông lý giải: “Người quá cố không nằm đó mãi mà sau ba năm sẽ dời đi để nhường chỗ cho những người mới đến, như một “nhà trọ” vậy. Nghĩa trang này sẽ không gây ô nhiễm môi trường do có một hệ thống làm sạch đã được xây dựng sẵn”.
Ông mải miết đi, ghi chép, vẽ đi vẽ lại bao nhiêu bản thiết kế, lắp ghép rồi lại tháo dỡ… Nhắc đến họa sỹ Phùng, bà con xóm giềng trìu mến gọi là “ông họa sỹ già có niềm say mê chẳng giống ai”.
“Nhà trọ” sạch cho người quá cố
Theo đề tài nghiên cứu của học sĩ Trần Đình Phùng, ở nghĩa trang “sạch”, các ngôi mộ xây sẵn, bên trong lát gạch men trắng. Cạnh thành lắp ống thông khí metan (CH4) dẫn đến lò đốt, dưới đáy có một hệ thống xử lý chất thải, hệ thống này gồm 2 ngăn: ngăn lắng và ngăn lọc. Ngăn lắng chứa chất thải, ngăn lọc chứa than hoạt tính, nhằm hấp thu và loại bỏ tất cả chất phóng xạ, chất gây ung thư, mùi hôi thối, chất thải. Quan tài được làm bằng chất liệu các-tông cứng, chịu lực tốt theo công nghệ mới của Việt Nam, sẽ nhanh chóng phân hủy khi gặp nước.
Khi chôn táng được bổ sung một ít hợp chất vi sinh Enchoice vào quan tài, giúp phân hủy nhanh các chất hữu cơ. Sau 3 năm mãn tang, hài cốt sẽ được cải táng và ngôi mộ tiếp tục được sử dụng cho người chết tiếp theo. Bộ hài cốt này sẽ được rửa sạch, sấy khô rồi đặt vào trong những tiểu bọc nhung đỏ trang trọng. Các tiểu này được đưa vào đền quy thiên (xây dựng tại nghĩa trang). Trong đền đặt nhiều tủ (có thể làm nhiều tầng) để đựng tiểu. Chiều dài mỗi tủ khoảng 1,2m. Mỗi tiểu có kèm theo hồ sơ dán ảnh, lý lịch, mã số… và được lưu trong máy vi tính. Hệ thống những ngôi mộ sạch sẽ tiếp tục được sử dụng…
Công trình “Đền quy thiên” tiết kiệm hàng nghìn m2 đất chôn sau khi cải táng bởi với một ngôi đền có diện tích 1.000m2 sẽ lưu giữ, bảo quản được 20.000 – 22.000 bộ hài cốt mà nếu chôn sẽ cần tới một nghĩa trang rộng 300.000m2. Tại đền này, người thân vẫn có thể thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. Các vùng đô thị đất chật người đông, vùng đảo, các địa phương ven biển, các tỉnh miền Trung, miền Bắc có tập quán cải táng sau 3 năm đều có thể áp dụng giải pháp này.
Theo ước tính, chi phí cho một nơi yên nghỉ như vậy chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Theo nhận định của Ban giám khảo VIFOTEC 2007, đề tài “nghĩa trang sạch” rất sáng tạo, mang tính thiết thực cao. Ban giám khảo quyết định trao giải Ba cho đề tài “nghĩa trang sạch” của họa sỹ Trần Đình Phùng.
Việc xây dựng nghĩa trang sạch theo đúng thiết kế của họa sỹ Trần Đình Phùng chỉ tốn kém chi phí xây dựng ban đầu nhưng về sau sẽ tiết kiệm được rất nhiều do không tốn đất, đảm bảo vệ sinh môi trường…”.
“Thay đổi một tập quán lâu đời là một điều không dễ, nhưng một tập quán lạc hậu, nhiều phiền phức cho xã hội thì cần phải cải tiến” – Họa sỹ Phùng tâm sự.
Số tiền thưởng 10 triệu đồng không phải là nhiều so với thời gian, công sức nghiên cứu của ông 20 năm qua, nhưng ông rất vui vì tâm huyết của mình đã được công nhận. Điều ông trăn trở nhất là làm sao triển khai được đề tài này vào thực tế.
Mong được ứng dụng
Họa sỹ Phùng tiết lộ, dù giải pháp này đã hoàn chỉnh cách đây bốn năm, nhưng tới giờ vẫn chưa có nơi nào áp dụng “Chính quyền nơi tôi ở nói đề tài được giải là đã được kiểm chứng về khoa học nhưng mới quá nên trên phải có chủ trương mới xem xét được”, họa sỹ Phùng trăn trở, “Tôi đã gửi công trình tới một số tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng đều nhận được câu trả lời tương tự”
Tuy nhiên, họa sỹ Phùng cũng tiết lộ một tin vui, vừa qua, một công ty hóa chất của Mỹ có chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh đã hứa sẽ tài trợ chế phẩm Enchoice nếu đề tài được triển khai.
“Năm nay tôi đã gần 70 tuổi không thể đi tới các địa phương để giới thiệu. Tôi mong trong thời gian tới sẽ có tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đứng ra đầu tư, hỗ trợ để sản phẩm đến được với cuộc sống”.