Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, Lào Cai đã rà soát, tăng quỹ đất rừng sản xuất; quy hoạch vùng nguyên liệu, gắn với chế biến sâu; đồng thời đổi mới cơ chế, mô hình quản lý và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này.
Giao quyền làm chủ cho người dân
Tỉnh Lào Cai có 285.000ha rừng các loại, trữ lượng gỗ đạt 18 triệu mét khối và hơn 200 triệu cây tre, vầu, nứa. Rừng có trữ lượng gỗ tập trung (cấp ba) chiếm 46%, phân bố ở địa hình núi cao, vùng sâu, vùng xa; còn lại là rừng hỗn giao (trữ lượng đạt cấp bốn).
Hằng năm, các cơ sở sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn khai thác khoảng 4.000 – 5.000m3 gỗ rừng tự nhiên, 40.000m3 gỗ rừng trồng, sản xuất 22.000 tấn nguyên liệu giấy, 200 tấn quế khô và 1.500 tấn thảo quả, hàng nghìn tấn măng tươi và khô làm thực phẩm, nguyên liệu cho ngành dược…; đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, số đông người dân vẫn chưa sống được từ rừng, do những năm trước đây, công tác quy hoạch rừng thiếu khoa học, chưa sát thực tế, nên diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm diện tích lớn, hạn chế đất canh tác rừng trồng, rừng kinh tế.
Theo Quyết định 661 của Chính phủ quy định hộ nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được hưởng 50.000 đồng/ha, thời hạn không quá 5 năm. Hết 5 năm, hộ dân vẫn tiếp tục nhận khoán rừng phòng hộ, nhưng không được hưởng tiền công khoán nữa, mà được hưởng lợi từ rừng theo Quyết định 178 của Chính phủ.
Thế nhưng, ở Lào Cai, nhiều nơi do điều kiện núi đá vôi, khí hậu khắc nghiệt, nhiều diện tích rừng hết hạn đầu tư nhưng lại chưa có sản phẩm gỗ và lâm sản phụ để hưởng lợi; mặt khác, không quy định cụ thể về việc người dân được khai thác, sử dụng lâm sản như thế nào; vì thế, đời sống người làm rừng rất khó khăn, người dân không thiết tha nhận khoán bảo vệ rừng để hưởng lợi theo Quyết định 178.
Ông Lê Văn Lạc, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Lào Cai cho biết: Thực hiện Chỉ thị 38 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương rà soát, quy hoạch lại ba loại rừng, chuyển 50.482 ha rừng và đất rừng phòng hộ ở những nơi ít xung yếu, sang thành rừng và đất rừng sản xuất để giao cho dân canh tác và hưởng lợi 100%.
Như vậy, diện tích rừng sản xuất hiện nay của Lào Cai là 201.980 ha. Trên cơ sở quy hoạch rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và chín huyện, thành phố tích cực giao đất ngoài thực địa và cấp sổ đỏ cho người dân để họ yên tâm sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn ngân hàng, lập trang trại trồng rừng quy mô lớn, tập trung.
Đến thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, dù Tết đã đến gần, nhưng ông Triệu Tiến San, 60 tuổi, người Dao cùng năm lao động là con, cháu trong nhà vẫn miệt mài trồng keo lai, bồ đề, trám trên hơn 10 ha đất lâm nghiệp vừa được giao quyền sử dụng rừng sản xuất, nằm sát ngay quốc lộ 70.
Ông San nói: “Bây giờ, nhà mình có thể toàn tâm toàn ý, tính cách đầu tư, để sống và làm giàu từ rừng được rồi. Khi mình trồng rừng và được khai thác toàn bộ gỗ để bán ra thị trường tự do thì lo gì không làm giàu được, vì gỗ đang bán rất “chạy” cho các nhà máy của tỉnh và xuất đi Trung Quốc bao nhiêu cũng hết mà. Trước đây chỉ được nhận khoán hưởng lợi từ rừng phòng hộ, thủ tục khai thác không rõ, lại rườm rà lắm, nên nhiều người không thiết tha làm rừng, bỏ đất trống. Bây giờ thì khác rồi, nhà nào trong thôn Bản Lọt cũng muốn nhận đất để trồng rừng, không du canh du cư nữa”.
Trưởng thôn Bản Lọt Ðặng Văn Quang cho biết, toàn bộ 135 hộ người Dao ở đây đã nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới 274 ha rừng, chất lượng rất tốt, sinh trưởng nhanh, vì trồng bằng giống mới, đúng kỹ thuật, nhờ vậy 80% số hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng. Nhiều gia đình nông dân hoàn toàn sống nhờ rừng, thu nhập 30 – 40 triệu đồng/năm. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, đến nay, Lào Cai cơ bản đã giao xong toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho người dân khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng sản xuất.
Quy hoạch vùng nguyên liệu, gắn với chế biến sâu
Phó Giám đốc phụ trách lâm nghiệp, Sở NN và PTNT Lào Cai, Ðinh Văn Toản cho biết: Trong năm năm qua, giá trị sản xuất lâm nghiệp của Lào Cai đã tăng từ 170 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 11% GDP toàn tỉnh và chiếm 30% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất trên một ha rừng tăng từ sáu triệu đồng lên 12 triệu đồng/ha. Kết quả đó đã đưa kinh tế lâm nghiệp thành nghề có thu nhập khá cho người dân.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng và hiệu quả kinh tế rừng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, có đất lâm nghiệp rộng tới 419.000 ha và 80% số dân (khoảng hơn 500 nghìn người) sống nhờ nông nghiệp, nông thôn. Ðể khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Lào Cai đang thực hiện đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006- 2010”, nhằm trồng mới 16.000 ha rừng kinh tế, nâng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8-10%/năm; hình thành các vùng nguyên liệu bền vững; phát triển hệ thống cơ sở chế biến lâm sản có công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp, hạn chế thấp nhất việc tiêu thụ nguyên liệu thô.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện đề án trên, Lào Cai đã và đang hình thành ba vùng nguyên liệu trọng điểm là: Vùng Bảo Thắng, trồng rừng nguyên liệu phục vụ chế biến ván lạng, ván sàn và gỗ công nghiệp, quy mô 50.000 ha. Ở vùng này, đưa các loại keo lai, mỡ, bạch đàn cao sản, xoan ta vào trồng. Vùng Bảo Yên, trồng rừng nguyên liệu giấy, quy mô 15.000 ha, gồm các loại cây như keo lai, luồng Thanh Hóa, tre Bát Ðộ. Vùng Văn Bàn trồng rừng nguyên liệu phục vụ sản xuất giấy đế xuất khẩu, đũa tre; gồm luồng Thanh Hóa, tre, nứa, keo, bạch đàn cao sản, trám…
Chi cục lâm nghiệp phối hợp với các Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương đưa tiến bộ kỹ thuật trồng giống keo lai, bạch đàn cao sản bằng hom đến người dân trồng rừng. Việc trồng bằng hom thay trồng hạt ươm bầu kiểu truyền thống sẽ rút ngắn chu kỳ thu hoạch xuống còn 2/3. Kỹ thuật trồng bằng hom và công nghệ chế biến ván lạng cho phép người nông dân rút ngắn chu kỳ thu hoạch, giảm thời gian quay vòng vốn, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất lâm nghiệp. Cây keo lai được thu mua để chế biến thành ván lạng xuất khẩu đi Trung Quốc, đã làm tăng hiệu quả kinh tế lên gần bốn lần so với trồng cây bản địa, bán nguyên liệu thô như trước đây.
Tới Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dương, đóng trên diện tích 6.700 m2, tại khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, ngay sát cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Mặc dù sát Tết, nhưng công nhân vẫn miệt mài lạng gỗ, sấy khô, đóng thùng, đưa lên xe ô-tô để xuất sang Hà Khẩu – Trung Quốc, chỉ cách nhà máy chừng năm km.
Giám đốc doanh nghiệp Nguyễn Thị Thọ cho biết, hằng năm thu mua hơn 2.000m3 gỗ nhóm tám (cấp thấp), gồm các loại như mỡ, bồ đề, keo, trẩu cho bà con nông dân trong tỉnh (trước đây chỉ làm cây chống và củi, giá rất thấp), để chế biến thành ván lạng và ván thanh xuất khẩu, với giá từ 800 nghìn – 1,2 triệu đồng/khối. Gần 400 hộ nông dân đã ký hợp đồng bán nguyên liệu cho nhà máy. Nhiều hộ, như bà Nguyễn Thị Chi, ở phường Kim Tân, có 10 ha rừng trồng, hằng năm tỉa thưa bán nguyên liệu cho nhà máy, thu về hơn 30 triệu đồng.
Giám đốc Thọ cho biết thêm, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất ván lạng khép kín của Ðài Loan (Trung Quốc), bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng cao, được khách hàng tín nhiệm.
Hiện nay, Lào Cai đã có ba nhà máy sản xuất giấy đế, với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/năm, xuất khẩu sang Ðài Loan (Trung Quốc); cùng với các cơ sở sản xuất chiếu tre, thảm hạt pơ mu, đồ thủ công mỹ nghệ của các Lâm trường Văn Bàn, Bảo Yên và Công ty cổ phần lâm nghiệp Bảo Thắng, góp phần tiêu thụ nguyên liệu rừng sản xuất cho nông dân và gia tăng giá trị từ 30 – 40% so với bán nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, các cơ sở này đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bởi mẫu mã chậm đổi mới, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng nước ngoài và mô hình hoạt động cộng với cơ chế quản lý, chính sách điều tiết của Nhà nước chưa thật sự thông thoáng, linh hoạt.
Ðể khắc phục hạn chế này, Lào Cai chủ trương xây dựng Nhà máy bột giấy Bảo Yên, công suất 10.000 tấn/năm; nhà máy giấy đế xuất khẩu số 2 tại Văn Bàn, công suất 5.000 tấn/năm; nhà máy giấy đế xuất khẩu tại Bảo Thắng, công suất 5.000 tấn/năm, Nhà máy ván ghép thanh Bảo Thắng, công suất 7.000 tấn/năm tại Bảo Thắng. Tổng vốn đầu tư các dự án trên gần 400 tỷ đồng.
Khuyến khích xã hội hóa lâm nghiệp
Trên địa bàn Lào Cai hiện có 225 tổ chức kinh tế và cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, trong đó có hai doanh nghiệp nhà nước, một công ty cổ phần, một doanh nghiệp liên doanh nước ngoài. Hằng năm, các cơ sở này sản xuất ra hơn 8.000 tấn giấy đế xuất khẩu, 10.000m3 gỗ xẻ, 6.000m3 gỗ dân dụng, 2.500 mét khối đồ thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Ðến nay, hai lâm trường quốc doanh Văn Bàn và Bảo Yên đã hoàn thành hồ sơ để tiến hành cổ phần hóa trong năm 2008. Lâm trường Văn Bàn là một cơ sở chế biến lâm sản mạnh của Lào Cai, đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị dây chuyền, thiết bị tiên tiến, nhằm đa dạng hóa sản phẩm như giấy đế, chiếu tre, thảm hạt pơ mu, ván thanh, đũa tre, đũa bồ đề, đồ gỗ cao cấp; doanh thu hằng năm hơn 20 tỷ đồng, với gần 200 lao động được đào tạo nghề.
Ông Hà Kim Sơn, Giám đốc Lâm trường Văn Bàn cho biết, đang gấp rút tiến hành cổ phần hóa, nhằm tạo điều kiện tự chủ và huy động vốn, mở rộng sản xuất trong xu thế hội nhập. Ðiều đó có lợi cho doanh nghiệp và người trồng rừng.
Ðể đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, tỉnh Lào Cai đã vận dụng tốt các chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành nhiều chính sách khác, như Hỗ trợ chương trình giống cây trồng, chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng cảnh quan, môi trường du lịch…
Tuy nhiên, Lào Cai cần nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế như: Mới tập trung vào mục tiêu nâng diện tích rừng để đạt độ che phủ mà chưa chú ý đến chất lượng rừng; đầu tư còn dàn trải, chưa khoa học, tập trung; công nghệ chế biến cũ, lạc hậu; công tác dự báo và thông tin thị trường lâm sản còn yếu kém; việc quản lý giống chưa chặt chẽ dẫn đến năng suất thấp; nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, tăng thu nhập ổn định, bền vững cho người trồng rừng.