Ở các xã Lương Hòa, Lương Phú, Phong Nẫm… thuộc huyện Giồng Trôm (Bến Tre), môi trường không khí từ lâu đã bị ô nhiễm và ngày càng gia tăng do khói tuôn ra từ các lò đốt than đang hoạt động. “Thuận gió” thì gió thổi khói ra… sông; “nghịch gió” thì gió phả khói vào các xóm thôn. Khói than gáo dừa thiêu kết có dầu nên với ống khói cao 10m bụi khói cũng không bay được xa mà lơ lửng như rong chơi ngắm cảnh giây lát trên không trung rồi ụp xuống nhà cửa, vườn tược. Mới đây, Bến tre đã có công trình nghiên cứu xử lý bụi và khói lò than, batứ đầu áp dụng ở huyện Giống Trôm.
Nhìn bằng mắt thường, thấy bụi khói đen ngày đêm tung mịt mù và nước sông vàng ố có mùi hôi khó chịu, cũng thấy lo lắng của người dân là có cơ sở. Tình trạng đốt than gáo dừa, xử lý khói thải không đúng hướng dẫn của ngành chức năng, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, ảnh hưởng đến cây trồng và sức khỏe như nhân dân trong vùng đã phản ánh là có thật.
Các chất ô nhiễm từ lò đốt than gáo dừa tồn lưu trong môi trường không khí từ 100 ngày đến 3 năm ở hai dạng phổ biến là hơi khí và phân tử bụi (bụi lơ lửng, bụi nặng, aerosol khí, lỏng, rắn), gây tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người.
Về giải pháp đưa các cơ sở làm than gáo dừa vào khu công nghiệp (KCN) huyện hay nâng độ cao ống khói đều không đắc sách: Trong KCN có nhiều đơn vị, chẳng đơn vị nào chịu đứng cạnh; nâng độ cao ống khói có tác dụng đẩy bụi khói đen đi xa hơn, loãng ra, giảm tác hại nhưng chưa giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm không khí. Nếu đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất than gáo dừa, làm chỉ xơ dừa gây ô nhiễm môi trường thì ít nhất 90% cơ sở cùng chung số phận, hầu hết họ là người nghèo.
Có sự hỗ trợ của UBND huyện Giống Trôm, công trình nghiên cứu xử lý khói thải lò than gáo dừa thiêu kết mới đây đã được áp dụng tại lò than thiêu kết của ông Trần Huyền Khương ở xã Lương Phú.
Khí thải được đưa từ các lò hầm than qua ống dẫn khí xuống hồ xử lý. Hồ xử lý có thể tích 4x2x1,5m, chứa nước vôi có mực nước nằm sát phía dưới lỗ thoát khí. Phun trực tiếp những tia nước vôi Ca(OH)2 cực nhỏ thoát ra từ vô số những lỗ nhỏ li ti trên ống nước đặt vòng theo chu vi của hồ và khí thải thoát ra từ lỗ thoát khí. Sau khi qua hệ thống phun sương, khí thải được dẫn vào khối vôi luôn ẩm ướt ở dưới chân ống thoát khí cao khoảng 10m đặt ở cuối hồ và thoát ra bên ngoài.
Sau khi xử lý, khí thoát ra bên ngoài rất ít, gần như không có cảm giác khó chịu như khi chưa xử lý. Xét về mặt khoa học, dựa trên các số liệu đo lượng khí độc thoát ra từ ống khói đều đạt tiêu chuẩn cho phép thì kết quả công trình đạt 100%. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp phải cho chạy môtơ liên tục trong suốt thời gian đốt lò, để hệ thống phun sương đảm bảo hoạt động, triệt hạ được khí độc cùng lớp vôi đệm bên trên.