Vườn quốc gia Tràm Chim đạt được 7 trong 9 tiêu chuẩn của công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước, là một trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam. Sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, hiện nay vườn đang đối mặt với thực trạng khách quan hết sức nan giải, làm đau đầu các nhà khoa học. Đó là loài cây trinh nữ (còn gọi là cây mai dương, cây mắc cỡ…) mọc tràn lan lấn chiếm ngày càng nhiều diện tích của khu vườn làm ảnh hưởng đến việc sinh sống của các loài động-thực vật nơi đây.
Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng chu vi hơn 70km và tổng diện tích hơn 7.588ha đất lâm nghiệp, là nơi trú ngụ của hơn 200 loài chim nước, hơn 100 loài cá nước ngọt, 130 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các sinh vật khác…
Những năm qua, tại Vườn quốc gia Tràm Chim đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo về phòng trừ cây mai dương, trong đó, có các cuộc hội thảo quốc tế về đề tài “Xâm hại của cây trinh nữ và nghiên cứu cách phòng trừ…”.
Tại hội thảo, đa số các nhà khoa học đều cho rằng: tác hại của loài cây Trinh nữ là rất lớn. Mỗi năm, cây trinh nữ nảy nở chiếm diện tích tăng gấp đôi số hiện có. Nếu không sớm tiêu diệt thì trong 4-5 năm nữa, ở Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ biến mất hoàn toàn các loài động-thực vật quý hiếm.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng đưa ra biện pháp diệt trừ cây mai dương để bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học nước ta, nhất là bảo vệ các nơi đã nêu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Lầm-Viện Bảo vệ Thực vật Việt Nam cho biết: “Có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là: biện pháp thủ công, biện pháp hóa học và sinh học! Trong đó, biện pháp sinh học đã được tiến hành ở các quốc gia Thái Lan, Ô-xtrây-li-a… như: thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây Trinh nữ, nhưng ở nước ta chưa được thực thi…”.
Còn theo kỹ sư Võ Văn Chưa, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông thì: “chỉ có hai cách: một là dùng thuốc diệt cỏ cao cấp cực mạnh như: Roundup, nhưng chỉ áp dụng được cho từng cụm có cây trinh nữ-nếu không, sẽ xâm hại tới các loại cây trồng khác; hai là tăng cường lực lượng làm cỏ bằng thủ công. Cách này đáng ngại là để hạt của cây này theo nước trôi tới đâu… thì sẽ mọc cây tới đó”.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường đại học Cần Thơ đã thực hiện thử nghiệm sử dụng thân cây mai dương để làm nguyên-vật liệu trồng nấm mèo, nấm đông cô… Nhiều hộ dân sống quanh Vườn quốc gia Tràm Chim hiện đang phát triển nghề nuôi dê sinh sản để đàn dê ăn cây trinh nữ nhằm góp phần tiêu diệt loại cây gây hại này, nhưng xem ra vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn!
Cây trinh nữ đang là một vấn nạn ở Vườn quốc gia Tràm Chim, cần các nhà thực vật học nghiên cứu và chế biến thuốc diệt cỏ, tìm biện pháp hữu hiệu diệt trừ tận gốc loài cây độc hại này!