Ở một tỉnh miền Bắc, ngày công làm nông nghiệp 15.000-20.000 đồng; trong khi đó ngày công làm dịch vụ và công nghiệp lại rất cao, thậm chí đi phu hồ cũng thu được 40.000-50.000 đồng. Để giải quyết vấn đề, cần đặt lên hàng đầu chương trình cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp
Năm 2007, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu tăng mạnh, nông thôn tiếp tục phát triển toàn diện, đời sống bà con nông dân được cải thiện… Tuy nhiên, vấn đề việc làm và thu nhập trong nông nghiệp cũng đang ngày càng bức xúc.
Năm 2007 là năm thời tiết diễn biến phức tạp, vụ Đông Xuân ở miền Bắc ấm bất thường, hạn hán, bão, lũ và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, sâu bệnh cây trồng phát sinh trên diện rộng, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao… Tuy nhiên, với sự nỗ lực điều hành, Bộ NN&PTNT đã thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mặc dù mong đợi có tăng trưởng cao, đồng nghĩa với việc làm và thu nhập của bà con nông dân cũng được nâng lên, nhưng năm nay có điểm đặc biệt là giá trị tổng sản lượng đạt 4,6%, cao hơn năm 2006 là 4,4%, nhưng giá trị gia tăng lại thấp hơn. Điều đó cho thấy, bà con nông dân đã phải bỏ ra chi phí nhiều hơn, thêm vào đó, thiên tai, dịch bệnh, giá cả cũng gia tăng…
Nhìn từ các địa phương, cũng đủ thấy có không ít vấn đề bức xúc, thách thức đặt ra cho sự tăng trưởng của nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “Mặc dù trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp chỉ chiếm 36,4%, nhưng với hơn 70% dân số sống ở nông thôn thì nông nghiệp vẫn là một bộ phận đặc biệt quan trọng ở Long An”.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, do chủ trương phát triển công nghiệp, dịch vụ, nên ngành nông nghiệp đã bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là lao động trong nông nghiệp giảm một cách rất rõ rệt. “Nhân công cắt lúa, làm cỏ ở Long An hay các tỉnh phía Nam hiện nay không có nữa. Cho nên, chúng tôi nghĩ chương trình cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp phải đặt lên hàng đầu. Đất nước hơn 80 triệu dân và lịch sử không cho phép chúng ta phải nhập khẩu lại gạo để ăn” – ông Xuân bức xúc nói.
Ông Phạm Quang Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đặt vấn đề: “Ngày công làm nông nghiệp 15.000-20.000 đồng, trong khi đó ngày công làm dịch vụ và công nghiệp lại rất cao, thậm chí đi phu hồ cũng thu được 40.000-50.000 đồng. Vậy, dại gì người ta làm nông nghiệp?”. Vấn đề việc làm và thu nhập trong nông nghiệp thấp đang rất bức xúc.
Theo ông Hùng, dù có phát triển mạnh công nghiệp thật, nhưng 70-80% dân số của Vĩnh Phúc sống dựa vào nông nghiệp đâu có thể chuyển sang làm công nghiệp được hết. “Mặc dù tỉnh phát triển như vậy, nhưng vừa rồi có tập đoàn vào tuyển 100 người, nhưng chỉ tìm có được… 1 người” – ông Hùng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong năm 2007, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã đứng vững và cạnh tranh được trong hội nhập quốc tế. Biểu hiện cụ thể là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của cả nước ước đạt 12,5 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010 là 1,5 tỷ USD.
Trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 5 mặt hàng thuộc về ngành nông, lâm, thuỷ sản, đó là: gạo (1,46 tỷ USD), cà phê (1,86 tỷ USD), cao su (1,4 tỷ USD), sản phẩm gỗ (2,36 tỷ USD) và thuỷ sản (3,8 tỷ USD). Thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 6,6%…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu chúng ta kiểm soát thiên tai, dịch bệnh và giá tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tăng cao hơn, đời sống nông dân cũng được cải thiện tốt hơn. Về những giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành NN&PTNT phải rà soát lại quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiện nay, thu nhập bình quân của 9 triệu ha trồng lúa chỉ đạt 25 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này quá thấp, cho nên chúng ta phải chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, thâm canh. Hay với cây ngô, mặc dù năm nay, sản lượng đạt 4 triệu tấn, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu 700.000 tấn.
“Trong khi đất trồng ngô vẫn còn, tại sao chúng ta không đặt ra cơ chế, chính sách để đáp ứng đủ ngô cho nhu cầu trong nước. Làm được việc này, chúng ta vừa tiết kiệm được USD để nhập khẩu ngô, vừa tạo việc làm cho bà con nông dân” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương phát triển tốt cơ sở hạ tầng và đào tạo nghề ở nông thôn; quan tâm tới đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, đặc biệt trong việc quản lý đất ở các nông, lâm trường quốc doanh./.