“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín như duyên đèo bòng”. Chợ Bưởi là một chợ to, có tiếng ở ven đô… Chợ là nơi trao đổi buôn bán có từ hàng trăm năm, là một chợ quê khá phong phú… Ngày trước, chợ Bưởi họp từ sáng tới tận một hai giờ chiều, những hàng quán cố định thì ngồi đến tận tối mịt.
Chợ Bưởi tọa lạc ngay ở ngã năm Bưởi. Cái ngã năm ấy chính là lợi điểm của nơi họp chợ… Phía 13 trại kéo sang, phía làng Na, Báo kéo xuống, phía Nhật Tân đổ về, phía Thủ Lệ tới, riêng phía Yên Thái Thụy Khuê thì được coi là dân bản địa, không nói làm gì.
Dạo chợ thì hàng thóc gạo, vải vóc, hàng khô, hàng rau cỏ, cá thịt, không nói làm gì! Nhưng đã nói đến chợ Bưởi là nói đến chợ của cây giống và con giống…
Dân nội đô thì đến để mua thỏ, mua chim, mua mèo, mua chó về để làm cảnh, thứ thì để nuôi, để giữ nhà… Riêng chích chòe với chim gáy xưa thì chợ Bưởi hơn đứt chợ Đồng Xuân, vì ở đây nhiều, tha hồ mà chọn… Đến những đám sáo đen, nếu khéo gọt lưỡi đi, dậy học nói, cũng phải tìm đến đây mà mua…
Dân trồng cây thì đến mua cây giống. Mùa nào thức ấy, nào bưởi, nào nhót, hoa giấy, nhài, mộc, ngâu…, thứ gì cũng có… Nhưng có lẽ từ xưa cây giống bưởi bán ở chợ Bưởi cũng nhiều. Trừ bưởi Diễn là thứ bưởi ngọt, không nói làm gì, chứ bưởi quanh vùng Hồ Tây, thì ở đâu, trồng ăn cũng ngon, thứ bưởi dôn dốt chua rất hợp với khẩu vị của các thiếu nữ Thủ đô, bưởi quả cũng khá to, da vàng tươi, thường cùng được dân trong vùng xưa, mua nhiều để bầy thờ và đi lễ tết.
Cũng cần nói thêm, hoa trái thời xưa hiếm, lễ tết có quả bưởi ngon, đẹp, đem đến nhà họ hàng thân thích, cũng quý lắm.
Bưởi ở chính làng Bưởi có múi vừa phải đẹp, mịn, tôm ướt, ăn vào những lúc sau bữa cỗ để át các vị thịt cá, mỡ màng thật đắc vị…
Người làng Bưởi trước, cứ vào mùa bưởi, thứ tráng miệng chính là đĩa bưởi được bày theo mâm cỗ.
Có lẽ xưa, bưởi giống mấy làng Bưởi khá được dân trong vùng khá chuộng nên mới có câu ca dao dẫn làm đề từ ở trên… Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín như duyên đèo bòng! Câu ca này vốn lưu ý mọi người đến chữ Bưởi và bòng…
Bòng cũng là từ cũ để gọi bưởi. Quả bòng, nhiều làng xưa cũng để gọi quả bưởi… Chơi chữ được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Vì chợ cũng là nơi trai thanh, gái lịch gặp nhau nhất là những phiên chợ có hội làng hoặc xuân tết… Nhưng có lẽ ngoài ý nghĩa giao duyên, trữ tình, câu ca cũng muốn nhấn thứ đặc sản ở đây là cây giống bưởi và bưởi ngon của vùng Bưởi. Ngon là do bùn của Hồ Tây được xúc lên, phơi ải bón chăm cho cây Bưởi chăng? Lại còn một câu ca dao nữa cũng nhắc đến đặc điểm của chợ Bưởi:
Chợ Bưởi ngày chín tháng tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên rằm!
Ai đi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu…
Như vậy là riêng tháng tám, chợ Bưởi có tới bẩy phiên, mà hai phiên là hai ngày 14 và ngày rằm lại liền nhau… Chợ ngày này đông không kém Tết nguyên Đán, bởi người nội đô, người ven thành thường kéo về mua hoa quả cho trẻ con bầy cỗ… Mà hoa quả cỗ trung thu ngày xưa không thể thiếu bưởi, vì bưởi cũng là thứ quả đầu mùa vào tháng tám mà hình thù cũng giống như ông trăng rằm vậy!
Nhà nào cũng có quả bưởi trong đám bánh trái, na, ổi để trẻ con phá cỗ…, để như muốn nói đám trẻ chân quê không những
có ông trăng tròn đẹp nhất nằm ở trên trời, mà có cả ông trăng ở ngay mâm cỗ của đám trẻ làng hồn nhiên chất phác nữa.
Quà chợ Bưởi những ngày trung thu cũng ngon, nhất là thứ bún xáo chó… mua bán xong, rẽ vào làm chén rượu với bát bún này, hẳn cũng là thú thưởng thức của những người chân quê ven thành…
Chợ Bưởi còn bao nhiêu thứ khác nữa. Nào vải vóc lụa the, nào lợn gà, cá béo Hồ Tây, giấy viết cho các thầy đồ… Nhưng nhắc đến chợ Bưởi người xưa vẫn nhớ về các thứ cây giống, con giống, chẳng cần quảng cáo mà cũng đã thành thương hiệu lưu truyền.
Bây giờ chợ Bưởi đã mất tăm cái dáng chợ quê ven thành, vừa đông, vừa hấp dẫn như xưa… Chợ cũng đã xây nhà tầng, và không còn cần họp theo phiên nữa… Văn minh, gọn ghẽ, sạch đẹp hơn… Nhưng sao hình ảnh phiên chợ Bưởi xưa vẫn không sao xóa nổi.