Bài toán an cư (Kì 2)

ThienNhien.Net – Ổn định đời sống lâu dài cho người dân sau khi tái định cư – vấn đề đã trở nên bức thiết đối với các khu tái định cư thủy điện Quảng Nam. Nỗ lực của địa phương là đảm bảo sự ổn định trước mắt cho cư dân tái định cư sau đó mới tính chuyện phát triển bền vững. Nhưng quả thật không dễ. Có ý kiến cho rằng khi xây dựng các khu tái định cư, những yếu tố “bền vững” khác đã bị phá vỡ.

Quảng Nam: Dân tái định cư chưa thể…an cư! (Kì 1)

Những nỗ lực

Ra đời muộn hơn thủy điện A Vương, công tác di dân, tái định cư của hai công trình thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) và Đắc Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) được cho là có điều kiện thuận lợi bởi rút ra được nhiều kinh nghiệm. Nhưng theo ông Đặng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tình hình cũng “không xuôi chèo mát mái”: “Với đặc thù là vừa thiết kế vừa thi công, nên để kịp tiến độ, việc di dời, tái định cư do công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là sự ổn định việc học hành cho con em địa phương. Còn sinh kế lâu dài cho bà con là vấn đề được quan tâm số một nhưng chưa thể triển khai ngay. Trước mắt, địa phương và Ban Quản lý công trình thủy điện đang tập trung cho công tác di đời, tái định cư” – ông Phong nói.

Những kinh nghiệm được rút ra từ các khu tái định cư khác, theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó Ban giải tỏa đền bù, tái định cư huyện Bắc Trà My, việc xây dựng các khu tái định cư cho Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ được thực hiện trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân. có sự khảo sát kỹ lưỡng hơn về đặc điểm xã hội, cộng đồng, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Các căn nhà tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 sẽ được xây dựng trên các khu đất tự nhiên (không san bằng như các nơi khác); đất ở luôn gắn liền với đất vườn (tối thiểu 1.000 m2) và các dãy nhà đều nằm trên trục đường giao thông nông thôn. Phương án hỗ trợ “dài hơi” cho những hộ dân sau khi tái định cư cũng được địa phương kiến nghị. Cụ thể: Sẽ hỗ trợ cho người dân trong vòng 3 năm sau khi tái định cư (trước đây là một năm, với mức hỗ trợ 30 kg gạo và 100.000 đồng thực phẩm/người/tháng).

 
taidinhcu
Ngôi nhà mới của già làng Hồ Văn Nuôi tại khu TĐC thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My.


Ở khu tái định cư do thủy điện A Vương, những khó khăn có vẻ căn cơ hơn nhưng cũng được địa phương ra sức khắc phục. Theo ông Đỗ Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, sau ngày bà con từ lòng hồ A Vương di chuyển đến nơi ở mới (15/01/2006), địa phương đã tính đến các phương án sản xuất. Ngoài việc nhanh chóng giao đất sản xuất, địa phương đã hỗ trợ cho hai khu tái định cư 60.000 cây chuối mốc và vận động bà con trồng cây sắn tại những thửa đất vừa được khai hoang. Thế nhưng, vụ đầu tiên sản xuất ở hai khu tái định cư gần như mất trắng.

Hiện tại, những vướng mắc phát sinh sau khi tái định cư đang làm đau đầu chính quyền địa phương. Ví như chuyện đo đạc, xác định diện tích đất cũ của từng hộ; Chi tiết trong tổng mức đầu tư cho từng hộ; Những chuyện về an sinh xã hội, đời sống tinh thần… Còn kiến nghị của nhân dân về chất lượng đất hiện tại quá thấp cũng là vấn đề cực kỳ nan giải. Ông Tài nêu giải pháp: “Trước mắt huyện Đông Giang cùng với Ban Quản lý dự án thủy điện A Vương thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ để đảm bảo đời sống cho bà con. Địa phương cũng kiến nghị đến các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ bà con thêm 6 tháng lương thực (trước đây đã hỗ trợ 1 năm với mức 120 nghìn đồng/khẩu/tháng). Tiếp tục bổ sung diện tích đất bị thiếu; hướng dẫn bà con thực hiện phương án sản xuất theo kiểu quay vòng các giống cây trồng lúa – sắn – keo theo hướng bền vững. Dự kiến các phương án khắc phục hậu tái định cư khoảng 40 tỷ đồng”.

Phát triển bền vững?

Quảng Nam được đánh giá là địa phương có tiềm năng to lớn để phát triển thủy điện. Riêng trên hệ thống sông Tranh dự kiến sẽ có 5 thủy điện theo kiểu bậc thang triển khai xây dựng. Kèm theo đó, sẽ có nhiều diện tích đất rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, số hộ dân phải di dời nhường đất cho thủy điện sẽ lớn hơn con số đã thực hiện rất nhiều lần… Những tác động về thiên nhiên con người trên vùng đất Tây Quảng Nam vì thế sẽ phức tạp hơn gấp bội. Quan điểm của cơ quan chức năng là mất bao nhiêu rừng thì trồng lại bấy nhiêu, nhưng không ít câu hỏi nghi ngờ đã được đặt ra: Ai trồng? Trồng cây gì? Thời gian bao lâu?. Trước mắt nếu không có những đánh giá nghiêm túc, đầy đủ, khoa học về những tác động của việc triển khai xây dựng công trình thủy điện tại Quảng Nam, nhiều người e rằng, những hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng.

 
taidinhcu
Thêm nhiều diện tích rừng tự nhiên bị xoá sổ khi các khu TĐC thuỷ điện đưa vào sử dụng?


Trở lại câu chuyện về sinh kế lâu dài cho người dân tái định cư, theo nhiều ý kiến, thực ra đây mới chỉ là vấn đề “phần nổi”. Một “phần chìm” khác rất quan trọng nhưng đang “đổ vỡ” âm ỉ. Đó là sự cố kết cộng đồng; những phong tục tập quán, tâm linh, thói quen sinh hoạt; quan niệm về cuộc sống của mỗi tộc người… Từ những “đổ vỡ” này đã kéo theo nhiều hệ lụy cho những con người lâu nay chỉ biết đến cái nương, cái rẫy. Hiện tại, cuộc sống của hàng nghìn con người ở các khu tái định cư thủy điện Quảng Nam chỉ biết trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước. Các hoạt động kinh tế dường như đã “ngưng đọng” ở đây. Kèm theo đó, đời sống tư tưởng, tinh thần của bà con cũng nặng nề hơn. Chị Brui Điêng (26 tuổi, thôn A Đềng, khu tái định cư PachePalanh, huyện Đông Giang) cho biết: “Thanh niên không có việc cứ nhậu suốt. Đụng một tý là kêu Nhà nước. Cầu thang, hiên của một số ngôi nhà đã hư hỏng không biết sửa lại. Mấy hôm trước có con nít té gãy tay.

 
taidinhcu
Khu TĐC Nước Lang (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn), phía sau là vạt rừng đang được khai hoang làm kế mưu sinh lâu dài cho bà con.



Bao trùm cả những khu tái định cư thủy điện Quảng Nam là sự “đè nặng” của tư tưởng ỷ lại. Dường như các cư dân đang sống chung với nỗi bực dọc từ chính họ. Khó thấy có một điển hình nào đó bứt phá đi lên giữa khó khăn. Bởi ngay trên thực tế,. một công việc đơn giản như cách học chọn lựa giống cây trồng, bà con cũng dửng dưng, xa lạ. Thật khó tưởng tượng, có những hộ dân với định suất hỗ trợ tới 500 triệu đồng sau khi tái định cư do thủy điện lại điêu đứng với cuộc sống mới. Có thể ghi nhận những nỗ lực của địa phương và các ngành chức năng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho những “cuộc sống mới”. Song, một thực tế đang là trở lực cho “bài toán an cư” của dân tái định cư, đó là những “đổ vỡ” ngoài dự tính trong tâm tưởng của người dân. Vì vậy, lâu nay một phần việc rất quan trọng và được các địa phương duy trì thường xuyên, đó là kêu gọi hỗ trợ và… vận động. Những biện pháp mềm dẻo như trên ít nhiều đã có tác dụng. Nhưng điều đang được nhiều người kỳ vọng là hàng nghìn người dân tái định cư tự “đứng vững” với cuộc sống mới để an cư.