Khi các nhà máy, xí nghiệp từ nội thành chuyển ra, cùng với Khu công nghiệp Lê Minh Xuân đi vào hoạt động, nhưng nước xả thải của những đơn vị này lại không qua xử lý, đổ ra làm nước ở các kênh, rạch huyện Bình Chánh TP.HCM không còn xanh nữa mà chuyển sang màu đen, nặng mùi hôi.
Nhìn đâu cũng thấy nước đen
Anh Nguyễn Văn Tư ở ấp 1 xã Tân Nhựt mình đầy mận đỏ, nói: “Chỉ xuống nước be bờ chừng 10 phút mà mình mẩy nổi mận đỏ, ngứa ngáy suốt cả tuần. Con người còn chịu không được với thứ nước đen sì này, nếu sơ sẩy để lọt vào ruộng thì nhẹ là cây lúa đưng lại, nặng là cháy hết”.
Cuộc sống cả gia đình anh Tư phụ thuộc vào 1 mẫu ruộng nhưng mấy năm nay năng suất lúa cứ giảm dần. Vụ này gia đình khéo chăm, không cho nước bẩn vào ruộng nhưng nó cứ thấm dần nên chỉ thu hoạch hơn 2 tấn lúa. Anh Ngô Văn Phước ở ấp 2 lại nói rằng, nguồn sống của gia đình anh lâu nay dựa vào 5 công ruộng nhưng nay làm ruộng không đủ ăn vì năng suất cây trồng không cao.
Ở ấp 1 xã Bình Lợi, người dân nuôi cá cũng bị nước đen bủa vây. Mọi người phải cắt cử nhau canh chừng không cho nước bẩn từ kênh thủy lợi chảy vào ao. Bà Nguyễn Thị Tương ở ấp 1 xã Bình Lợi nói đây là một cái tết buồn vì cá bà nuôi trong ao bị chết hết. Hơn 3 tháng trước, do sơ sẩy, nước từ kênh thủy lợi chảy vào ao. Chỉ sau vài giờ, gần 1 tấn cá đang trong độ lớn đã chết trắng mặt nước.
Ông Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện bức xúc, nguồn nước thủy lợi ô nhiễm đã làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi trên diện rộng và ngày càng trầm trọng hơn. Nổi cộm là vụ lúa vừa rồi, có gần 3 ha lúa ở ấp 7 xã Lê Minh Xuân bị “cháy” vì lỡ cho nước đen từ kênh vào ruộng.
Làm trong nước kênh – việc không thể chậm trễ
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết, xã Tân Nhựt cùng với các xã Lê Minh Xuân, Bình Lợi… nằm trong đoạn cuối của hệ thống kênh Thầy Cai, An Hạ. Mấy năm trở lại đây, chất thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất ở Củ Chi, Hóc Môn nơi thượng nguồn các con kênh này xả ra thì ruộng, vườn nơi đây phải hứng chịu hết.
Thêm vào đó, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân là nơi tập trung các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực gây ô nhiễm nhiều như xi mạ, tẩy nhuộm, thuộc da… lại thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch. Chỉ riêng nước súc rửa của 3 nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu trong khu công nghiệp này không xử lý mà xả thẳng ra kênh cũng đủ làm tôm, cá trong khu vực bị chết.
Đi dọc theo kênh C12, C16, C18 rồi ra kênh B, kênh C nhìn thấy nước ở đâu cũng một màu đen, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Những cây dại ven kênh, rạch cũng bị vàng cháy.
Theo kết quả phân tích mẫu nước của Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời điểm cuối tháng 12/2007, cho thấy mức độ ô nhiễm trên hệ thống kênh, rạch đã đến mức báo động.
Được biết, theo Tiêu chuẩn Việt Nam thì chỉ số BOD5 cho phép là trên dưới 50 mg/l còn tại kênh B (đoạn cống cuối kênh C16) lên đến 450mg/l, tại kênh C (cống đầu kênh C12) lên đến 470 mg/l; chỉ tiêu TDS chuẩn là 400mg/l thì tại cống cuối kênh 16 là 1.875 mg/l, cầu Tân Tạo trên kênh C là 2.107 mg/l; chỉ tiêu Feacal Colifoms chuẩn là 200MPN/100ml thì tại cống cuối kênh C16 là 4.300 MPL/100ml, cống đầu kênh C12 là 93.000/MPL/100ml và cầu Tân Tạo là 24.000/MPL/100ml.
Theo ông Nguyễn Trường Xuân, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi, hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các kênh, rạch thuộc địa bàn các xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân, Tân Kiên, Bình Lợi… là rất nghiêm trọng. Nước ô nhiễm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực, gây bức xúc trong nhân dân. Nguồn nước bị ô nhiễm đã làm cho cây cối biến mất màu xanh, chết lụi dần và đang ngày một lan rộng ra cả khu vực.
Việc chặn ô nhiễm, tiến tới làm trong con nước ở các kênh, rạch, hệ thống thủy lợi là công việc cấp thiết hiện nay, bởi đó là cuộc sống của hàng ngàn gia đình nông dân nơi này.