Hàng tấn rắn hổ mang chúa, rắn ráo trâu (thuộc nhóm 2B – nhóm động vật hoang dã quý hiếm) được vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không nhưng lại ngụy trang bằng tờ khai là Edibe Fish (cá tươi). Theo nhận định của Phòng Bảo vệ ANKT (PA17) Công an Hà Nội, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép qua đường hàng không đã và sẽ hết sức phức tạp.
Trung tuần tháng 12/2007, Phòng PA17 Công an TP Hà Nội nhận được nguồn tin về một nhóm đối tượng chuyên buôn bán động vật hoang dã quý hiếm từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không đã cử trinh sát bí mật theo dõi.
Ngụy trang bằng cá tươi để buôn lậu hàng tấn rắn
Ngày 17/12/2007, tại khu vực kho của Sân bay quốc tế Nội Bài có một lô hàng quá hạn 2 ngày không thấy chủ hàng đến nhận bốc mùi hôi thối.
Phòng PA17 nhanh chóng phối hợp với Đội Đặc nhiệm (Cục Kiểm lâm Việt Nam) tiến hành kiểm tra lô hàng trên và phát hiện toàn bộ số hàng hoá này được chuyển về Việt Nam ngày 15/12/2007 từ Indonesia qua Hãng hàng không Thái Lan.
Chủ hàng là người Indonesia, người nhận có địa chỉ ở A12 tập thể hàng không, chủng loại hàng hoá được thể hiện trên vận đơn của hãng hàng không Thái Lan là “cá tươi” gói trong 31 kiện hàng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Qua kết quả giám định của Cục Kiểm lâm và Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thì toàn bộ số hàng “cá tươi” này đã chết.
Theo Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá miền Bắc, khi tiếp nhận được lô hàng này, công ty đã nhiều lần liên hệ với địa chỉ người nhận theo vận đơn đến nhận hàng và làm thủ tục thông quan nhưng không liên hệ được.
Qua xác minh được biết, tại địa chỉ ghi trên vận đơn thì không ai có tên như vậy. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cho tổ chức kiểm hoá theo thủ tục hàng không không có người nhận với kết quả: toàn bộ hàng hoá không đúng chủng loại trong vận đơn và hoá đơn; hàng hoá được chủ hàng thể hiện là “cá tươi” nhưng thực tế là rắn hổ mang chúa. Tổng trọng lượng theo hoá đơn là 650kg.
Tiếp tục xác minh, Phòng PA17 phát hiện liên tục sau đó có 2 chuyến hàng từ Indonesia quá cảnh qua Bangkok (Thái Lan) về Việt Nam để xuất đi Trung Quốc.
9h ngày 17/1/2008, trinh sát nhận được nguồn tin có 1 lô hàng đang về đến Thái Lan, nhưng trong hoá đơn lại là hàng quá cảnh về Việt Nam không xác định được nơi hàng đến. Lãnh đạo Phòng PA17 đã cử một tổ trinh sát lập tức lên đường.
11h30 chuyến hàng về đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). 13h30’ chuyến hàng được lệnh chuyển tiếp đi Hà Nội trên chuyến bay VN 830 của Hãng hàng không Vietnam Airlines. 16h30′ máy bay hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nội Bài.
Phòng PA17 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Đội Đặc nhiệm Cục Kiểm lâm làm thủ tục nhập hàng để kiểm tra lô hàng nhập khẩu theo không vận đơn số 738-2052-3285, gồm 79 kiện hàng có trọng lượng 1.440kg, tên hàng là Edibe Fish (cá tươi), người nhận là Nguyễn Văn Quân ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Sau khi kiểm tra 79 kiện hàng trên thì chỉ có 10 kiện hàng là cá biển (không xác định được chủng loại) với trọng lượng 154kg, nhưng theo biên bản phân loại động vật hoang dã thì chỉ có 22kg cá, còn lại là nước và bao bì.
69 kiện hàng với trọng lượng 1.286kg là rắn ráo trâu (động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm 2B) còn sống.
Theo thông lệ, hễ là hàng tươi sống thì chủ hàng sẽ theo dõi rất sát giờ lên xuống của máy bay, chỉ 30 phút sau khi máy bay hạ cánh là có chủ hàng đến nhận. Nhưng với lô hàng này, hơn 1 giờ trôi qua vẫn không thấy bóng dáng chủ hàng đâu. Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Nội Bài đã liên hệ với người nhận hàng theo địa chỉ và số điện thoại trên vận đơn nhưng người nhận hàng vẫn biệt tăm.
Toàn bộ số rắn trên được đóng trong thùng xốp, bên trong mỗi thùng là 2 túi xác rắn, mỗi túi có từ 3 đến 5 con. Ngoài ra, trong mỗi thùng là 1 bịch nước và một chai nhựa đựng nước không xác định là nước gì.
79 thùng này rất giống nhau, nhưng 10 thùng đựng cá lại có thêm ký hiệu bằng 2 vạch mực màu tím ở ngoài vỏ thùng để đánh dấu phân biệt chống kiểm hoá theo tỷ lệ phần trăm. Toàn bộ số rắn trên hiện được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Sóc Sơn.
Cần kiểm soát chặt trước khi thông quan
Theo Đội đặc nhiệm, Cục Kiểm lâm thì tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm qua đường hàng không xuất hiện từ năm 2000 đến nay. Cục Kiểm lâm đã phát hiện một số vụ, nhưng thời gian gần đây thủ đoạn buôn bán, vận chuyển đã biến tướng tinh vi hơn. Toàn bộ số rắn ráo trâu được vận chuyển trên chuyến bay VN 830 không có thủ tục giấy tờ nguồn gốc hợp pháp.
Theo Phòng PA17, đoàn kiểm tra đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài ra quyết định phạt Hãng hàng không Thái Lan với lý do làm thủ tục vận chuyển không đúng với chủng loại hàng hoá và không rõ địa chỉ người nhận.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng PA17 cho biết, sau khi tuyến đường bộ bị lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao, các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép đã chuyển sang vận chuyển qua đường hàng không. So với đường bộ, vận chuyển qua đường hàng không nhanh hơn, không bị kiểm tra dọc đường, tỷ lệ chết giảm.
Ở nước ngoài, chúng nhờ người nước ngoài đứng tên nhưng tên, địa chỉ lại không rõ ràng. Với địa chỉ và tên người nhận trong nước cũng vậy, khiến công tác truy tìm rất khó khăn.
Theo nguyên tắc hàng hoá là thực phẩm tươi sống, hàng phi mậu dịch phải thực kiểm 100%, nhưng đối với hàng hoá của công ty thì chỉ kiểm tra xác xuất 5%. Lợi dụng điều này, đối tượng móc ngoặc với người kiểm tra để kiểm tra xác xuất hàng hoá, nên động vật hoang dã đã được ngụy trang có thể dễ dàng vận chuyển trót lọt.
Theo nhận định, đây là mặt hàng có lãi suất lớn, nên hoạt động buôn lậu này đã và sẽ diễn biến hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Thiết nghĩ, khâu kiểm tra hàng hoá trước khi thông quan cần chặt chẽ hơn nữa, tránh xảy ra tình trạng ngụy trang để buôn bán hàng cấm qua con đường nhạy cảm này.