Nếu như các huyện cứ tiếp tục “tìm lối ra” cho xe chở rác và thùng chứa rác như thời gian qua thì số tài sản của Nhà nước hàng tỉ đồng này rồi sẽ thành rác. UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư”: Nếu huyện nào vẫn tiếp tục “đắp mền” cho xe chở rác thì sẽ bị thu hồi vào cuối năm 2007.
Nhưng chẳng có một xe rác nào bị “thu hồi” cả, mặc dù rác ngập đường mà xe chở rác thì vẫn hoạt động theo kiểu “một bữa chạy, dăm bảy bữa nghỉ”.
Mua cho hết tiền
Năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi “mạnh dạn” trích 15 tỉ đồng để phục vụ cho việc bảo vệ môi trường. Trong số tiền mà tỉnh “mạnh dạn” chi đó, có 4 tỉ được giao về các huyện để mua thùng chứa rác, xe kéo tay và xe chở rác chuyên dụng. Số tiền được rót thẳng vào tài khoản các huyện. Tỉnh “biếu không” như thế, huyện buộc lòng phải đi mua thùng rác và xe chở rác.
Thùng rác thì hầu như huyện nào cũng mua nhưng xe chở rác thì chỉ tập trung vào một số huyện đồng bằng, nơi có các thị trấn đông dân cư và rác cũng “phong phú”. Vừa chuyển tiền vào tài khoản các huyện, tỉnh vừa ra thời hạn, nếu huyện nào không mua sẽ bị thu hồi. Sợ mất của, các huyện vội vã đi mua thùng chứa rác và phát thông báo đấu thầu mua xe chở rác chuyên dụng.
Khi mua các thứ phục vụ cho việc giải quyết vấn đề môi trường về rồi, các huyện mới “té ngửa” ra rằng: Ai sẽ là người đứng ra thu gom và chở rác đây? Rác sẽ đổ về đâu và xử lý như thế nào đây? Đó là những câu hỏi mà không huyện nào trả lời được khiến các thùng chứa rác và xe chở rác, cái thì “úp đít”, cái thì “đắp mền”.
Rồi sẽ thành rác
Thùng chứa rác thì xử lý dễ nhưng xe chở rác chuyên dụng thì đành “đắp mền”. Hiện nay, đi về các thị trấn sẽ dễ dàng bắt gặp các thùng chứa rác đặt khắp nơi. Bên trong các thùng này, cái thì có rác, cái thì rỗng ruột, trong khi rác thì vẫn đầy đường. Nguyên nhân là chẳng có ai đứng ra thu gom rác cả!
Ở huyện Bình Sơn, trước khi có “thùng rác nhà nước”, có một đơn vị tư nhân của thị trấn Châu Ổ đứng ra thu rác và lấy lệ phí. Đơn vị này hoạt động không được bài bản vì thiếu phương tiện chuyên dụng, song rác thì vẫn được giải quyết, bộ máy thu gom rác thì vẫn được trả lương nhờ vào phí thu rác từ những hộ dân.
Thế nhưng, từ khi các thùng rác của Nhà nước về đặt trước nhà, người dân bỏ rác vào thùng này và không nộp lệ phí cho đơn vị tư nhân kia nữa. Rác trong các thùng này ngày một ứ đầy, gây hôi thối, dân đành lật úp tất cả các thùng rác kia lại! Thấy vậy, huyện bèn gom về đặt tại trụ sở của UBND huyện. Tương tự như Bình Sơn, các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và Sơn Tịnh cũng đi theo vết xe đổ kia. Chỉ có huyện đảo Lý Sơn là hoạt động tốt nhờ vào cách tổ chức và quản lý của họ.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh ra thông báo, nếu huyện nào vẫn để xe “trùm mền” thì đến 31/12/2007 sẽ bị thu hồi. Tiếc của, một lần nữa các huyện lại đưa số thùng chứa rác từ thị trấn về các xã. Xe chở rác thì “một bữa chạy, dăm bảy bữa nghỉ” cốt sao cho có “hoạt động” nếu không thì bị thu hồi. Các huyện không dám giao tài sản hàng trăm triệu đồng này cho tư nhân mà để cho phòng tài nguyên-môi trường trực tiếp khai thác, quản lý thì thu không bù chi.
Họ đang chờ một cơ chế từ cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề “của Nhà nước, giao cho tư nhân” này. Các thùng chứa rác “chuyển về quê”, chắc rồi cũng sẽ bị lật úp thôi vì rác đầy lên, gây hôi thối nhưng không có người mang đi đổ. Và như thế, thùng chứa rác, xe chở rác vẫn phải tiếp tục “chờ cấp trên” trước khi chính nó sẽ thành… rác!