ThienNhien.Net – Dịch vụ giặt khô ngày càng phát triển tại các đô thị, tuy nhiên ít người biết rằng ngành giặt khô hiện vẫn sử dụng hóa chất rất độc hại. Đó là chất Perchloroethylene (Perc).
Riêng tại Mỹ, một nước phát triển, số liệu thống kê cho biết có tới 80% trong số hơn 35.000 tiệm giặt có sử dụng chất Perc làm dung môi trong quá trình giặt khô. Perc là một hợp chất hữu cơ nhân tạo dễ bay hơi (VOC) có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và là mối đe doạ đối với môi trường. Nếu tiếp xúc với lượng rất nhỏ chất Perc người ta có thể xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, buồn nôn, phỏng da hay có vấn đề về hô hấp. Sự phơi nhiễm Perc trong khoảng thời gian dài có thể dẫn đến suy yếu chức năng gan, thận và bị ung thư. Chất Perc có thể xâm nhập vào cơ thể qua các con đường tiêu hóa, tiếp xúc da và nhất là qua đường hô hấp, đồng thời cũng có thể truyền từ mẹ sang con. Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phát hiện ra quần áo được giặt khô có chất Perc có thế lan tỏa độc hại ra khắp căn nhà, tập trung nhiều ở nơi cất giữ quần áo.
Ngày nay, ở một số nơi, người ta đã tìm ra các phương pháp giặt thay thế việc sử dụng chất Perc, trong đó có hai phương pháp được đánh giá cao là giặt ướt chuyên nghiệp và làm sạch bằng CO2 lỏng.
Giặt ướt chuyên nghiệp là phương pháp làm sạch quần áo hiệu quả, an toàn, sử dụng nước làm dung môi kết hợp với các loại xà phòng và chất trợ dung đặc biệt. Vì giặt ướt không có những chất VOCs nên nó hạn chế các rủi ro về an toàn, sức khoẻ cũng như mối lo về môi trường so với cách giặt khô truyền thống. Các thiết bị và chi phí hoạt động cũng rẻ hơn, tiết kiệm nước hơn so với giặt khô. Do đó, nếu giặt ướt là tốt cho con người và môi trường thì lúc này vấn đề thực sự lại nằm ở chất lượng của máy giặt.
Làm sạch bằng CO2 lỏng là phương thức sử dụng CO2 lỏng thay cho chất Perc cùng với các tác nhân làm sạch khác. CO2 là chất khí tự nhiên không bén lửa và không độc hại trong môi trường. Mặc dù CO2 là khí nhà kính chủ yếu song không có CO2 mới nào được sinh ra bởi công nghệ này, vì vậy nó không gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những công ty sản xuất lấy lại CO2 từ sản phẩm phụ của các quá trình sản xuất và sau đó họ tái chế CO2 thành dung môi lỏng sử dụng cho việc giặt quần áo. Nhược điểm chính của việc này là mặc dù CO2 vừa rẻ vừa dư thừa nhưng máy giặt khô sử dụng CO2 lại rất cao, khoảng 40.000 USD/máy. Dĩ nhiên nếu chạy trong khoảng thời gian dài, chúng sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.
Ngoài ra còn có một số các phương pháp giặt khô khác như sử dụng hydrocacbon hay siloxane (D5). Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng các dung môi này đều không hoàn toàn sạch và an toàn. Thêm vào đó chúng đều là những chất sinh ung thư.
EPA cũng khuyến cáo rằng không nên giặt bằng CO2 lỏng với máy giặt Solvair vì máy giặt này sử dụng glycon làm dung môi thay thế cho Perc và các chuyên gia nghi ngờ rằng nó là chất độc hại ảnh hưởng đến thận, hô hấp, an thần và có thể phá huỷ hoóc-môn.
Califorlia là bang dẫn đầu của Mỹ trong việc thay đổi theo hướng giặt khô thân thiện với môi trường. Đầu năm 2007, bang này cam kết sẽ hoàn toàn loại trừ việc sử dụng chất Perc vào năm 2023 và đã tài trợ khoản tiền lớn cho các tiệm giặt chuyển sang giặt ướt hoặc làm sạch bằng CO2.