Ngộ độc thức ăn thường gặp ngày Tết

Nhiều loại rau, củ quả mà chúng ta vẫn ăn thường ngày không hề gây hậu quả gì thì ngày Tết lại có thể gây ngộ độc. Đây là lời cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày Tết.

Ngộ độc do rau, củ, quả

Nhiều loại rau, củ quả mà chúng ta vẫn ăn thường ngày không hề gây hậu quả gì thì ngày Tết lại có thể gây ngộ độc. Không phải do bất kỳ hiện tượng thần bí nào như trước đây một số người thường nghĩ. Thực chất chỉ vì ngày thường chúng ta mua hoặc hái về là ăn ngay.

Còn ngày Tết, do muốn dành thì giờ rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thăm thú, tiếp đón khách khứa bạn bè, nên các gia đình thường mua sắm và tích trữ rau, củ, quả thông dụng để tiện dùng mà không phải bỏ công đi mua sắm hay để khách chờ lâu. Nhiều loại rau xanh, một số củ và hoa quả khi để lâu có thể biến chất do một số thành phần bị biến đổi, trở thành các chất độc cho cơ thể. Xin nêu ra đây vài loại rau quả dùng phổ biến trong ngày Tết và có thể gây độc.

Loại thứ nhất là củ cà rốt. Cà rốt chứa nhiều carotein là tiền tố của vitamin A, rất có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt là cho thị giác. Mặt khác, do có màu đỏ là màu tạo nên cảm giác hấp dẫn cho món ăn và gợi lên sự thịnh vượng trong tâm trí thực khách ngày đầu năm thiêng liêng nên thường được tích trữ và dùng nhiều trong ngày Tết. Trong củ cà rốt có chứa nhiều nitrit là chất gây độc cho cơ thể dưới dạng chất xúc tác phản ứng methyl hoá gây biến hemoglobin của hồng cầu (chất vận chuyển ôxy) thành methemoglobin không có khả năng kết hợp với ô-xy và vì vậy hồng cầu mất chức năng bình thường.

Ngoài ra, khi hồng cầu chứa methemoglobin thường dễ bị vỡ hàng loạt gây bệnh thiếu máu do tan máu cấp. Cà rốt tươi không gây hại vì gốc nitrit vẫn chưa hình thành nhiều. Khi tích trữ lâu từ 3-5 ngày, nitrit sẽ tích tụ ngày càng nhiều khi củ cà rốt càng gần đến ngày hư hỏng và vì thế càng dễ gây độc cho cơ thể khi người ta ăn phải nhiều cà rốt để lâu, kể cả khi để trong tủ lạnh.

Loại thứ hai là các rau họ epinard như rau dền, đặc biệt là rau dền đỏ. Cơ chế gây bệnh cũng tương tự như cà rốt vì rau dền cũng chứa nhiều nitrit và thường rất dễ và chóng bị hư hỏng. Trước đây rau dền chỉ được nông dân dùng nấu canh ăn ngay nên ít gây độc. Gần đây các nhà hàng ở thành phố thường dùng rau dền tích trữ với lượng lớn để làm món xào cho thực khách nên dễ gây ngộ độc.

Ngộ độc thức ăn, bánh kẹo và cách phòng, chữa

Ngộ độc thức ăn và bánh kẹo hay gặp hơn nhiều và thường nặng hơn ngộ độc rau củ quả nêu trên.

Đa số trường hợp là do các thực phẩm dùng làm món ăn nấu không chín, nhưng cũng có trường hợp do nấu lại (ngộ độc cơm rang/hấp do vi khuẩn B. cereus), do thức ăn để lâu (ngộ độc ngoại độc tố tụ cầu vàng) hoặc sử dụng thức ăn đồ hộp để lâu không đun nấu kỹ lại (ngộ độc đồ hộp nguội do vi khuẩn Clostridium perfringens) hoặc thực phẩm hỏng dù đã nấu kỹ do độc tố bền vững với nhiệt (Clostridium botulinum).

Đặc điểm chung là thời gian ủ bệnh rất ngắn, từ vài giờ đến dưới 1 ngày, nên thường dễ nhận biết nếu hỏi kỹ. Mặt khác, thường những người cùng ăn sẽ cùng bị bệnh nên dễ nhận biết. Triệu chứng thường gặp trong đa số trường hợp ngộ độc thức ăn là nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp kèm đau bụng dữ dội (ngộ độc do Salmonella spp). Đôi khi chỉ có triệu chứng thần kinh (liệt nặng đột ngột) có thể gây tử vong nếu không kịp xử trí gấp cà tích cực tại bệnh viện (ngộ độc do C. botulinum).

 nd

Đa số các trường hợp ngộ độc không điều trị bằng kháng sinh, vì có thể làm nặng tình trạng ngộ độc do tăng độc chất thoát ra từ các vi khuẩn bị tiêu diệt hàng loạt. Các thuốc cầm tiêu chảy cũng cần tránh vì không có tác dụng và có thể gây độc thêm.

Các biện pháp điều trị chung thông thường là uống nhiều dịch (oresol càng tốt), tiếp tục ăn thức ăn loãng, tránh dùng các chất kích thích như bia rượu, các chất cay. Những trường hợp nặng cần được điều trị tại bệnh viện để các thầy thuốc theo dõi nguy cơ trụy mạch, dùng thuốc chống nôn có hiệu lực qua đường tiêm và truyền bù dịch đường tĩnh mạch, chỉ định kháng sinh thận trọng có chọn lọc hoặc hồi sức tích cưc bằng máy thở khi cần.